Công nhận quần thể cây pơmu cổ thụ là cây Di sản Việt Nam

Phương Lan 18/05/2016 15:13

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam vừa phối hợp với UBND huyện Tây Giang và Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức Lễ khánh thành Bia công nhận quần thể 720 cây pơ mu cổ thụ là cây Di sản Việt Nam tại  xã A Xan, huyện biên giới Tây Giang (Quảng Nam).

Một gốc pơ mu cổ thụ tại Tây Giang, Quảng Nam.

Đây là quần thể cây gỗ quý pơ mu độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Theo số liệu điều tra khảo sát, rừng phòng hộ Bắc sông Bung thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam quần thể phân bố trên diện tích 240ha, tổng số cây pơ mu đo đếm được là 1.366 cây, trong đó số cây có đường kính (đo ở vị trí cách mặt đất 1,3m) từ 10cm trở lên là 1.243 cây, số cây có đường kính dưới 10cm (cây tái sinh) là 123 cây.

Cây lớn nhất có chu vi 7,52m. Trước đó, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã đến Tây Giang để điều tra, khảo sát và công nhận 720 cây pơmu cổ thụ trên là cây Di sản Việt Nam.

Tại buổi lễ, đại diện UBND huyện Tây Giang cho biết, quần thể cây pơmu này gắn liền với văn hóa và đời sống của người Cơtu. Theo truyền thống của người Cơtu, những cây to trong rừng, hoặc là chỗ trú ngụ của thần linh, hoặc là nơi linh hồn người chết trú ẩn. Việc chặt cây làm nhà phải có sự đồng ý của bản làng, phải làm lễ cúng để xin chặt cây.

Người làng khác cũng không được xâm phạm phần đất, phần rừng của nhau theo ranh giới đã quy ước. Với quan niệm đó, đồng bào Cơtu tại huyện Tây Giang (Quảng Nam) xem quần thể cây pơ mu này là nhân chứng lịch sử trong 2 cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc mình cũng như của Tây Giang nói riêng và Việt Nam nói chung. Bởi vậy, đồng bào rất quý và luôn có ý thức bảo vệ nghiêm ngặt rừng pơ mu này.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (Viện Sinh thái học Việt Nam) cho biết, pơmu được coi là một loại gỗ quý do mùi thơm đặc trưng, vân gỗ đẹp, trọng lượng khác thường và có đặc tính không bị mối mọt phá hoại. Do vậy, gỗ pơmu được sử dụng để làm các đồ tạo tác mỹ thuật, các loại đồ gia dụng. Đây là loài nguy cấp tại Việt Nam và được đưa vào Sách đỏ Việt Nam.

Hiện nay, rừng pơmu Tây Giang được đánh giá là một trong những quần thể pơmu có tuổi đời lớn nhất và số lượng tập trung dày đặc nhất tại Việt Nam. Do đó, việc công nhận di sản đối với quần thể 725 cây pơmu là biện pháp cấp thiết để làm cơ sở bảo tồn loài cây quý này.

Việc tuyển chọn, vinh danh Cây Di sản Việt Nam do Hội Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (VACNE) khởi xướng từ năm 2010 với tên gọi “Bảo tồn cây Di sản Việt Nam” được nhiều tỉnh, thành phố hưởng ứng. Đến nay đã có hàng trăm cây, quần thể cây cổ thụ được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

Đây là những cây thân gỗ mọc tự nhiên hoặc được trồng, đang sống trên 100 năm tuổi đối với cây trồng và trên 200 năm tuổi đối với cây tự nhiên, có một hoặc một số giá trị về cảnh quan, môi trường, khoa học, văn hoá, lịch sử... được cộng đồng đề xuất, được chủ sở hữu cây đăng ký, được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận và được bảo tồn tốt nhất theo khả năng có thể.

Việc lựa chọn và vinh danh Cây Di sản góp phần bảo tồn nguồn gen tiêu biểu, nâng cao ý thức tôn trọng tự nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng, quảng bá sự phong phú, đa dạng với giá trị khoa học cao của hệ thực vật Việt Nam tạo nguồn du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học.

Dịp này, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cũng công nhận cây di sản đối với hai cây đa sộp 700 năm, đường kính 4 mét ở thôn Arầng 1 (xã Axan, Tây Giang).

Phương Lan