Hấp dẫn kịch liên kết
Sau thành công của các vở diễn liên kết như “Vòng phấn Kapka”, “Ông lão đánh cá và con cá vàng”… mới đây, Nhà hát Tuổi trẻ đã tiếp tục ghi điểm với vở kịch rối “Vịt trời trúng độc” - phối hợp dàn dựng với Nhà hát rối dây Edo- Yukiza (Nhật Bản).
Một cảnh trong vở rối “Vịt trời trúng độc” (Ảnh: Mạnh Hà).
Theo đó, với 3 buổi diễn vừa diễn ra tại Hà Nội từ 13 đến 15/5, “Vịt trời trúng độc” đã mang đến cho khán giả cảm giác thưởng thức một tác phẩm dù xưa cũ nhưng vẫn mang đầy tính thời sự. Ở đó, khác hẳn với các vở diễn dành cho thiếu nhi quen thuộc, “Vịt trời trúng độc” (dành cho khán giản trên 12 tuổi) vẫn dự trên câu chuyện “Con vịt trời” cách đây 132 năm của kịch gia nổi tiếng của Nauy- Henrik Ibsen nhưng đã được đạo diễn Sakate Yoji biên tập lại và “cập nhật” một cách hợp lý vấn đề đang nóng hổi về vấn đề con người và môi trường.
Ở đó, nội dung câu chuyện kịch được dẫn dắt trong sự đan xen giữa cảnh đoàn đưa tang đang lần mò trong khu rừng, tìm kiếm nghĩa địa chấp nhận cho mai táng thi hài của cô bé Hedvig đã tự sát, với những cảnh hồi tưởng quá khứ, tái diễn “những sự kiện đã dẫn tới cái chết của những sinh linh đã bị làm tổn thương”. Có thể thấy sự so sánh giữa những sinh linh của tự nhiên hoang dã đang chết đi do bị nhiễm độc chì và việc săn bắn bởi bàn tay tàn bạo của con người như một thông điệp khẩn gửi đến khán giả hôm nay.
Đạo diễn Sakate cho biết: “Chúng tôi cũng rất bất ngờ khi hai nghệ sĩ của Việt Nam là NSND Lê Khanh và nghệ sĩ Thanh Bình hợp tác tham gia trình diễn cùng với các nghệ nhân rối dây của Nhật Bản đã tạo cho ê kíp dàn dựng và nghệ sĩ Nhật những hưng phấn và hứng thú với sự hợp tác này. Chúng tôi cũng rất bất ngờ khi “Vịt trời trúng độc” nói về tác nhân gây ô nhiễm môi trường lại được trình diễn đúng vào thời điểm mà người dân Việt Nam đang lo lắng bởi tình hình ô nhiễm biển làm cá chết ở Việt Nam”.
Cùng với đó, vở diễn “Vịt trời trúng độc” không sử dụng hình thức kịch hiện đại như nguyên tác, mà triển khai hình thức mộng huyền phức hợp của Noh - kịch truyền thống Nhật Bản. Tính bình luận được thể hiện qua sự phân ly giữa con rối và người điều khiển rối trong sân khấu kịch rối truyền thống sẽ giúp chiếu rọi một cách sâu sắc và sắc bén đời sống nhân vật được khắc họa trong kịch của Ibsen. Vở diễn mở ra theo cấu trúc kịch Noh, nhân vật chính là một hồn ma đang ám giữ không gian và nhân vật phụ là người hành hương đến hỏi chuyện, từ đó tái hiện câu chuyện quá khứ - chính là cốt truyện nguyên tác.
Không những vậy, theo ông Trương Nhuận – Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ: “Có thể nói, hợp tác lần này giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Yukiza, Nhật Bản là cơ hội quý hiếm để các nghệ sĩ 2 nước giao lưu văn hóa, học tập lẫn nhau và chia sẻ những kinh nghiệm hoạt động sân khấu quốc tế.
Yukiza là nhà hát có truyền thống lâu đời với 380 năm hoạt động, là Di sản văn hoá dân gian phi vật thể quốc gia của Nhật Bản và của Thủ đô Tokyo. Đây cũng là cơ hội để chúng ta học hỏi cách người Nhật giữ gìn di sản văn hóa, cách người Nhật phát triển nghệ thuật múa rối cổ truyền trong xã hội đương đại”.
Theo kế hoạch sau ba suất diễn tại Hà Nội, vở kịch rối dây Vịt trời trúng độc có thêm suất diễn vào lúc 20h ngày 17-5 tại Nhà hát lớn thành phố Hải Phòng. Trong 1,6 tỷ đồng tổ chức bốn suất diễn ấy, Nhà hát Tuổi trẻ đóng góp 500 triệu đồng, còn lại do Asia Center- Quỹ Japan Foundation, Naman Retreat và Hiệp hội Unesco Hà Nội tài trợ.
Đây là một cơ hội dành cho giới làm nghệ thuật ở Việt Nam được dịp tiếp cận với một cách gợi mở đầy thú vị về cách khai thác kịch kinh điển cũng như sự kết hợp ăn ý giữa sân khấu truyền thống và hiện đại.
Sau 4 buổi biểu diễn tại Việt Nam, “Vịt trời trúng độc” sẽ tham dự Liên hoan sân khấu quốc tế Sibiu (Rumani) vào tháng 6 tới.