Khổ vì nhà bỗng dưng lên lầu

Đoàn Trí 17/05/2016 09:10

Đang bình thường, hàng trăm căn nhà ở đường Bạch Đằng, đường Hồng Hà, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh bỗng nhiên cao hơn từ 1 đến 1,5 mét khi mặt đường được thi công lại. Nhiều người cho biết, việc đường bỗng nhiên thấp xuống khiến các hộ dân vô cùng bất ngờ, cuộc sống bị đảo lộn vì phải xây lại lối đi hay thậm chí bắc thêm cầu thang để di chuyển vào nhà.

Khổ vì nhà bỗng dưng lên lầu

Nhiều nhà “cao lên” khi đường làm lại.

Ông Nguyễn Văn Minh, một hộ dân ở đường Bạch Đằng chia sẻ, cách đây chừng 6 tháng, khi tuyến đường trước nhà thi công, sửa chữa thì mọi người rất phấn khởi, vì sắp có đường mới. Tuy nhiên, mấy tháng sau khi định hình, người dân quan sát thấy mặt đường thấp hơn ban đầu rất nhiều. Những ngôi nhà ven đường vì thế cũng cao hơn, như được đẩy lên thêm lầu nữa vậy. Nhiều nhà phải chi thêm tiền để sửa lại móng, gia cố ngôi nhà cho chắc chắn hơn. Tương tự, một hộ dân khác ở đây cũng cho biết, do đường tự nhiên thấp xuống khiến nhà cao lên, hình thành các dốc thẳng đứng làm cho việc đi lại khó khăn hơn. “Nhà tôi kinh doanh khách sạn, người xe ra vào thường xuyên. Giờ đường thấp như vậy, chắc chắn việc kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì xe của khách rất khó di chuyển” - người này cho biết.

Theo quan sát của chúng tôi, 2 tuyến đường này nằm ở cửa ngõ dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Mặc dù công tác sửa chữa chưa hoàn chỉnh nhưng về cơ bản đã thi công xong, chỉ chờ dải nhựa. Chỉ bằng mắt thường cũng rất dễ nhận ra mặt đường thấp hơn vỉa hè và nền nhà hai bên rất nhiều. Độ chênh lệch đều cao hơn khoảng 1 mét trở lên. Ở đoạn gần ngã tư Bạch Đằng-Hồng Hà, chênh lệch lớn nhất, có khi tới gần 2 mét. Nhiều hộ buộc phải xây thêm cầu thang cho thuận tiện dù dự án chưa hoàn thiện. “Thường xuyên có tai nạn như ngã xe hay dừng xe trước nhà vì đường và nền chênh nhau quá nhiều. Mặc dù biết kế hoạch xây dựng tuyến đường này nhưng đa phần người dân ở đây đều không biết mặt đường cao thấp ra sao cho đến khi nó hình thành rõ nét như bây giờ” - bà Thu, một người dân ở trong hẻm đường Bạch Đằng kể.

Đại diện chủ đầu tư, ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó Giám đốc Khu Quản lý giao thông số 1 (Sở GTVT TP HCM) cho biết, tuyến đường này thuộc Dự án Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài, được Sở Xây dựng thành phố thiết kế và phê duyệt. Hiện, tuyến đường vẫn đang trong giai đoạn thi công nên việc xác định các hộ dân bị ảnh hưởng, ảnh hưởng nhiều hay ít là rất khó khăn. Sau khi hoàn thành Dự án, nếu có khiếu nại có căn cứ, đơn vị sẽ xem xét giải quyết. Trong khi đó, Sở Xây dựng thành phố cho rằng, việc thi công đường gây ảnh hưởng đến các hộ dân ở hai bên như làm cho nhà dân “cao lên” hoặc “thấp xuống” cũng thường xuất hiện. Đây là lý do khách quan, khó tránh khỏi nên sau khi Dự án hoàn thành, các đơn vị liên quan sẽ xem xét để có hướng xử lý tốt nhất.

Đoàn Trí