Một thuở trời Nga

Hồng Thanh Quang 17/05/2016 20:33

Đã một phần tư thế kỷ trôi qua, vậy mà đến bây giờ tôi vẫn còn thấy lâng lâng  mỗi khi nhớ lại cảm giác của mình khi lần đầu tiên được nhìn thấy những bông tuyết trắng muốt ở Ulianovsk, nơi tôi sang học làm kỹ sư vô tuyến điện từ năm 1980 đến năm 1986.

Tối hôm trước, trời chỉ lạnh thôi, dẫu mây như những tảng chì ào xuống thấp hơn trên những ngọn cây nhưng chẳng có gì khác lạ. Vậy mà sáng hôm sau tỉnh giấc, tất cả đất trời đã tràn ngập màu trắng của tuyết: tuyết chồng lên nhau trên mặt đất, tuyết phất phơ từng bông rơi rơi trong không gian...

Cả ngày hôm ấy tôi ngẩn ngơ với tuyết, cho tới chập tối rồi vẫn muốn đi bộ lang thang ngoài phố, dẫu quần áo của tôi trong mùa đông nước Nga đầu tiên còn rất phong phanh và đôi giày xìbô đo đỏ mà mẹ tôi đã tích cóp được từ những đồng lương trung tá ít ỏi của cha tôi để mua cho đứa con trai độc nhất trước khi tôi đi du học quá mỏng mảnh so với mùa đông nước Nga.

Tác giả cùng bạn bè ở Ulianovsk khi còn là học viên quân sự…

Tâm hồn mơ mộng của chàng trai 18 tuổi rất nhát gái là tôi khi ấy đã bùng lên những câu thơ, đơn sơ thôi, vụng về thôi và rất thật thà. Chưa một lần được cầm tay cô gái nào, nhưng tôi nhìn tuyết chỉ nghĩ về những người con gái:

“Tuyết đã rơi rồi, tuyết đã rơi,

Vương lên mái tóc, vướng môi cười.

Tôi thấy quanh tôi, trời rất dịu,

Và người rất vội, rất vui tươi.

Thành phố chiều nay như ấm hơn,

Em ơi, sao đôi má em hồng?

Nhìn tôi ánh mắt long lanh tuyết

Như là tha thiết của mùa đông.

Tuyết tựa cánh hoa giữa gió bay,

-Hoa này ai gởi tặng ai đây-

Tôi không sợ rét nên hoa tuyết

òa vào tô thắm cả bàn tay.

Ai nói giùm tôi, tuyết tự đâu

Mà bao năm tháng vẫn nguyên màu?

Phải chăng vì tuyết nên sắc trắng

Muôn đời tô đẹp áo cô dâu.

Đường đi tuyết rải như lụa óng,

Em về, tuyết giữ dấu chân em.

Hoàng hôn trong tuyết thầm lưu đọng

Cùng em mang ánh sáng vào đêm...”

Tôi hiểu, đó là những câu thơ hết sức nghiệp dư. Nhưng trong tình yêu, ngay cả đối với thơ, đôi khi sự nghiệp dư lại dễ khiến lòng ta nao nao mà trở nên sáng tỏ hơn, dẫu tâm hồn ta lắm khi bấn loạn bởi những câu hỏi không có câu trả lời, khi ta yêu ai đó mà không được yêu đền đáp lại:

“Buổi chiều nay, tuyết ơi có rơi,

Đường tới lớp gió thổi nhiều hay ít?

Trên những phố người với người đông nghịt

Có ai làm nhàu áo của em tôi?”

Đó là những câu thơ trong bài tôi gửi tặng từ Ulianovsk tới Moskva cho một người bạn gái từ hồi còn học ở trường Việt Đức, Hà Nội. Đó là một tình yêu học trò của tôi, mê bóng mê gió để làm thơ thôi. Bạn ấy tên là Thanh.

Cho tới bây giờ tôi vẫn không hiểu là vì sao tôi mê bạn ấy: Suốt cả ba năm học cấp ba, tôi hầu như không dám nói với bạn ấy câu nào cho ra hồn, chỉ vừa đứng trước mặt là hồn xiêu phách lạc và từ một người rất hoạt khẩu trong bông đùa bỗng trở thành một kẻ ăn không nên đọi nói không nên lời, kể chi tới chuyện cầm tay hay những cử chỉ yêu đương gì khác.

Một thời không ngắn, lúc nào với tôi, bạn ấy vẫn như là một biểu tượng của nữ tính, của mơ mộng mà ta chỉ có thể chiêm ngưỡng chứ không thể chạm vào, vì sợ “phàm phu” như thế thì cái đẹp tan đi. Màu áo đỏ mà bạn ấy thường mặc về sau đã ám ảnh rất nhiều bài thơ của tôi:

Thế mà tôi có ngỏ được gì đâu,

Cứ định nói, định nói rồi im lặng.

