Những ngày tang tóc của ngành hàng không thế giới
Thế giới trong hai ngày vừa qua dường như là khoảng thời gian tang tóc nhất của ngành hàng không thế giới khi người ta liên tiếp chứng kiến các vụ tai nạn máy bay xảy ra ở nhiều nước, từ Mỹ, Ai Cập cho tới Azerbaijan.
Ảnh minh họa.
Máy bay đâm xuống biển Địa Trung Hải
Giới chức Ai Cập và Hy Lạp chiều 19/5 cho hay, chuyến bay của hãng EgyptAir có lịch trình bay từ Paris đến thủ đô Cairo của nước này, mang theo 66 hành khách và phi hành đoàn trên khoang, đã bị rơi xuống vùng biển Địa Trung Hải ngoài khơi đảo Crete của Hy Lạp vào sáng cùng ngày.
Thủ tướng Ai Cập Sherif Ismail cho hay vẫn còn quá sớm để kết luận liệu lỗi kỹ thuật hay một vụ tấn công khủng bố đã khiến chiếc máy bay này gặp nạn. “Chúng tôi không loại bỏ trường hợp nào”, ông Ismail nói trước báo giới ở thủ đô Cairo.
Được biết, chuyến bay mang số hiệu 804 của hãng hàng không EgyptAir đã biến mất khỏi màn hình radar vào khoảng 2h45 sáng 19-5 (tức khoảng 8h00 sáng giờ VN) khi đang bay ở độ cao 13.000 m, theo EgyptAir. Chiếc Airbus A320 này đã biến mất vào thời điểm mới đi vào không phận Ai Cập được khoảng 16 km, và ở vị trí cách đường bờ biển nước này khoảng 280 km. Giới chức hàng không Ai Cập đã xác nhận máy bay này đã bị rơi và họ hiện đang tìm kiếm các mảnh vỡ của nó.
Ông Konstantinos Lintzerakos, Giám đốc Cơ quan Hàng không Dân dụng Hy Lạp, cho hay các đài kiểm soát không lưu của họ trước đó đã liên lạc với phi công, và người này nói rằng không có vấn đề gì khi máy bay đang ở độ cao 13.000 m với vận tốc 830 km/h.
Đài kiểm soát không lưu sau đó đã cố gắng liên lạc với phi công khi máy bay chỉ còn cách 16 km là đi qua Vùng Thông báo Bay (FIR) của Hy Lạp. Lúc đó, họ đã không nhận được lời đáp từ phi công của chuyến bay này. Đài kiểm soát không lưu tiếp tục cố gắng liên lạc lại cho đến lúc 3h29 phút sáng (hơn 9h00 sáng VN) khi chiếc máy bay này biến mất khỏi màn hình radar trong FIR của Ai Cập, ở vị trí cách đảo Crete của Hy Lạp khoảng 11 km về phía Đông nam.
Đến chiều 19/5, máy bay quân sự cùng tàu hải quân của Ai Cập đã bắt đầu triển khai chiến dịch tìm kiếm ngoài khơi trên biển Địa Trung Hải để thu thập các mảnh vỡ của máy bay - vào thời điểm gặp nạn đang chở 56 hành khách, gồm 1 trẻ em và 2 trẻ sơ sinh, và 10 thành viên phi hành đoàn. Được biết phi công lái chiếc máy bay này có kinh nghiệm 6.000 giờ bay.
Hy Lạp cũng đã tham gia chiến dịch tìm kiếm cứu hộ bằng cách triển khai 2 máy bay của họ, ngoài ra còn sẵn sàng cử các máy bay trực thăng từ hòn đảo Karrpathos nếu cần thiết. Phía Pháp cũng đã đề nghị cử máy bay và tàu quân sự của họ tới vị trí máy bay rơi để hỗ trợ chính quyền Ai Cập.
Theo EgyptAire, những người có mặt trên chuyến bay gặp nạn gồm 15 công dân Pháp, 30 công dân Ai Cập, 2 công dân Iraq, 1 công dân Anh, 1 Kuwait, 1 Sudan, 1 Chadia, 1 Bồ Đào Nha, 1 Bỉ, 1 Algeria và 1 Canada. Phía Pháp cũng xác nhận có 15 công dân của họ có mặt trên chuyến bay này.
Hãng tin nhà nước Ai Cập Al-Ahram dẫn lời một quan chức ngành hàng không nói rằng, viên phi công đã không gửi đi tín hiệu cầu cứu, và rằng lần cuối cùng mà chiếc máy bay này liên lạc với mặt đất là 10 phút trước khi nó biến mất khỏi màn hình radar.
