Gieo chữ từ đêm tối cuộc đời
Sinh ra và lớn lên giữa những người bệnh phong, hai lần bước qua đau đớn cuộc đời mà theo Nách cứ thuận ý nghĩ của người Bah Nar xưa thì chẳng bao giờ làm nên trò trống! Nhưng với cô giáo A Nách ở làng Groi nhỏ (bây giờ là làng Đăk Pơ Nan, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang Gia Lai) dù có chống ý “Yang” để sống thì cuộc đời vẫn ý nghĩa hơn...
Cô giáo A Nách.
Mẹ A Nách vốn gốc làng Groi. Cha A Nách, ông Siu Phin “bắt” mẹ Nách và trở thành người làng vợ. Chuyện đã chẳng có gì đáng kể nếu ông không mắc bệnh phong. Bệnh phong những năm 60 của thế kỉ trước thì ghê gớm lắm. Cả nhà sẽ bị đuổi ra rừng cho chết mòn ở đó.
Cũng may làng chưa kịp thực hiện thì Kon Tum đã thành lập trại phong. Nách và 4 đứa em kế tiếp chào đời trong trại. Cuộc sống thật kinh khủng nhưng Nách chẳng có ấn tượng gì bởi còn nhỏ quá. Nách học đến lớp 3 (trường do các xơ mở) thì giải phóng. Mẹ Nách bàn trở về làng cũ. 15 mùa rẫy không có họ hàng, cứ thấy như mất một bên chân một bên tay…
Nhưng nhớ thì tưởng thế, lệ làng vẫn cứ lệ làng. Cả nhà Nách vẫn phải ra ở ngoài rừng. Được một thời gian, những gia đình bị bệnh phong các nơi nghe tin tìm đến. Làng phong đông dần và trở thành làng Groi nhỏ…
Hai khúc tình buồn
Về làng được 4 mùa rẫy thì Nách “bắt” ông Blới làm chồng. Gọi là “ông” vì Blới lúc đó đã hơn 30 tuổi, còn Nách chưa tròn 16 mùa rẫy. Cha mẹ bảo thì phải nghe; với lại có đứa con trai nào dám vào làng phong để bắt vợ đâu. Blới cũng thương Nách nhưng chắc vì vợ còn trẻ quá hay sao, ông ta ghen dữ quá. Thấy người ta cười với Nách - ghen; người ta đùa chuyện đâu đâu - ghen. Mà đã ghen thì Nách phải cãi.
Ồn ào nhà cửa quá, cha Nách bảo: Không cho mày ở chung với thằng Blới nữa thì mới hết cái khổ này. Blới đồng ý nhưng nằng nặc đòi con heo nhỏ đã đem cưới Nách. Già làng bảo: Con Nách đã làm vợ 3 tháng, nó thiệt chứ mày thiệt gì. Đòi lại còn heo đã ăn rồi, không thấy xấu hổ sao? Blới phải chịu nhưng chuyện xảy ra làm Nách nghĩ phải đi học. Nếu cứ ở lại làng thì sẽ gặp Blới khác nữa thôi…
Tiếng là đã lớp 3 nhưng bây giờ cầm lại sách thì chẳng còn chữ nữa, Nách phải học lại lớp 1. Đến năm 1981 thì Nách xong chương trình lớp 9 bổ túc. Người có trình độ như thế bấy giờ còn hiếm, Nách được xã cho làm Chủ tịch Hội Phụ nữ. Dù đã trải một đời chồng, Nách vẫn thấy mình như già đi với công việc này. Nách xin đi học sư phạm, ra trường Nách trở về xã dạy rồi gặp H. Nách không thể ngờ một khúc tình buồn hơn cả người đàn ông trước lại đến với đời mình…
H. cùng tuổi với Nách, làm ở cơ quan trên huyện. Cuộc sống lúc đầu êm thấm. Nách phục H. trai tân, làm cán bộ mà không nề chuyện Nách đã có một đời chồng. Ý nguyện của Nách vì thế phải đẻ cho H. những đứa con thật tốt. Có thai lần đầu, Nách mừng như cây lúa được mưa. Giáo viên thời bao cấp thật khổ nhưng Nách vẫn cố chăm sóc sức khỏe cho mình. Thế nhưng chẳng biết sao đứa con lại hỏng. Các bà mụ bảo nó đã hỏng một lần thì hay quen, có thế thật. Rồi những lần mang thai sau đó đều hỏng cả. Nách không kiệt sức như người ta có lẽ tại cái ý quyết được con quá.
