Cường quốc nhóm họp tìm cách chấm dứt nội chiến Syria
Các đặc phái viên từ khắp nơi trên thế giới và từ các cường quốc trong khu vực lại một lần nữa đổ về Vienna (Áo) hôm 17/5 để cùng thực hiện các nỗ lực chấm dứt cuộc nội chiến đã kéo dài suốt 5 năm qua ở Syria.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã đến Vienna từ hôm đầu tuần để tham dự hòa đàm (Nguồn: Reuters).
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng người đồng cấp Nga Sergei Lavrov - hai vị quan chức ngoại giao có mặt từ rất sớm - đã chủ trì cuộc họp lần này. Trong cuộc họp, Nhóm Quốc tế Ủng hộ Syria (ISSG) gồm 17 quốc gia thành viên đã làm mới lời kêu gọi lệnh ngừng bắn trên toàn Syria và dọn đường cho các hoạt động nhân đạo ở các khu vực bị ảnh hưởng.
Thế nhưng, nỗi ám ảnh về tình trạng bế tắc dường như vẫn tiếp diễn xung quanh vấn đề muôn thuở - lời kêu gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức và khiến phe nổi dậy chấp nhận khung làm việc chuyển tiếp chính trị ở nước này.
Các quan chức tháp tùng Ngoại trưởng Kerry nói rằng Washington vẫn mong muốn ông Assad phải ra đi, với thời hạn chót 1-8 được đưa ra trong khung làm việc chuyển tiếp chính trị ở nước này. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ quân sự từ Nga và Iran, Tổng thống Syria đến nay vẫn chưa có tín hiệu chuẩn bị cho sự ra đi của mình.
“Sẽ không có một tương lai nào tồn tại khi Syria còn ông Assad” - Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nói khi ông vừa đến Vienna - “Đó là lý do mà chúng tôi phải thỏa thuận”.
Tính đến nay, các cuộc đàm phán do LHQ hậu thuẫn được tổ chức ở Geneva với sự chủ trì của đặc phái viên Staffan de Mistura mới chỉ đạt được bước tiến hạn chế và giờ ngay cả các đồng minh của Mỹ cũng hoài nghi về việc hạn chót 1/8 cho quá trình chuyển tiếp chính trị ở Syria sẽ được các bên nhất trí.
Một vị quan chức ngoại giao Mỹ theo đoàn của ông Kerry nói với hãng tin Reuters rằng, phe nổi dậy hiện nay khá cởi mở về thỏa thuận, nhưng phía chính quyền Assad lại chưa thuận. Đó là lý do vì sao trong cuộc đàm phán lần này, Mỹ mong muốn thuyết phục Nga để họ thúc giục chính quyền Assad.
Về phần mình, Nga đã tích cực ủng hộ nghị quyết của LHQ mà trong đó thông qua kế hoạch hòa bình mà ISSG đưa ra. Ngoại trưởng Lavrov cũng khẳng định rằng ông ủng hộ kế hoạch này.
“Chúng ta còn lâu mới có thể kết thúc chuyện này được” - ông Lavrov nói hôm đầu tuần - “Nhưng nếu mọi thứ được quyết định theo như kế hoạch của ISSG và Hội đồng Bảo an nhập cuộc, chúng ta sẽ có cơ hội”.
Tình hình thực địa thì đáng lo ngại hơn rất nhiều. Nga và Mỹ từng có bước tiến đáng mừng là nhất trí một thỏa thuận ngừng bắn hồi tháng Hai vừa qua. Thế nhưng kể từ đó, hàng loạt các vụ bạo lực vẫn diễn ra.
Phe nổi dậy cáo buộc chính quyền Syria vẫn thực hiện các chiến dịch tấn công trên mặt đất ở thành phố Aleppo, trong khi phía chính phủ cũng cáo buộc phe nổi dậy bắn phá ở nhiều khu vực mà họ kiểm soát.
Trong khi đó, các phe phái không nằm trong thỏa thuận ngừng bắn, như Tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và tổ chức Al-Nusra, vẫn nắm giữ một phần lãnh thổ rộng lớn ở Syria và liên tiếp thực hiện các vụ tấn công khủng bố.
Ở Bdama thuộc tỉnh Idlib phía Tây bắc, phần lớn lãnh thổ vẫn bị lực lượng Al-Nusra chiếm đóng, buộc chính quyền Assad phải tổ chức các cuộc không kích, từ đó gây nên thương vong cho thường dân. Chiến sự cũng nổ ra giữa nhóm Al-Nusra và các nhân tố Hồi giáo khác tham gia vào tiến trình hòa bình, khiến con số thiệt mạng của cả hai bên lên tới 300 trong các tuần gần đây.
Cuộc nội chiến ở Syria bắt đầu bùng nổ hồi đầu năm 2011 và đến nay đã cướp đi sinh mạng của 270.000 người. Cuộc chiến cũng đẩy hàng triệu người ra khỏi nhà và gây nên làn sóng di cư lớn chưa từng có, ảnh hưởng đến nhiều nước châu Âu cũng như tạo nên cuộc khủng hoảng nhân đạo và chính trị.
Hiện nay, các cuộc đàm phán vẫn thường đi vào bế tắc do quan điểm khác biệt của các bên. Các đồng minh của Mỹ như Arab Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn ủng hộ phe nổi dậy, trong khi Nga và Iran ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Và viễn cảnh các vòng đàm phán lần này cũng không nằm ngoài sự bế tắc đó.