Kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ: Siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ

C.P. 16/05/2016 09:00

Sau hơn hai năm thực hiện siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện, tình hình trật tự an toàn giao thông đối với phương tiện kinh doanh vận tải trên đường bộ đã chuyển biến tích cực, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến ô tô kinh doanh vận tải liên tục được kéo giảm, tỉ lệ ô tô vi phạm quy định về tải trọng đã giảm xuống dưới 10%.

Kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ: Siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên trong thời gian gần đây, tình hình tai nạn giao thông cũng như hiện tượng vi phạm tải trọng của ô tô kinh doanh vận tải có diễn biến phức tạp. Đặc biệt, từ ngày 28/4 đến ngày 12/5/2016, cả nước đã xảy ra 33 vụ tai nạn giao thông liên quan đến ô tô khách, ô tô tải và xe chở container, làm chết 27 người và bị thương 83 người, trong đó có 5 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.

Bên cạnh đó các phương tiện thông tin đại chúng tiếp tục phản ánh về hiện tượng ô tô chở vật liệu xây dựng, phế thải công trình, nông sản, gỗ, hàng đông lạnh... có dấu hiệu vi phạm tải trọng hoạt động trên địa bàn các tỉnh biên giới phía bắc, các tỉnh Tây Bắc, khu vực ngoại thành và một số công trình trong nội thành Hà Nội, các tỉnh khu vực Tây Nguyên, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, gây mất trật tự an toàn giao thông, phá hoại kết cấu hạ tầng giao thông, khiến dư luận và người dân bức xúc.

Qua báo cáo của các cơ quan chức năng cho thấy, nguyên nhân trực tiếp của tình trạng trên là do hành vi vi phạm quy định pháp luật của lái xe như vi phạm nồng độ cồn, vượt sai quy định, vi phạm tốc độ, lái ô tô vi phạm tải trọng, chở quá số người quy định...

Tuy nhiên, nguyên nhân gốc của tình trạng trên là do sự yếu kém trong quản lý các đơn vị kinh doanh vận tải, tình trạng “khoán trắng” cho lái xe tự lo khai thác hàng hoá, tìm kiếm hành khách. Đồng thời, dư luận cũng phản ánh về một bộ phận trong lực lượng thực thi công vụ còn hạn chế về năng lực chuyên môn, chưa làm tròn trách nhiệm, thậm chí còn có hiện tượng dung túng, tiếp tay cho hành vi vi phạm của lái xe, chủ xe.

Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông, các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2016 với chủ đề “Xây dựng văn hoá giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ” với mục tiêu kéo giảm từ 5-10% cả về số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông, giảm số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do ô tô kinh doanh vận tải gây ra, cơ bản chấm dứt hiện tượng ô tô chở hàng quá tải, ngày 14/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia gửi Công điện số 18/CĐ-UBATGTQG yêu cầu các Bộ: GTVT, Công an, Thông tin &Truyền thông; Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện trên đường bộ.

C.P.