Chính quyền phục vụ
Cuối tuần qua, UBND tỉnh Thái Bình công bố 2 số điện thoại nóng để tiếp thu, xử lý thông tin phản ánh những vấn đề liên quan. Trước đó, một số bộ ngành, địa phương kể cả cá nhân một số vị lãnh đạo cũng đã có việc làm tương tự. Đây chính là sự cam kết về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, đảm bảo các yêu cầu cần phải có như tính liêm chính, tận tụy, công khai, minh bạch, hướng tới mục tiêu xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên
công bố 2 đường dây nóng tiếp nhận ý kiến của người dân hôm 13/5.
Trong lịch sử, đất nước đã trải qua không ít hình thái chính quyền. Kéo dài nhất là chính quyền phong kiến, thực dân, với bản chất là chính quyền cai trị. Thực tế cho thấy, sống dưới chính quyền cai trị, thân phận người dân rất bé mọn, nhiều quyền con người, quyền công dân bị tước đoạt. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam mới ra đời thực sự đã đổi đời cho cả dân tộc.
Người dân từ thân phận nô lệ, bị áp bức, bóc lột đã được can dự cả vào những chuyện “quốc gia đại sự”. Nhân dân có quyền bầu ra chính quyền của mình; giao quyền tổ chức, điều hành đất nước, những việc liên quan đến đời sống của mình cho những công bộc. Không những thế, nhân dân thông qua các tổ chức của mình thực hiện quyền giám sát.
Chính quyền của chúng ta mang bản chất cách mạng, của dân, do dân và vì dân. Và cũng chính, đất nước đã đương đầu và chiến thắng trong những cuộc chiến tranh vệ quốc thể kỉ XX; đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong mấy chục năm đổi mới vừa qua.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, người dân, doanh nghiệp không khỏi đau lòng khi nhiều lúc, nhiều nơi vẫn gặp phải những công bộc lười nhác, hư hỏng, không thực hiện đúng trách nhiệm công bộc được nhân dân giao phó. Nhẹ thì thờ ơ, vô cảm, tắc trách; nặng hơn là nhũng nhiễu, vòi vĩnh, tiêu cực, tham ô, tham nhũng.
Chính những tệ nạn đó trong một bộ phận cán bộ, công chức đã làm biến dạng bản chất tốt đẹp của chính quyền, của nền hành chính quốc gia; cản trở sự phát triển, hội nhập của đất nước. Trong đó trực tiếp gánh chịu hậu quả không ai khác chính là người dân, doanh nghiệp.
Xin nêu một ví dụ: vào năm 2004, tại huyện Nam Trực (Nam Định) có việc chính quyền huyện, xã Bình Minh tổ chức đấu thầu đất giãn cư. Tham gia đấu thầu, 9 hộ dân ở thôn Đông Hành Quần bỏ giá cao hơn đã trúng thầu, ngay sau đó họ cũng đã nộp đủ 15,16 triệu đồng tiền trúng thầu cho ngân sách địa phương theo quy định.
Nhưng cho đến tận bây giờ họ vẫn chưa được giao đất. Nguyên nhân, trước khi tổ chức đấu thầu, chính quyền địa phương- không biết do thiếu hiểu biết hay do cố tình làm ẩu mà dù chưa thu hồi vẫn đưa diện tích đất nông nghiệp đang được giao ổn định cho người dân canh tác ra đấu thầu làm đất giãn cư.
Lấy lý do đất đang được giao canh tác, có giấy tờ hợp lệ những hộ dân có ruộng không chấp nhận trả lại cho chính quyền. Chính quyền do vậy không có đất để giao cho 9 hộ đã trúng thầu. Điều đáng nói là, dù biết đã thực hiện sai quy định nhưng đến nay, sau đến 12 năm, chính quyền địa phương vẫn chưa có phương án khắc phục hậu quả, bắt 9 hộ dân trên vẫn phải chờ đợi trong mỏi mòn.
Chuyện này cho thấy khi chính quyền, công chức làm việc tắc trách, thiếu trách nhiệm thì người dân sẽ khốn khổ, thiệt thòi. Những cụm từ như “dân cần nhưng quan chưa vội”, “đất lành chim đậu, chim chưa đậu đã nhậu hết chim”…vang lên ở quán nước vỉa hè đến nghị trường Quốc hội thật đau lòng.
Trong bối cảnh đó, thật dễ hiểu khi tín hiệu về quyết tâm xây dựng một chính quyền, một nền hành chính làm việc với tinh thần phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp, thay vì “hành là chính” được phát đi từ Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo bộ ngành, chính quyền địa phương… nhanh chóng nhận được sự đón nhận, kỳ vọng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp.
Hơn ai hết, người dân, cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ, nếu mục tiêu này trở thành hiện thực thì sung sướng đến thế nào. Đơn giản, khi đó trong bộ máy hành chính không có chỗ cho những công chức chây ỳ, làm việc theo kiểu “sáng cắp ô đi tối cắp về”, vô trách nhiệm, vô cảm; càng không có chỗ cho những công chức quen thói hống hách, bắt nạt hoặc phiền hà, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp.
Có thể nói, từ một chính quyền cai trị đến một chính quyền quản lý, giờ đây là chủ trương xây dựng một chính quyền, một nền hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp là một bước tiến dài. Đây cũng đang là đòi hỏi cấp thiết của cuộc sống hiện nay. Vấn đề còn lại là hành động!
Vì thế, việc UBND tỉnh Thái Bình cũng như trước đó một số bộ ngành, địa phương đã thiết lập đường dây nóng với mục đích xử lý nhanh chóng những kiến nghị, bức xúc người dân, doanh nghiệp là tín hiệu tốt lành, được xem là một trong những hành động cụ thể, trong nhiều hành động, giải pháp cần phải có để tiến tới xây dựng một chính quyền, một nền hành chính phục vụ nhân dân. Nhưng người dân cũng mong sao những đường dây nóng thực sự “nóng”, không chỉ được lập ra cho có và vận hành theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”…