H. buồn. Nhưng đáng lẽ phải động viên vợ thì H. lại hướng cái buồn sang người khác. Mà oái oăm, người đó lại là em gái của Nách- A Nưn.
A Nưn, đời nó buồn như cây bắp vừa trổ buồng thì đã hết mưa. Chồng chết để lại cho nó 4 đứa con. Nách thương nó lắm, bởi thế mà H. đùa với nó, mặc. Nó nũng nịu, làm dáng với H, mặc. Cho nó quên cái buồn chồng chết đi mà!
Thế rồi một hôm đi làm về, Nách thấy H. ngồi buồn. Đột ngột H. hỏi: “Nưn đi đâu mà tôi tìm không thấy?” Nách chưa kịp trả lời thì bỗng dưng H. khóc òa lên. Nách choáng váng, chờ cho bụng hết run mới gặng hỏi. H. lúc đầu còn chối, sau phải thú thật…Tức quá, Nách bươn bả đi tìm em gái về.
Chuyện đến thế tất nhiên phải đưa ra làng phân xử. “Bây giờ sao ?” - ý già làng là phải phạt vạ H, bắt đền Nưn. Nách không nghĩ nhiều lắm. H. không thương mình nữa, cũng như cái đuốc đã cháy đến tay, không quẳng đi có được đâu. Còn Nưn, bắt phạt nó có khác gì cầm dao tự cứa tay mình? Nách thưa với già làng: “Hai người đã thích nhau thì cho, chỉ mong sống thật thà với nhau cho đến già là được”.
Lúc ấy Nách đang có mang, cứ nghĩ gặp chuyện buồn đến thế thì đứa con lại bị hỏng, vậy mà Yang thương Nách. Đứa bé ra đời không gặp phải trục trặc gì. Lúc đầu Nách định đặt cho nó tên Rớt, sau đổi thành Trạm cho đỡ buồn. “Trạm” có nghĩa làm trạm xá, nơi nâng đỡ nó chào đời…
Mang con chữ đáp ơn làng
Năm 1994, A Nách về làng Groi nhỏ mở lớp. Người Groi không thể tin một ngày làng mình cũng có người đi học…
Nói lớp, thực tế là căn nhà tranh nhỏ do dân làng tự dựng. Bàn ghế, bảng học sinh làm bằng tre; phấn thì dùng sắn khô để viết. Tuy nhiên việc khó hơn nhiều là giữ cho học sinh đừng bỏ học. Đã quá tuổi, đi học đối với chúng cũng như đến nơi để chơi. Vui thì ở, không thích thì về. Thật lắm chật vật nhưng mỗi khi gặp khó là Nách lại nghĩ đến người đàn bà Bah Nar.
Chẳng phải riêng Nách, còn bao nhiêu người cũng lắm nỗi buồn, lắm nỗi thiệt thòi. Lệ làng kia người ta phải chấp nhận là vì chưa ai đủ cái chữ trong đầu để cãi. Lớp người như Nách một phần đời thiếu chữ còn chịu thiệt thòi nhưng lớp người kế tiếp nhất định không chịu thế… Cứ nghĩ vậy là gặp khó mấy Nách cũng tìm lối vượt qua.
Từ dăm bảy đứa học đến lớp một, lớp hai đã mừng, học trò Nách bây giờ người đã làm cán bộ xã, người học tới đại học. Có chữ trong đầu, ngôi làng Groi nhỏ tăm tối, lạc hậu năm nào giờ đã trở thành làng mới Đăk Pơ Nan với 63 nóc nhà, hầu hết đã được xây kiên cố. Không chỉ là “ốc đảo” của riêng người bị bệnh phong, Đak Pơ Nan bây giờ là nơi sinh sống hòa đồng của những người bình thường từ nơi khác đến…
Có lẽ chẳng ai mừng hơn Nách trước sự đổi thay này. Ngẫm lại quãng đời quá khứ, Nách thấy mình thật khó mà chọn được lối đi nào cho ý nghĩa hơn… Lại thêm niềm hạnh phúc lớn lao với Nách là bé Trạm và cái lớp học đầy thương mến.