NATO sẽ đối thoại với Nga nhằm giảm căng thẳng

Khánh Duy 21/05/2016 08:35

Sau hàng loạt các diễn biến đầy căng thẳng với phía Nga, NATO hôm 20/5 cho hay họ đã đạt được sự đồng thuận trong việc tổ chức một cuộc đối thoại với Moscow nhằm tháo gỡ tình thế trước khi giới lãnh đạo của khối hiệp ước quân sự này họp tại Warsaw, Ba Lan.  

Tổng thư ký NATO Jens Stolenberg nói rằng họ vẫn duy trì các kênh liên lạc với Moscow (Nguồn: Sputnik).

Người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lập tức hoan nghênh tuyên bố trên, tuy nhiên nói rằng mọi cuộc đối thoại cần phải có sự tôn trọng lợi ích của nước Nga.

Tổng thư ký NATO Jens Stolenberg trước đó, hôm 19/5, đã cho biết các bộ trưởng Ngoại giao các nước thuộc khối đồng minh quân sự đã nhất trí sẽ mở thêm một hướng tiếp cận đối với Moscow: Một mặt tăng cường phòng thủ của NATO đối với cái mà họ xem là mối đe dọa đang lớn dần từ phía Nga, nhưng mặt khác vẫn duy trì các kênh thông tin liên lạc với Điện Kremlin.

Ông Stolenberg nói rằng, các vị Ngoại trưởng “nhất trí rằng trong tình hình hiện tại, cần phải có một thể chế giống như Hội đồng Nga-NATO để tăng cường sự minh bạch, khả năng dự đoán và củng cố các cơ chế giảm thiểu rủi ro nhằm tránh các tình huống nguy hiểm ngoài tầm kiểm soát... giữa đôi bên”.

Hội đồng Nga-NATO, được thành lập năm 2002 khi mối quan hệ giữa hai cường địch Chiến tranh Lạnh còn đang tốt đẹp hơn, đã tổ chức một cuộc họp đầu tiên trong suốt 2 năm qua trong tháng trước. Tuy nhiên, cuộc họp này đã thất bại trong việc xóa bỏ những sự khác biệt giữa Nga và khối đồng minh mà Mỹ dẫn dầu, và kể từ đó mang lại một sự suy giảm mạnh trong mối quan hệ của họ kể từ sau sự kiện Crimea trở về nước Nga hồi năm 2014.

Căng thẳng càng gia tăng sau khi vào tuần trước, một hệ thống mới - một phần trong hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ - ở châu Âu đã được kích hoạt tại căn cứ quân sự Deveselu, Romania. Hệ thống trị giá 800 triệu USD này bao gồm một hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore, một hệ thống Aegis đặt trên mặt đất. Đây được xem là hệ thống lớn nhất đầu tiên mà Mỹ lắp đặt ở châu Âu, trong chương trình lá chắn tên lửa toàn cầu của mình.

Sau khi có động thái trên, Bộ Ngoại giao Nga đã nói rằng hệ thống này có thể sử dụng để phóng tên lửa hành trình, bởi vậy mà vi phạm Hiệp ước tên lửa tầm trung và tầm ngắn INF mà Nga và Mỹ ký kết năm 1987. Bộ này cũng chỉ trích phương Tây vì đã đưa ra hướng tiếp cận một chiều đối với vấn đề phòng thủ tên lửa.

Sự kiện Crimea đã khiến NATO nảy sinh mối ngờ vực về sự hợp tác với nước Nga, tuy nhiên “chúng tôi vẫn quyết định duy trì các kênh đối thoại chính trị”, ông Stolenberg nói. Ông thêm rằng giới chức NATO giờ sẽ “bắt đầu tìm kiếm các thể thức và cách dàn xếp mới” để triệu tập lại Hội đồng Nga-NATO.

Trước tuyên bố của NATO, ngày 20/5, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov đã hoan nghênh động thái giảm căng thẳng này.

“Nga không bao giờ né tránh đối thoại, chúng tôi luôn ủng hộ đối thoại” - ông Peskov nói trước báo giới - “Chúng tôi tin rằng đó là cách duy nhất để giải quyết các vấn đề mà chúng ta phải đối mặt. Cùng lúc, một cuộc đối thoại cần phải thực hiện dựa trên sự tin tưởng và mang tính xây dựng, tôn trọng lợi ích lẫn nhau, bằng không sẽ khó đạt kết quả”.

Hôm 19/5, NATO đã có lời mời Montenegro, quốc gia thuộc vùng Balkan, trở thành thành viên trù bị thứ 29 của họ và chỉ chờ sự phê chuẩn của Thượng viện và Quốc hội Mỹ. Ông Peskov, tuy nhiên, nói rằng sự phát triển của NATO chỉ có thể làm trầm trọng thêm tình hình an ninh ở châu Âu.

“Theo quan điểm của chúng tôi, việc NATO mở rộng thêm là một tiến trình tiêu cực” - ông Peskov nói - “Tiến trình này không đóng góp gì cho việc củng cố an ninh của châu Âu mà chỉ đi theo hướng ngược lại”.

Cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Nga-NATO tổ chức trong ngày 20/4 vừa qua từng có sự góp mặt của Đại sứ Nga tại NATO, Alexander Grushkov, cùng các đối tác của ông đến từ các nước thành viên khối này. Tuy nhiên, Ủy ban thường trực của Nga ở NATO hiện vẫn chưa có phản ứng gì trước tuyên bố mới của khối đồng minh quân sự.

Ngoài tuyên bố nối lại hoạt đối thoại với Nga, trước cuộc họp ngày 20/5, ông Stolenberg còn nói trước báo giới rằng, NATO và Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ hợp tác nhiều hơn nhằm đối phó với các thách thức an ninh, từ cái mà họ gọi là sự trỗi dậy của Nga cho tới chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở Bắc Phi và Trung Đông.

Được biết có đến 22 quốc gia thành viên NATO thuộc khối EU. Cuộc họp được tổ chức ngày 20/5 vừa qua cũng có sự góp mặt của Cao ủy chính sách ngoại giao EU Federica Mogherini và các Ngoại trưởng đến từ Phần Lan, Thụy Điển, 2 thành viên trung lập thường xuyên tham gia các chiến dịch của NATO.

Khánh Duy