Loay hoay gắn kết du lịch với di sản

Vũ Trần 17/05/2016 09:10

Tự hào là quốc gia sở hữu nhiều loại hình di sản phi vật thể đặc sắc, đa dạng, phong phú trải dài từ Bắc tới Nam, tưởng như thế mạnh này sẽ cầu nối hữu hiệu đồng hành với sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Nhưng, sự gắn kết này lâu nay vẫn đang vận hành hết sức đơn điệu và lỏng lẻo.  

Loay hoay gắn kết du lịch với di sản

Du lịch Việt vẫn đang bỏ quên “việc nhỏ” để lo “việc lớn” (Ảnh minh họa).

“Bỏ săn sắt, bắt cá rô”

Đơn cử, mới đây một số địa phương đang có những kế hoạch cho việc phát triển các mô hình du lịch tại các khu di sản hay khai thác, quảng bá di sản cả thiên nhiên và văn hóa. Khu danh thắng Tràng An- một nơi được đánh giá cao về công sức khai mở, đầu tư vật chất, cơ sở hạ tầng để đưa vùng non nước hoang sơ vào hoạt động du lịch và đón nhận danh hiệu di sản thế giới. Theo bà Dương Thị Thanh- Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Ninh Bình, ngành văn hóa đã tổ chức nhiều lớp học để nâng cao nhận thức của dân cư trong khu vực đối với di sản; doanh nghiệp đầu tư tại danh thắng Tràng An. Hiện cơ quan quản lý đã và đang có hướng phát triển du lịch gắn với sự tham gia của cộng đồng, nếu người dân không có quyền lợi, họ sẽ không có trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ.

Hay như tại Thanh Hóa vừa qua, trong tọa đàm công tác tuyên truyền quảng bá về năm du lịch quốc gia Thanh Hóa và di sản thế giới Tràng An – Ninh Bình mới đây, địa phương này cũng đang nghiên cứu để mở các tour, tuyến du lịch mới mang màu sắc văn hóa vùng miền. Ông Vương Văn Việt – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Với tiềm năng đường thủy, có thể tour du lịch “Ngược xuôi sông Mã” sẽ sớm ra đời với việc khai thác những câu hò sông Mã nổi tiếng.

Rồi một câu chuyện khác của làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội). Nhiều khách đến tham quan nơi này bày tỏ mong muốn nếu có được một nơi như sân đình Mông Phụ chẳng hạn để nghệ sĩ, nghệ nhân hát những làn điệu chèo, những câu dân ca “đặc sản xứ Đoài”. Hoặc đâu đó ở Bắc Ninh, khi du khách đến những ngôi chùa, ngôi đền nổi tiếng ở gần các làng quan họ gốc, có thể được đi thăm làng quan họ, nghe hát quan họ theo cách mô phỏng một canh hát. Còn nữa, với những tiềm năng chưa được khai thác hết của văn hóa xứ Đoài, cũng có thể nghiên cứu xây dựng những tour hành hương, tham quan thắng cảnh và thưởng thức sự xuất hiện thường xuyên hơn của rối nước dân gian tại thủy đình chùa Thầy. Những môn nghệ thuật cổ truyền đặc sắc khác, chèo, ca trù, hát xẩm, đờn ca tài tử đang hiện diện trên nhiều địa phương…, rất nên được khai thác hoặc khai thác tích cực hơn để làm phong phú, tăng thêm màu sắc văn hóa cho các hoạt động du lịch bằng sự cống hiến của các nghệ nhân, nghệ sĩ.

Mạnh ai nấy lo

Lâu nay có hàng loạt chương trình lớn, nhỏ đầu tư, xúc tiến, quảng bá cho du lịch từ cấp Bộ đến các tỉnh, thành và các doanh nghiệp. Nhưng dễ thấy sự thiếu vắng của các bộ môn nghệ thuật cổ truyền trong các tour du lịch lấy di sản văn hóa, di sản thiên nhiên làm điểm đến.

