Nghị quyết cần kiên quyết

Nam Việt 18/05/2016 06:33

Ngày 16/5, Chính phủ ban hành Nghị quyết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Đây là động thái mạnh mẽ, kiên quyết thực hiện chủ trương xây dựng một Chính phủ kiến tạo và phục vụ, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp hoạt động, không hình sự hoá các quan hệ kinh tế. Cởi trói, tháo gỡ vướng mắc, dỡ rào cản..., làm tất cả vì doanh nghiệp cũng là để đưa nền kinh tế đất nước đi lên. Nghị quyết đúng tuy nhiên rất cần đến sự kiên quyết trong quá trình triển khai, thực hiện.

Tháo gỡ rào cản để doanh nghiệp phát triển.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 4 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chính phủ chuyển phương thức chỉ đạo điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ. Ý nghĩa của thông điệp là rất rõ ràng, được cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh. Từ đây sẽ phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng thị trường, hạn chế và tiến xóa bỏ cơ chế xin - cho.

Trước quyết tâm của Chính phủ, nhìn lại, chỉ mới đây thôi mà như đã thật xa xăm. Đó là nạn nhũng nhiễu, hành doanh nghiệp. Cơ chế xin - cho phổ biến đến mức trở thành bình thường. Biết bao lần, tại nhiều diễn đàn, doanh nghiệp đã phải đau đớn thốt ra việc buộc phải có phí “bôi trơn” mới được việc.

Nạn tiêu cực bằng cách lót tay làm giàu cho một bộ phận cán bộ công chức thoái hóa và sâu xa hơn nó còn làm thui chột ý chí, mất niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, của những ai muốn khởi nghiệp kinh doanh. Con số những doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, giải thể hay hoạt động cầm chừng theo kiểu “chết lâm sàng” khiến người ta lo lắng.

Chính vì thế cần phải có sự đổi mới mạnh mẽ, thay đổi cả tư duy lẫn cách hành xử. Và, với quyết tâm cao của Chính phủ, với Nghị quyết mới cởi trói cho doanh nghiệp của Chính phủ, niềm hy vọng đã được thắp lên.

Con số không nói lên tất cả, nhưng mục tiêu phấn đấu đến 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp đòi hỏi nỗ lực rất lớn. 1 triệu doanh nghiệp ấy phải sống được, sống khỏe thì nền kinh tế mới phát triển vững chắc. Đáng chú ý, mục tiêu đặt ra là khu vực tư nhân đóng góp khoảng gần 50% GDP.

Muốn làm được điều này, việc tháo gỡ rào cản thủ tục hành chính, tiếp cận vốn vay ngân hàng, loại bỏ tiêu cực trong cách hành xử xấu của cán bộ công quyền đối với doanh nghiệp, doanh nhân..., là điều hết sức cần thiết.

Việc Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai…và đầu tư kinh doanh được xem là điều kiện tiên quyết để tạo dựng niềm tin trong khối doanh nghiệp tư nhân nói riêng và cả xã hội nói chung.

Quốc gia nào cũng cần những tập đoàn lớn, những doanh nghiệp mạnh, nhưng sự lớn mạnh đó phải đến từ những ý tưởng đột phá, sáng tạo, đến từ chiến lược kinh doanh đúng đắn được tạo dựng trong một môi trường kinh doanh thông thoáng và minh bạch, chứ không phải từ “cơ chế ưu ái” và sự độc quyền nhà nước.

Với tinh thần mới, hi vọng sẽ hết những doanh nghiệp nhà nước hồn nhiên đầu tư kinh doanh bằng dòng tiền ngân sách. Được thì dành phần cho lợi ích cục bộ, thua thì lại “xin” ngân sách bù vào. Cách làm ấy đã triệt tiêu mọi nỗ lực, trách nhiệm cũng như đẩy các thành phần kinh tế khác vào chỗ khó khăn.

Trong Nghị quyết của Chính phủ, đáng chú ý là sẽ “không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật”. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật thì đã rõ, vì đó là đòi hỏi tất yếu của việc xây dựng nhà nước pháp quyền, nhưng “không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự” phải là một cam kết chính trị được bảo đảm thực hiện trong thực tiễn.

Phải chấm dứt tình trạng lạm dụng quyền lực công, lợi dụng những tranh chấp, xung đột phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng kinh tế, dân sự để hình sự hóa, trù úm, hù dọa doanh nghiệp nhằm thực hiện động cơ xấu, trục lợi

Nghị quyết cũng nêu rõ, sẽ tích cực cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ở đây có vấn đề thanh tra đột xuất, chồng chéo từng khiến doanh nghiệp hoang mang, luôn trong thế lúng túng tìm cách đối phó.

Vì thế, việc Nghị quyết nhấn mạnh không thanh tra, kiểm tra khi không có căn cứ theo quy định của pháp luật, đặc biệt là trong lĩnh vực về quản lý thuế- là điều cần nghiêm túc thực hiện.

Trong vấn đề này, nhìn trở lui, sẽ thấy thủ tục hành chính chính là rào cản lớn nhất, “vấn đề của mọi vấn đề”. Khi thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê, phức tạp thì đương nhiên người ta sẽ nản lòng. Cùng đó, không ít người đã lợi dụng “ma trận thủ tục” để làm khó doanh nghiệp nhằm bóp nặn trục lợi.

Chủ trương cải cách thủ tục hành chính, nổi lên là việc “một cửa, một dấu” đã được đặt ra từ khá lâu, nhưng cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận là việc thực hiện vẫn chưa được bao nhiêu, “rừng” văn bản thủ tục vẫn lù lù trước mặt.

Chính vì thế, khi Nghị quyết đã rất rõ ràng, rất mạnh mẽ thì vấn đề còn lại và cực kì hệ trọng là triển khai thực hiện thế nào trong thực tiễn. Đã biết bao chỉ thị, thông tư..., bị lãng quên vì người ta không chịu thực hiện, do thiếu cơ chế giám sát, cũng như những chế tài xử lý nhưng đơn vị, cá nhân không thực hiện.

Chính vì vậy, lần này Nghị quyết của Chính phủ nêu rất rõ ràng: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất hai lần/năm với cộng đồng doanh nghiệp, báo chí để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn; thành lập và công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố để tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho doanh nghiệp.

Nếu như trước đây doanh nghiệp phải tìm cách đến được với quan chức thì nay trách nhiệm của các quan chức địa phương, kể cả Chủ tịch UBND cấp tỉnh/thành phố phải chủ động gặp doanh nghiệp, lắng nghe và cởi bỏ khó khăn, vướng mắc cho họ.

Nghị quyết đúng nhưng rất cần đến sự kiên quyết. Kiên quyết thực hiện nghị quyết, phải chịu trách nhiệm tương xứng nếu chây ỳ, phớt lờ không thực hiện. Chỉ khi đó mọi việc mới tiến triển, đem lại sự phấn khởi và niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như toàn xã hội.

Cũng xin được nhắc lại, tại phiên họp đầu tiên với các thành viên Chính phủ mới, chiều 12/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, “Chúng ta sẽ không lùi bước trước khó khăn, thách thức. Chính phủ sẽ quyết tâm tháo gỡ khó khăn, rào cản phát triển, từng bước đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, nâng cao kỷ cương phép nước, bảo đảm tăng nguồn thu cho ngân sách”. Thủ tướng cũng lưu ý các thành viên Chính phủ cần nâng cao tinh thần kỷ cương, kỷ luật, chống bệnh hình thức, không để xảy ra tình trạng nói mà không làm.

Nam Việt