Lần cuối cùng tôi tới thăm, nhà vắng,

Buổi học ở trường Tổng hợp chưa tan.

Tôi đi xa rồi nên nhớ miên man,

Màu áo đỏ suốt thời bé nhỏ,

Niềm vui giản dị, hồn nhiên như hơi thở,

Tiết học nào tôi chỉ mải nhìn ai.

ở lớp ngày ngắn, ở nhà ngày dài,

Nghỉ hè tôi vẫn thường qua ngõ,

Cứ mong thấy ai thoáng sau cửa sổ,

Chỉ sợ ai nhìn thấy tôi đi qua.

Ngày sinh nhật giấu trong cặp bông hoa,

Câu hát bâng quơ cứ bắt nhau phải nghĩ.

Đôi mắt ơi, sao nhiều ý thế,

Tôi đi xa rồi, càng nhớ miên man.

Mai tôi về, nếu buổi học chưa tan,

Bên gốc phượng già tôi sẽ chờ, bạn nhé,

Và lắng nghe bước chân ai khe khẽ,

Và sẽ nói điều chưa kịp nói hôm nay...

Bài thơ này tôi viết năm 1980 cũng tại Ulianovsk. Và cũng ở đấy, trong đêm ngồi đơn độc trước trang giấy trắng, khi cảm thấy mình lạ lẫm với tất cả mọi sự xung quanh, tôi đã nghĩ tới bạn ấy và viết, không phải để cho ai hiểu mà thực chất là chỉ để ru ngủ lòng mình:

“Mẹ nghĩ thế nào mà gọi em là Thanh,

Để tôi cảm, tôi đằm trong âm điệu.

Mọi thứ quanh em đều thành tuyệt diệu,

Trong ánh mắt tôi nhìn và nét bút tôi đưa...”

Sang Liên Xô, mỗi người học ở một thành phố nghìn trùng cách trở, một bận tình cờ gặp mặt, thấy tôi quá nôn náo mà mình thì lại chẳng cảm thấy gì cả, bạn tôi bảo: “Thật tiếc, khi xưa thì Thanh còn nhỏ quá, chưa hiểu gì nên Thanh sợ lời tỏ tình của bạn. Giờ thì Thanh lại có người yêu rồi, đừng theo đuổi mình làm gì nữa...”.

Hôm đó, tôi thấy trong tôi những niềm hy vọng tình yêu tan như những bông tuyết tháng ba tháng tư gặp ánh mặt trời. Bạn tôi về sau mất sớm vì trọng bệnh ở tuổi tam thập và tôi hiểu rằng, cho tới phút cuối cùng của đời bạn mình, tôi lúc nào cũng chỉ là một gã trai xa lạ và tức cười. Chính tôi bây giờ hình như đã quên gương mặt của Thanh, nhưng tôi vẫn nhớ mình đã hạnh phúc thế nào khi thuở đó, mỗi lần được nhìn thấy bạn ấy đi trên phố, dù chỉ từ xa...

Tôi đã yêu rất nhiều đường phố ở Hà Nội đã dẫn bạn tôi từ ngõ nhỏ Đặng Tất đến trường Việt Đức trên phố Lý Thường Kiệt. Tôi đã yêu Kiev vì đó là nơi bạn ấy học năm dự bị về tiếng Nga. Tôi đã yêu Moskva vì đó là nơi bạn ấy 5 năm học trong Viện Quan hệ Quốc tế (MGIMO). Thậm chí tôi còn rất “nể” những người đàn ông mà bạn ấy thích và cùng gắn bó số phận.. Đã nhiều năm nay tôi không cảm thấy trong lòng mình điều gì đó tương tự nhưng tôi hiểu rằng, nếu hôm nay tôi có thể yêu và xót vợ con mình đến thế cũng chỉ vì trong quá khứ, tôi đã từng yêu quý những “người dưng” như Thanh chỉ vì những cảm xúc thi ca, chứ không vì một lý do vật chất nào đó cụ thể.

Cảm giác ngỡ ngàng và luôn luôn mới mẻ về tuyết và mùa đông nước Nga đã sưởi ấm lòng tôi trong những ngày xa nhà du học. Và trong những lần đón Tết ở Ulianovsk, trong môi trường học viên quân sự, giữa những người đồng đội toàn là đàn ông như mình, tôi bao giờ cũng nhìn qua cửa sổ, ngắm tuyết rơi và nhớ... Mông lung. Không cụ thể...

Năm 1983, tôi đón cái Tết xa nhà thứ ba trên đất Nga, trong doanh trại khép kín của Học viện cao cấp thông tin Ulianovsk (UVVKUS), nơi đã đào tạo ra hàng loạt những chuyên gia chất lượng cao của ngành bưu chính viễn thông quân sự và dân sự nước ta.