Vài ví dụ, du khách tham quan khu danh thắng Tràng An (Ninh Bình) mới được công nhận là di sản văn hóa – thiên nhiên thế giới thời gian qua, cũng như các danh thắng, di tích vốn đã nổi tiếng của Ninh Bình như Tam Cốc, Bích Động, cố đô Hoa Lư…, hầu như mới chỉ dừng ở việc ngồi thuyền ngắm cảnh, thăm thú hang động, thắp hương lễ bái ở các chùa, đền, thưởng thức và mua một số sản vật địa phương. Để thưởng thức những làn điệu chèo hay xẩm vốn được Ninh Bình coi là có những nét độc đáo của địa phương mình, xem chừng du khách cũng không biết tìm ở đâu.

Tại khu vực di sản thế giới thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), cho đến tháng 5 năm nay, một CLB văn hóa nghệ thuật vùng di sản mới được thành lập gồm các hạt nhân văn nghệ quần chúng trên địa bàn, thể hiện những tiết mục ca, múa của chèo, cải lương, quan họ, dân ca Thanh Hóa… phục vụ du khách vào thứ bảy và Chủ nhật. Nhìn sang khu vực Bắc Ninh và một phần Bắc Giang, nơi có dân ca quan họ nổi tiếng, thường chỉ thấy nghệ thuật ca hát độc đáo và quyến rũ này được rộ lên, được thưởng thức vào các dịp lễ hội khi khách thập phương chủ yếu đi lễ, đi chơi một cách tự phát chứ cũng không theo tour, tuyến du lịch nào. Còn trong các khoảng thời gian kéo dài khác của năm, quan họ chưa đươc khai thác để trở thành một tâm điểm của du lịch. Tiếng hát cất lên, có chăng thường từ các nhà hàng, các khu ẩm thực sinh thái, khách vừa ăn uống vừa nghe hát, hoặc ở một số tư gia khi các nhóm, CLB quan họ tổ chức dịch vụ hát canh ở mức độ tự phát, nhỏ lẻ để phục vụ người hâm mộ. Hát xoan của Phú Thọ, Vĩnh Phúc cũng ở trong tình trạng “xuất đầu lộ diện” thường khi vào hội hoặc thể hiện khi có đoàn nghiên cứu, nhà báo tìm đến. Nghệ thuật hát ca trù hầu như cũng chỉ thấp thoáng đâu đó trong mấy ngôi nhà di sản ở khu phố cổ Hà Nội nhân một vài kỳ cuộc. Còn lại, các giáo phường, CLB, nhóm ca trù, vẫn quen với hình thức tự sinh hoạt, tự rèn luyện mà ít có cơ hội trình diễn vốn quý của mình trước du khách. Nhiều nghệ thuật ca múa đặc sắc khác của đồng bào các dân tộc cũng ít được ngó ngàng tới, chưa có vị trí như một sản phẩm sang trọng, có thể “hàng hóa hóa” để giúp du khách hiểu sâu sắc hơn về bản sắc vùng miền khi tham dự các tour du lịch di sản, du lịch văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng.

Rất hiếm những trường hợp như Nhà hát Múa rối Thăng Long nhiều năm qua, luôn đông nghịt du khách nước ngoài, mỗi ngày diễn 3, 4, có khi 5, 6 suất. Hay Nhà hát Múa rối Trung ương mấy năm gần đây cũng phần nào khởi sắc khi có được nhiều suất diễn rối nước dân gian. Nhưng cũng chỉ có rối nước của đơn vị chuyên nghiệp được tìm đến rôm rả như vậy. Còn đa phần các phường rối nước dân gian ở các làng quê xa xôi, khuất nẻo, thì vốn giữ gìn nhiều vốn liếng độc đáo, nhưng cũng chung nhau cảnh đìu hiu. Trong mùa hè một số năm gần đây, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam định kỳ mời các phường rối nước luân phiên biểu diễn phục vụ du khách tham quan bảo tàng, kể đã như một cử chỉ hào hiệp hiếm thấy!

Vũ Trần