Zika vẫn diễn biến phức tạp

Nguyễn Hải 19/05/2016 12:10

Sau những nỗ lực của ngành Y tế, dịch bệnh do virus Zika tại Việt Nam đã kịp thời được ngăn chặn. Thế nhưng tại nhiều nước trên thế giới, dịch bệnh này vẫn diễn biến phức tạp. Hiện hơn 61 quốc gia đã ghi nhận các trường hợp lây nhiễm.

Zika vẫn diễn biến phức tạp

Virus Zika đang bị nghi ngờ là nguyên nhân gây hội chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Ảnh: TL

Những ca nhiễm Zika đầu tiên tại Việt Nam

Sau khi Bộ Y tế Việt Nam công bố thông tin 2 ca bệnh Zika đầu tiên trong nước gồm một bệnh nhân 64 tuổi ở Khánh Hòa và một thai phụ 33 tuổi sống tại TP HCM, mặc dù sức khỏe của hai bệnh nhân đều đã ổn định nhưng sự lây lan của dịch này vào Việt Nam đã khiến nhiều người dân cảm thấy lo lắng.

Virus Zika do muỗi Aedes truyền cho người- là loại muỗi gây dịch Sốt xuất huyết Dengue. Ngoài đường lây truyền do muỗi, virus Zika có thể truyền qua đường máu, quan hệ tình dục không an toàn. Thời kỳ ủ bệnh có thể kéo dài từ vài ngày đến 2 tuần. Chỉ khoảng 20% người nhiễm virus Zika có biểu hiện triệu chứng lâm sàng như sốt, nhức đầu, ban đỏ, đau mắt, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi. Có thể phát hiện virus bằng xét nghiệm RNA trong máu, nước tiểu, nước bọt và tinh dịch.

Ngay lập tức ngành y tế đã nhập cuộc một cách quyết liệt. Bộ Y tế cho rà soát lại toàn bộ quy trình và các yếu tố nguy cơ gây bệnh cho hai bệnh nhân này như lây theo đường máu, quan hệ tình dục, muỗi đốt... Bộ tạm kết luận đường truyền gây bệnh cho hai bệnh nhân là hoàn toàn do muỗi truyền.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, 61 quốc gia đã ghi nhận ca bệnh Zika. Bệnh đang lan truyền rất nhanh giữa các nước do muỗi truyền và nhiều yếu tố dịch tễ khác. Xung quanh khu vực châu Á và vùng Đông Nam Á có nhiều nước đã ghi nhận sự lưu hành ca bệnh do virus Zika, đặc biệt Việt Nam lại là nước có điều kiện thời tiết, khí hậu nhiệt đới, tình hình biến đổi khí hậu phức tạp cộng với sự lưu hành của muỗi vằn – loại muỗi truyền cả bệnh sốt xuất huyết Degue và bệnh do virus Zika góp phần ảnh hưởng đến nguy cơ lây truyền bệnh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Zika, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu từ tháng 2 vừa qua, đồng thời khẳng định có sự đồng thuận rộng rãi trong cộng đồng khoa học rằng virus trên có liên quan chặt chẽ tới hội chứng Guillain - Barré ở trẻ sơ sinh và đặc biệt là chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, có thể gây ra nhiều khó khăn cho quá trình phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ.

Zika vẫn diễn biến phức tạp - 1

Virus Zika do muỗi Aedes truyền cho người.

Triệu chứng của bệnh do virus Zika

- Sốt nhẹ 37,8-38,5 độ C, mệt mỏi, mọc ban rát sẩn trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân.
- Viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt, và suy nhược.
- Một số ít bệnh nhân có thể có đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc hoặc ngứa.

Thời gian ủ bệnh Zika khoảng 2-12 ngày sau khi bị muỗi đốt. Khoảng 75-80% số bệnh nhân bị nhiễm virus Zika không có biểu hiện lâm sàng.

