Mỹ, phương Tây mở mặt trận mới chống IS ở Libya
Tại một trại máy bay cũ kỹ từng được xây dựng trên đảo Sicilia của Italy cách đây vài thập kỷ, quân đội Mỹ bắt đầu thiết lập một căn cứ mới và triển khai binh sỹ đặc nhiệm để phục vụ cho một mặt trận mới chống lại tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trên lãnh thổ Libya.
Phiến quân IS đang nhắm tới Libya sau khi thất thế tại Iraq và Syria. (Nguồn: AP).
Lực lượng đặc nhiệm cùng các chuyến bay do thám hiện đang hoạt động dày đặc trên mặt đất và trên không phận của Libya, trong khi phương Tây cũng đang rục rịch thúc đẩy các chiến dịch an ninh tới quốc gia này nhằm hỗ trợ chính quyền trong cuộc chiến tuyệt vọng chống lại IS.
Các chuyến bay do thám trong phạm vi 2.000 km dọc bờ biển của Libya đã được thực hiện từ đảo Sicillia – thuộc nhóm đảo Pantelleria của Italy – trong suốt hơn 1 năm qua, trong khi lực lượng đặc nhiệm Mỹ mới đây cũng tăng cường sự hiện diện của họ trên mặt đất. Hãng tin CNN cho hay, bộ binh Mỹ thường xuyên xuất hiện ở khu vực gần thành phố Misrata của Libya, ước tính có hàng chục binh sỹ đóng tại một căn cứ gần thành phố này.
Sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Libya được giới chức Lầu năm góc hé lộ chỉ mới cách đây vài ngày. Họ thừa nhận rằng một số nhóm lực lượng đặc nhiệm của họ “đang gặp gỡ rất nhiều người dân Libya”. Các đội đặc nhiệm này được cho là đang hoạt động xung quanh thủ đô Tripoli, cũng như Misrata và khu vực phía Đông Libya.
Mỹ mới đây đã tuyên bố công khai ủng hộ 3 nhóm từng tuyên bố quyền được cai trị quốc gia này – Chính phủ lâm thời Libya (GNA), dẫn đầu bởi Thủ tướng Fayez al-Sarraj và gần đây đã được LHQ công nhận. Nhưng sự hiện diện của các đội đặc nhiệm Mỹ tại thành trì của 2 tổ chức còn lại cũng tuyên bố mình là chính phủ hợp pháp, cho thấy rằng Mỹ duy trì liên hệ với các nhóm này.
Hiện vẫn chưa rõ chính xác quy mô của lực lượng đặc nhiệm Mỹ ở Libya, khi các cuộc không kích và tấn công của họ còn rất hạn chế. Nhưng điều rõ ràng nhất là Mỹ dường như đang mở một mặt trận chống IS mới tại quốc gia này, khi liên tục mở các cuộc công kích nhằm vào IS – tổ chức phiến quân được cho là đang kiểm soát 1/10 đường bờ biển của Libya.
Chiến sự ở các khu vực này là điều rõ ràng. Mới đây, lực lượng dân quân ở Misrata đã có cuộc chiến ác liệt với IS đang đóng tại thành phố Sirte và đã bị nhóm phiến quân này đẩy lùi tới 29 km.
Các cuộc tấn công của IS còn gây gây nên thiệt hại lớn ở thị trấn Abu Grein, khiến hơn một chục người thiệt mạng và 110 người khác bị thương. Đây là các vụ tấn công đẫm máu nhất mà IS tổ chức nhằm vào thành phố Misrata, khiến thành phố này phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Theo giới chuyên gia, IS đang cố gắng thúc đẩy mặt trận của mình trên lãnh thổ Libya khi tổ chức này thất thế trên các chiến trường Iraq và Syria. Libya vốn không có cuộc xung đột giữa hai dòng người Hồi giáo người Shi’ite và Sunni để IS lợi dụng, nhưng nó đang chìm trong tình trạng hỗn loạn và luôn sẵn có nguồn cung cấp chiến binh thánh chiến từ châu Phi và nước láng giềng Tunisia.
Theo ước tính mà giới chức quân sự Mỹ công bố mới đây, có khoảng 4.000 – 6.000 chiến binh thánh chiến đang trú ngụ ở Libya; và các báo cáo mới đây cũng liên tục cảnh báo rằng các thủ lĩnh của IS đang được tổ chức này di chuyển từ Trung Đông đến Libya để thúc đẩy một mặt trận mới.
Ngoài Mỹ, phương Tây cũng đã bắt đầu có các động thái phản ứng trước mối đe dọa này bởi Libya có vị trí quá gần so với bờ biển phía Nam Địa Trung Hải của họ. Tuy nhiên, các nỗ lực này đang bị làm chậm lại do chính tình trạng hỗn loạn, đa chính phủ ở Libya.
Một chính phủ từ lâu đã chịu trách nhiệm vận hành thủ đô Tripoli mới đây đã bị thách thức bởi sự xuất hiện của Chính phủ lâm thời Libya (GNA) mà phương Tây hậu thuẫn. Khu vực phía Đông nước này, tuy nhiên, lại có một tổ chức khác tuyên bố nắm chính quyền và được hậu thuẫn bởi một vị Tướng quân đội tên Khalifa Haftar.
Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và hơn 15 nước khác trong ngày 16-5 đã đồng thuận việc miễn trừ lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hiệp Quốc với Libya, nhằm mở đường cho việc cung cấp vũ khí cho Libya chống lại mối đe dọa từ IS và các nhóm vũ trang cực đoan khác.
Bước đi này sẽ giúp chính quyền non trẻ của Libya củng cố quyền lực và giành lại quyền kiểm soát ngân hàng nhà nước cũng như công ty dầu mỏ quốc gia. Tuy nhiên điều này cũng có thể kéo theo những rủi ro lớn, nhất là khi IS hoặc các nhóm vũ trang khác cướp được những vũ khí mà các cường quốc trang bị cho lực lượng chính phủ Libya.