Dù toàn đàn ông nhưng chúng tôi cũng cùng nhau chuẩn bị đủ món ăn quen thuộc của Tết Việt Nam: Nem rán, canh miến, chân giò hầm măng khô, cả bóng nấu với su hào và thịt... Và rất nhiều rượu, có cả những chai Lúa Mới lẫn vodka Nga...

Tôi hồi đó còn “non” lắm, chỉ ngửi thấy mùi rượu đã đỏ hết cả mặt và cảm thấy chóng mặt ngay. Nhưng tôi vẫn cùng bạn bè mình (những Phạm Huy Dũng, Đinh Thế Cường, Nguyễn Mạnh Hùng, Tống Viết Trung, Nguyễn Sơn Dương, Trần Thanh Tịnh và nhiều người nữa...) làm một hơi hết cả cốc to rượu trắng theo đúng kiểu chiến binh Nga, uống xong rồi cầm miếng bánh mì đen đưa lên mũi để hít hà cho đỡ say.

Và không hiểu sao, tôi bỗng thấy cồn cào nhớ mẹ. Hình như trước đó, tôi có nhận được thư nhà; gia đình tôi là gia đình bộ đội, mọi người đều sống quen với những điều kiện rất kham khổ. Tôi bỗng cảm thấy mình có lỗi khi ở nước Nga, điều kiện vật chất khá hơn rất nhiều so với Hà Nội (dẫu rằng nói thực, dù bây giờ gia cảnh của tôi vẫn còn khó khăn nhưng so với thời đó, tôi rõ ràng là đang được được sống “xông xênh” hơn nhiều). Mà tôi lại chẳng làm được gì nhiều để giúp mẹ và em.

Thế là Tết năm đó, tôi đã viết bài thơ ‘Gửi mẹ” rồi cho vào phong bì gửi về nhà. Để đỡ tủi phận mình, trong thơ tôi còn tưởng tượng ra cảnh mình được cùng ngồi với mấy cô bạn gái đón xuân...

Tôi không nghĩ là bài thơ này là một tuyệt tác, nhưng tôi tin rằng những ai đã từng có hoàn cảnh như tôi, có thể nhìn thấy tâm trạng mình một thời quá vãng trong những câu thơ còn vụng về và thô mộc của tôi:

“Tết này con lại đón ở phương xa,

Mẹ có nhớ con nhiều như năm ngoái?

Con đi vắng, chắc nhà mình trống trải,

Ai sẽ là người xông đất đầu tiên?

Ba Tết rồi nhưng con vẫn chưa quen

Vẫn bỡ ngỡ khi nhìn trang lịch mới

ở nơi đây tuyết rơi nhiều quá đỗi

Con mơ hoài thắm đỏ sắc đào xuân

Con bồi hồi, con không khỏi băn khoăn

Nghĩ tới mẹ ở nhà lo sắm Tết

Bánh năm nay mẹ gói nhiều hay ít

Bố có về đỡ mẹ được gì không?

Chúng con ngồi bên xanh mướt cành thông

Nghe đài Việt và cùng nhau chạm cốc

Mấy bạn gái bỗng nhiên rưng rức khóc,

Làm thế nào để an ủi, mẹ ơi!

Chắc bây giờ Hà Nội đang vui,

Tiếng pháo nổ, tiếng cười dâng ngập phố.

Những đôi lứa với sắc màu rạng rỡ

Giữa giao thừa hạnh phúc sánh vai nhau.

Trong hương trầm dịu nhẹ lắng sâu

Ngồi lặng lẽ chắc mẹ thầm mong ước

Dẫu vẫn biết con làm sao về được

Ba Tết rồi con học ở phương xa...

Con cũng thầm nhớ lại những ngày qua

Khi Tết đến mẹ thường mừng tuổi,

Khi Tết đến súng sính quần áo mới

Với bạn bè con chỉ suốt ngày chơi...

Miếng mứt nào còn thơm ngọt bờ môi

Để con cảm thấy mình như có lỗi

Mẹ luôn phải chịu đắng cay muôn nỗi

Cho mát lành, cho sung sướng đời con.

Càng hiểu nhiều càng yêu quý mẹ hơn

Càng khao khát mau trở về với mẹ,

Dù trong đục nhưng bao giờ chẳng thế

Ao nhà ta, ta nhớ trọn đời

Vì Tổ quốc là duy nhất mẹ ơi

Thấm thía lắm tình quê khi Tết đến

Tất cả những gì vẫn gọi là kỷ niệm

Hóa nhịp cầu nối con với quê hương...”

Ai đó đã nói rằng, đi xa để thêm yêu gần. Tôi cũng nghĩ như thế. Những ngày du học thời trẻ càng cho tôi thấy rõ hơn, chỉ có ở trên Tổ quốc mình, ta mới có thể cảm thấy hạnh phúc theo đúng nghĩa của nó.

Hồng Thanh Quang