Các siêu dự án tiền tỷ 'đắp chiếu': Siết kỷ luật đầu tư công
Hàng loạt các dự án nghìn tỷ bỏ hoang, hoặc nếu có hoạt động thì cũng không hiệu quả, lỗ hết năm này đến năm khác. Đã đến lúc cần phải loại bỏ cơ chế “xin - cho” - Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế về thực trạng các dự án đầu tư công kém hiệu quả.
Một dự án bỏ hoang.
Dự án ngàn tỷ gây lãng phí
Dư luận nóng lên khi Bộ Công thương mới đây lên tiếng xin Chính phủ tiếp tục cấp thêm tiền để đầu tư vào dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên với mức vốn đầu tư đội lên thêm 9.031 tỉ đồng - tăng 927 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư cũ. Trước đó, theo đề nghị của nhà thầu Trung Quốc, dự án này đã tăng tổng vốn từ 3.843 tỉ lên 8.014 tỉ đồng. Tuy nhiên, đề xuất này của Bộ Công thương ngay lập tức đã nhận được sự phản đối của Bộ Tài chính. Và Chính phủ cũng không đồng ý tiếp tục đổ thêm tiền vào dự án vốn đã không có hiệu quả từ nhiều năm nay.
Nhà máy Gang thép Thái Nguyên chỉ là một trong rất nhiều các dự án “ngốn” hàng ngàn tỷ song hoạt động không hiệu quả, thậm chí “đắp chiếu” cả chục năm, gây bức xúc dư luận xã hội.
Một trong những dự án “đình đám” phải kể đến Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình với tổng mức đầu tư 667 triệu USD. Đầu tư lớn như vậy, song từ khi đi vào hoạt động, nhà máy liên tục rơi vào tình trạng lỗ thâm nhiên. Đến nay lỗ lũy kế đã lên đến trên 2000 tỷ đồng. Nhà máy sơ sợi Đình Vũ Hải Phòng đầu tư hơn 7000 tỷ lỗ từ tháng 9- 2015 đã dừng sản xuất, mà theo lãnh đạo Nhà máy. Tại Hà Tĩnh, Nhà máy Gang thép Vạn Lợi Hà Tĩnh cũng được đầu tư với số vốn lên tới hơn 1700 tỷ đồng nhưng đến nay chưa ra một sản phẩm nào. Tỉnh Hà Tĩnh đã chính thức chấm dứt, xóa bỏ, thu hồi đất của dự án. Một ký túc xá hàng trăm tỷ đồng được xây ở Lâm Đồng, nhưng chỉ có một sinh viên đến ở, hay dự án cầu treo mấy tỷ đồng được khánh thành mà chỉ có hai hộ dân sử dụng.
Ngược thời gian nhiều năm về trước, từ năm 1995 đến năm 2000, chương trình 1 triệu tấn đường với số vốn bỏ ra trên 8200 tỷ đồng, xây dựng ồ ạt 44 nhà máy đường tại 29 địa phương đã để lại một con số nợ khủng khiếp là 7.158 tỷ đồng…
Có thể thấy, điểm mặt ra, địa phương nào cũng “dính” một vài dự án lớn tiêu tốn hàng trăm ngàn tỷ đồng của “bầu sữa” ngân sách nhưng không hoạt động hiệu quả, gây thất thoát lãng phí đang trở thành nỗi nhức nhối của toàn xã hội.
Phải chấm dứt cơ chế “xin - cho”
Giới chuyên gia nhận định, thực trạng nói trên chính là hệ lụy của cơ chế “xin – cho” đã tồn tại nhiều năm nay, và nếu vẫn còn duy trì cơ chế này, thì Việt Nam sẽ khó có thể phát triển được. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã yêu cầu Bộ Công thương cần phải kiên quyết loại bỏ các dự án đầu tư kém hiệu quả, rà soát, đánh giá, kiên quyết loại bỏ các dự án đầu tư kém hiệu quả, coi trọng sản xuất đi liền bảo vệ môi trường; tái cơ cấu, bán, cho phá sản các dự án thua lỗ, mất vốn. Động thái này của người đứng đầu Chính phủ được đánh giá sẽ dần thanh lọc tình trạng tham nhũng lãng phí trong đầu tư công, từ đó mới mong nền kinh tế có thể phát triển một cách bền vững.
Trở lại với dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, mặc dù quyết định không chi thêm tiền ngân sách cho dự án này, song, Thủ tướng Chính phủ cũng “mở” ra cho Dự án một con đường “sống”: Đó là hoặc sẽ bán, hoặc kêu gọi DN góp vốn đầu tư.
Quyết định nói trên của Thủ tướng được giới chuyên gia đánh giá, sẽ là khởi điểm cho xu hướng chấm dứt cơ chế xin – cho. Điều này cũng có nghĩa rằng, “bầu sữa” ngân sách sẽ không tiếp sức cho những dự án được “vẽ ra”chỉ vì mục tiêu lợi nhuận của một nhóm lợi ích.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, khi không còn được cấp vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước, phải kêu gọi đầu tư từ các DN, chắc chắn dự án đó sẽ phát huy hiệu quả hơn vì tiền lúc đó là tiền của DN chứ không phải là tiền “xin” được từ ngân sách.