Theo Tiến sĩ Trần Danh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, có sự liên quan giữa virus Zika và hội chứng não nhỏ ở trẻ sơ sinh. Hội chứng não nhỏ không phải phổ biến trong sản khoa, chẩn đoán trước sinh, tỷ lệ gặp rất thấp. Nguyên nhân chính gây hội chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh là nhiễm trùng - CMV, ký sinh trùng và rubella, thêm nguyên nhân mới là virus Zika.

Việc chẩn đoán hội chứng đầu nhỏ không khó, có thể phát hiện nhờ siêu âm, đo kích thước đầu nhỏ. Kỹ thuật này tương đối phổ thông. Những bà mẹ có thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu được khẳng định bị nhiễm virus Zika cần có kế hoạch theo dõi thai nghén cụ thể bằng cách đo chu vi đầu thai nhi, siêu âm thai 2 tuần một lần. Nếu nghi ngờ thai nhi có kích thước đầu nhỏ thì cần hội chẩn bác sĩ các chuyên khoa tương thích để quyết định tương lai của thai, có thể tiếp tục hoặc dừng thai kỳ.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, bệnh nhân nhiễm virus Zika thông thường ở thể nhẹ, có thể tự khỏi sau 7-10 ngày. Virus Zika có khả năng gây ra dị tật đầu nhỏ ở trẻ em nhưng không phải tất cả các trường hợp nhiễm Zika đều mắc dị tật này.

Zika bắt đầu từ đâu?

Được phát hiện đầu tiên tại châu Phi, virus Zika sau đó lan sang châu Á và châu Mỹ Latinh, trở thành đợt bùng phát dịch mạnh nhất từ trước tới nay. Theo dự báo mới nhất của Tổ chức y tế thế giới (WHO), nếu không có các biện pháp quyết liệt, con số bệnh nhân nhiễm Zika tại châu Mỹ có thể lên tới mức 500 triệu người.

Theo TS. Masaya Kato - Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, lý do WHO nhận định Zika là mối quan ngại đối với y tế cộng đồng không phải do tốc độ lây lan của virus mà do các biến chứng nguy hiểm của bệnh này. Đối với trẻ sơ sinh, cụ thể là gây teo não và hội chứng Guillain-Barré, một loại rối loạn hệ thống miễn dịch tác động đến thần kinh gây ra hiện tượng yếu cơ ở tay và chân. Do đó, phụ nữ có thai, đang có ý định và có nguy cơ mang thai là những đối tượng cần cẩn trọng nhất.

Về phòng ngừa dịch bệnh lây lan, đại diện WHO khuyến cáo công tác tăng cường giám sát rất quan trọng để phát hiện ca bệnh, nơi nào có mật độ muỗi cao nơi có nguy cơ cao lây dịch bệnh do virus Zika. Trong dự phòng, cần kiểm soát muỗi, diệt loăng quăng. Phụ nữ mang thai nếu không cần thiết thì không nên đến vùng có dịch, áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân như thoa kem chống muỗi, ngủ màn, mặc quần áo dài tay.

Hiện chưa có vắcxin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh do virus Zika, để phòng dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi người dân hãy chủ động diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy, lật úp tất cả những vật có thể chứa nước để không có nơi cho muỗi sinh sôi phát triển. “Không có muỗi, không bị muỗi đốt sẽ không có virus Zika. Vì thế, việc quan trọng nhất lúc này là diệt nguồn sống của loăng quăng, bọ gậy, không để cho muỗi đốt”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Hiện không có điều trị đặc hiệu cho bệnh do virus Zika. Các điều trị hỗ trợ bao gồm nghỉ ngơi, bồi phụ nước, điện giải, hạ sốt nếu có sốt cao. Người bệnh đặc biệt cần thận trọng khi dùng Aspirin hay corticoid khi chưa loại trừ được sốt xuất huyết Dengue.

Theo dõi các biểu hiện yếu, liệt cơ sau khi bị bệnh để phát hiện, xử trí sớm hội chứng Gulain-Barre nếu có.

Nguyễn Hải