Thực hư chuyện nhập gà giống Trung Quốc

Nhật Minh 18/05/2016 11:10

Thông tin về việc Việt Nam có thể sẽ nhập giống gà Trung Quốc đang khiến dư luận nóng lên nhiều ngày qua. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều chuyên gia trong ngành đã lên tiếng phản đối động thái này vì cho rằng, việc nhập khẩu gà giống Trung Quốc sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ, phá hủy ngành chăn nuôi gia cầm trong nước. Tuy nhiên, Cục Thú ý (Bộ NN&PTNT) mới đây đã lên tiếng khẳng định rằng, Cục không đề xuất Chính phủ về nhập khẩu gà giống từ Trung Quốc.

Ngành chăn nuôi gia cầm đang đối diện với nhiều khó khăn.

Cục Thú y khẳng định: Không đề xuất

Cục Thú y (bộ NN&PTNT) cho biết, trước đó, tại cuộc họp song phương lần thứ 3 được tổ chức tại Nam Ninh (Trung Quốc) vào tháng 12/2014, Cục Thú y Trung Quốc chủ động đề xuất với Việt Nam về việc xuất khẩu thịt gà và gà giống 1 ngày tuổi từ Trung Quốc vào Việt Nam, đồng thời đề nghị Cục Thú y Việt Nam cho biết yêu cầu về vệ sinh thú y đối với việc xuất khẩu thịt gà và gà giống từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Tiếp đó, tại cuộc họp song phương lần thứ 4 tổ chức tại Hà Nội đầu năm 2016, Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục trao đổi các thông tin về kiểm soát dịch bệnh động vật truyền lây qua biên giới và các nội dung đã được hai bên đề xuất như đã nêu trên. Tuy nhiên, theo khẳng định của đại diện Cục Thú y, đến thời điểm hiện nay, Bộ NN&PTNT chưa chấp nhận và chưa đề nghị Chính phủ về việc nhập khẩu gà từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Theo đại diện Cục Thú y, Cục Thú y Việt Nam không chủ động đề xuất nhập khẩu thịt gà và gà giống từ Trung Quốc vào Việt Nam. Trung Quốc là nước chủ động đề xuất tại cuộc họp song phương vào cuối năm 2014, nhưng đến nay phía Việt Nam chỉ mới ghi nhận đề nghị này.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết chiều ngày 17/5, ông Hoàng Triệu, Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh Thuốc thú y Việt Nam cho rằng, Cục Thú y hoàn toàn không có chức năng về thương mại, vì vậy không có quyền đề xuất nhập hay không nhập khẩu bất cứ loại hàng hóa nào. Hoạt động xuất nhập khẩu là do các doanh nghiệp thực hiện và việc quản lý về thương mại là do các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền chịu trách nhiệm.

Ông Triệu bày tỏ bức xúc, lâu nay các sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm của Trung Quốc vào Việt Nam thường xuyên tiềm ẩn những nguy cơ về nhiễm bẩn, ẩn chứa nhiều dịch bệnh, không đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Bởi vậy, nếu Việt Nam nhập khẩu gà giống Trung Quốc chắc chắn ngành chăn nuôi gà trong nước sẽ đối diện với hàng loạt nguy cơ, mà cao nhất là nguy cơ về dịch bệnh, bởi Trung Quốc là nơi xuất phát nhiều chủng loại virút cúm gà mới của thế giới, chưa kể chất lượng gà giống Trung Quốc rất kém, tỉ lệ chết cao.

Làm gì để nâng sức cạnh tranh

Theo ông Triệu, ngành chăn nuôi Việt Nam vốn đã khó khăn, nếu có nhập gà giống thì cần phải tìm nguồn khỏe mạnh ở các nước khác, nếu không sẽ càng thêm khốn đốn. “Tất nhiên, chúng ta đang hội nhập kinh tế thì khó có thể cấm hàng hóa các nước nhập vào trong nước vì ở chiều ngược lại chúng ta cũng xuất khẩu được hàng hóa sang các nước khác. Song, với ngành chăn nuôi, nếu có thể hạn chế được thì cần phải hạn chế, phải có hàng rào kỹ thuật cũng như các giải pháp để có thể nâng sức cạnh tranh cho các sản phẩm chăn nuôi”.

Giới chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, hiện nay các công ty trong nước cũng đã đầu tư nhiều hơn cơ sở vật chất để sản xuất con giống đủ đáp ứng nhu cầu chăn nuôi trong nước. Chỉ riêng lĩnh vực gà công nghiệp ở phía Nam, 5 công ty lớn (CP, Emivest, CJ, Bel Gà và Japfa) đã cung cấp ra thị trường gần 2 triệu con gà giống/tuần, đáp ứng đầy đủ nhu cầu chăn nuôi của người dân và doanh nghiệp. Do đó việc nhập thêm giống gà, đặc biệt là giống từ Trung Quốc là không cần thiết.

Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cũng đưa ra quan điểm rằng, việc thông thương giữa các nước trong thời kỳ hội nhập thì không thể ngăn cấm giao thương hàng hóa, nhưng nhà quản lý phải có những rào chắn đủ mạnh để siết hàng nhập khẩu, đồng thời ngăn chặn tình trạng lập lờ, lợi dụng thương mại để hợp pháp hóa hàng lậu, hàng kém chất lượng tuồn vào trong nước.

Nhận định về những khó khăn hiện nay của ngành chăn nuôi trong nước, ông Triệu cho rằng, để ngành chăn nuôi nói chung, chăn nuôi gia cầm Việt Nam nói riêng đứng vững ở sân nhà sẽ là điều rất khó khăn khi mà nhiều sản phẩm công nghiệp đang tràn vào trong nước ngày một nhiều hơn. Trong khi đó, các sản phẩm chăn nuôi của bà con nông dân không thể có giá cạnh tranh được với các sản phẩm ngoại nhập. “Bà con nông dân vẫn đang phải è cổ gánh các loại thuế, phí, rồi lãi suất vay ngân hàng cao thì làm sao có thể đưa ra được thị trường những sản phẩm chăn nuôi có giá cạnh tranh? Đó còn chưa kể, dịch bệnh, thiên tai địch họa, gà chết, vịt chết vài con thì coi như lỗ vốn. Do đó, làm sao để giảm nhẹ gánh nặng thuế phí, lãi suất cao thì các sản phẩm chăn nuôi trong nước mới có thể cạnh tranh được trong thời gian tới” – ông Triệu đề xuất.

Theo số liệu thống kê từ Cục Thú y, năm 2014 Việt Nam đã nhập khẩu trên 1,3 triệu con gà giống, năm 2015 nhập khẩu trên 2,2 triệu con gà giống và năm 2016 đang tiếp tục nhập khẩu gà giống từ nhiều nước như Hoa Kỳ, Pháp, Úc, Đức.

Nhật Minh