Về phần mình, đại diện hãng máy bay Airbus, ông Jacques Rocca, cho hay họ biết về việc chiếc máy bay mà họ sản xuất biến mất khỏi màn hình radar, tuy nhiên chưa có thông tin chính thức nào thêm về sự việc. Trong khi đó, giới chức hàng không Pháp không đưa ra bình luận nào.
Đến chiều 19-5, đã có khoảng 15 thân nhân của các hành khách trên chuyến bay gặp nạn nói trên đến sân bay Cairo ở Ai Cập. Chính quyền đã phải triển khai các bác sỹ đến để hỗ trợ kịp thời những người bị ngất do quá sốc. Ở Paris, thân nhân các hành khách có mặt trên chuyến bay nọ cũng bắt đầu đổ tới sân bay Charles de Gaulle để tiếp tục nghe tin tức.
Máy bay rơi liên tục
Vụ tai nạn nghiêm trọng của chuyến bay mang số hiệu 804 tiếp nối 2 vụ tai nạn máy bay khác xảy ra chỉ trước đó một ngày. Hôm 18-5, Không quân Mỹ cho biết một chiếc máy bay cường kích B-52 của họ đã gặp nạn trên đảo Guam, vùng lãnh thổ hải ngoại của Mỹ, ngay sau khi cất cánh.
Chiếc máy bay rơi vào lúc 8h30 theo giờ địa phương. Máy bay B-52 gặp nạn là chiếc được triển khai từ bang Bắc Dakota tới đảo Guam nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương. Phía quân đội Mỹ cũng cho biết thêm tất cả 7 thành viên phi hành đoàn có thể bung dù đã thoát ra ngoài an toàn và nguyên nhân tai nạn đang được điều tra làm rõ.
Cũng trong ngày 18/5, 7 người đã thiệt mạng khi một chiếc máy bay vận tải thuộc hãng hàng không Silk Way Airlines của Azerbaijan gặp nạn ở miền nam Afghanistan. Chiếc máy bay vận tải Antonov An-12 này chở 9 người và gặp nạn khi đang cất cánh từ Camp Dwyer, một sân bay quân sự tại tỉnh Helmand.
Vụ tai nạn đã khiến 7 người trên khoang thiệt mạng, 2 người sống sót đã được đưa tới sân bay Kandahar để điều trị. Các hành khách trên máy bay được tin là tới từ Đông Âu. Giới chức Azerbaijan xác nhận không có sự tham gia của các hành động quân sự trong vụ tai nạn, cho biết thêm rằng một cánh của máy bay đã va phải đường băng khi cất cánh.
Các tai nạn hàng không của EgyptAir
Mẫu máy bay Airbus A320 phần lớn sử dụng 2 động cơ và thường vận hành trên các tuyến bay ngắn và trung. Trên thế giới hiện có gần 4.000 chiếc A320 đang được sử dụng. Thế nhưng bi kịch của loại máy bay này là nó đã nhiều lần vướng phải các vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng trong những năm gần đây.
Vụ gần nhất là tai nạn liên quan tới chiếc máy bay mang số hiệu 9525 của hãng hàng không Đức Germanwings, trong đó 150 người trên khoang thiệt mạng sau khi một trong hai viên phi công cố tình cho máy bay đâm vào dãy Alps.
Hồi tháng Ba vừa qua, một chuyến bay cũng của hãng EgyptAir đã bị cướp và phải chuyển hướng tới đảo Cyprus. Một người đàn ông được xác nhận là không tặc đã bị bắt giữ sau đó.
Tháng 10 năm ngoái, một chiếc máy bay chở khách của Nga cũng bị rơi trên bán đảo Sinai của Ai Cập, khiến toàn bộ 224 người trên khoang thiệt mạng. Moscow nói rằng máy bay bị rơi do một thiết bị nổ, và sau đó một chi nhánh của tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã tuyên bố nhận trách nhiệm vụ việc.
Năm 1999, chuyến bay mang số hiệu 990 của hãng EgyptAir cũng bị rơi trên biển Đại Tây Dương gần đảo Nantucky của bang Massachusetts (Mỹ), khiến toàn bộ 217 người trên khoang thiệt mạng. Các nhà điều tra Mỹ sau đó kết luận rằng, viên cơ phó đã tắt chế độ lái tự động khiến chiếc Boeing 767 này bổ nhào xuống biển.