Huy động vàng trong dân: Liệu có khả thi?
Ngân hàng Nhà nước từng rất quyết liệt với việc chống vàng hóa. Nhiều ngân hàng lớn cũng đã phải trả giá đắt với “cơn lốc vàng”. Vậy thời điểm này đặt vấn đề huy động 500 tấn vàng trong dân có khả thi?
Huy động vàng trong dân để khai thác nguồn tài chính đang lãng phí.
Phân biệt sàn vàng và huy động vàng trong dân
Vấn đề huy động vàng trong dân một lần nữa lại được làm nóng trở lại khi nền kinh tế đang khát vốn. Dù con số còn khoảng 500 tấn vàng tương đương trị giá gần 20 tỷ USD hiện nằm bất động trong dân chưa được kiểm chứng, nhưng là dữ liệu quan trọng được đưa ra dựa trên các thông tin tổng hợp từ hội đồng vàng thế giới, sau khi tính toán từ việc xuất nhập khẩu vàng của các doanh nghiệp kinh doanh vàng tại Việt Nam.
Và nay, vấn đề lại được lật lại và làm nóng khi Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng vừa kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu thành lập Sàn giao dịch vàng quốc gia, huy động nguồn lực vàng nằm trong dân.
Thế nhưng, ở đây có vấn đề cần lưu ý, đề xuất thành lập sàn vàng quốc gia khác với đề án huy động vàng trong dân đã từng được bàn thảo rất nhiều từ nhiều năm trước. Các chuyên gia kinh tế đề xuất từ năm 2010, đi kèm với các kiến nghị, giải pháp. Sang đến đầu năm 2014, Chính phủ đã giao cho NHNN phải sớm triển khai huy động nguồn vàng này.
Việc thành lập sàn vàng quốc gia về cơ bản gắn liền mật thiết với quyền lợi của các nhà đầu tư vàng Việt Nam, gắn với quyền lợi của các doanh nghiệp. Thị trường vàng trong 2 năm trở lại đây khá trầm lắng, doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng phải nằm im. Chưa kể, cũng từ năm 2003, NHNN ra lệnh đóng cửa các sàn vàng. Hiện nay, nhiều sàn vàng chui vẫn hoạt động lén lút. Vì vậy, kiến nghị thành lập sàn vàng quốc gia, nói thế, là mở thêm hướng kinh doanh mới cho các doanh nghiệp thời nhàn rỗi.
Trong khi đó, việc huy động vàng trong dân là huy động nguồn lực kinh tế. Nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong những năm tới là rất lớn. Việc nghiên cứu giải pháp huy động có hiệu quả nguồn lực vàng trong dân cho phát triển kinh tế là rất cấp bách trong điều kiện hiện nay.
Thế nhưng, nói vậy không có nghĩa là việc kiến nghị thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia lại không liên quan đến kéo vàng từ dân ra.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu trao đổi với Đại Đoàn Kết, sở giao dịch vàng quốc gia (sàn vàng) và huy động vàng trong dân không liên quan nhưng có mối quan hệ tương quan.
Ông Hiếu phân tích, việc thành lập sàn vàng quốc gia, thông qua đó để có những thông tin giá vàng, lượng vàng được giao dịch hàng ngày. Nhà đầu tư, doanh nghiệp giao dịch mua bán trên sàn vàng. Nhưng từ sàn vàng người dân tham khảo giá vàng thế giới, cung cầu mua bán để rồi quyết định có nên ký thác vàng hay là giữ vàng. Từ sàn vàng, nhà đầu tư, người kinh doanh, có cơ sở thông tin để quyết định xu hướng đầu tư, chọn kênh đầu tư.
Không nên để ngân hàng thương mại thực hiện
Trong văn bản mà Hiệp hội kinh doanh vàng gửi Thống đốc NHNH, Hiệp hội này đã đưa ra 6 lý do để bàn rằng, NHNN cần nghiêm túc tính đến giải pháp huy động vàng trong dân, thông qua việc thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, nếu huy động vàng trong dân bằng việc phát hành chứng chỉ vàng thì không nên để các ngân hàng thương mại thực hiện, mà đích thân Ngân hàng Nhà nước chủ trì.
Nhưng còn phương thức phát hành chứng chỉ vàng trung, dài hạn, NHNN xem xét trả một khoản lãi suất nhỏ để khuyến khích người dân gửi vào “kho” của NHNN, đồng nghĩa với việc trao vàng thêm một quyền năng, đi ngược với lộ trình chống vàng hóa? Ông Hiếu khẳng định, chứng chỉ vàng chỉ là một công cụ tài chính. Cũng giống như chứng khoán, chứng chỉ vàng muốn giao dịch được sẽ phải có thêm thị trường sơ cấp và thứ cấp.
Việc huy động vàng, lập sàn vàng có thể dẫn đến lo ngại rằng, thị trường vàng bị “đốt nóng” trở lại. Tuy nhiên, lo lắng này là không có cơ sở, bởi mục đích chính khi huy động vàng trong dân không phải để bán ra thị trường, mà chủ yếu để khai thác một nguồn lực tài chính nhằm phục vụ phát triển kinh tế.