Nhiều đổi mới trong tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Vừa qua, ông Tom Malinowski, trợ lý Ngoại trưởng đặc trách vấn đề dân chủ, nhân quyền, lao động, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đến thăm UBTƯ MTTQ Việt Nam và trao đổi, tìm hiểu về tình hình tự do tôn giáo cũng như việc xây dựng Dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Được biết, chuyến thăm của ông Tom Malinowski là một bước chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Mỹ Obama. TS Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh sự kiện này.
Phó Chủ tịch Lê Bá Trình.
PV:Thưa ông, vừa rồi cuộc tiếp của ông với ngài Trợ lý Ngoại trưởng của Bộ Ngoại giao Mỹ có những vấn đề mà cả phía dư luận Mỹ và Việt Nam quan tâm. Vấn đề đầu tiên là phía Mỹ đề cập đến nội dung của dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam đang trong quá trình lấy ý kiến, phía Mỹ cho rằng dự luật này có thể sẽ cởi mở, tạo điều kiện hơn nữa cho hoạt động tôn giáo ở Việt Nam. Vậy ông đánh giá như thế nào về việc này?
Phó Chủ tịch Lê Bá Trình: Trong buổi làm việc với ngài Trợ lý Ngoại trưởng của Bộ Ngoại giao Mỹ đặc trách về vấn đề dân chủ, nhân quyền và lao động, tôi đánh giá cao thái độ làm việc rất cởi mở và xây dựng. Vấn đề quan tâm nhất của ngài Trợ lý là dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam đang trong quá trình xây dựng và chuẩn bị trình ra Quốc hội.
Trong đó, ngài Trợ lý Ngoại trưởng đánh giá cao dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo lần này của nước ta đã thể hiện sự bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nhiều hơn so với các văn bản pháp luật trước đây. Cụ thể, các hoạt động tôn giáo cần phải xin phép như trước đây đã hạn chế rất nhiều và tăng tính tự chủ trong tổ chức và hoạt động của các tôn giáo. Điều này thực tế trong văn bản dự thảo của chúng ta đã có và phía bạn mong muốn tăng thêm hơn nữa.
Tôi cũng đồng tình với quan điểm này và hướng sắp tới chúng ta cũng mong muốn điều này. Bởi vì trên cơ sở Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam 2013 thì vấn đề đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo sẽ được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật.
Tôi cho rằng cuộc làm việc này rất hữu ích. Thứ nhất là hai bên đã trao đổi trên tinh thần cởi mở, chân thành và xây dựng. Thứ hai là mục tiêu đặt ra là tìm hiểu thông tin thực tế phục vụ cho đoàn của Tổng thống Obama đến thăm và làm việc với Việt Nam đã đạt được, đặc biệt là khẳng định mối quan hệ phát triển sâu rộng trên các mặt mà hai bên mong muốn ngày càng mang tính thực chất, hiệu quả.
Trong cuộc làm việc với Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ vừa rồi ông có đề cập đến một trong những điểm mới của dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo lần này là quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam dựa trên nền tảng của Hiến pháp 2013. Ông có thể chia sẻ về những điểm mới trong dự thảo này, nó có những đột phá như thế nào?
- Thứ nhất là Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo lần này là cụ thể hóa hiến định về quyền con người trong Hiến pháp 2013. Tức là quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo (theo hoặc không theo) lần này không chỉ giới hạn ở phạm vi “công dân” mà là “mọi người”. Đây là một điểm rất mới. Thứ hai, đối với các hoạt động, sinh hoạt cụ thể của tôn giáo thì tăng cường tính chủ động của các tôn giáo, bớt đi những phần mang tính thủ tục, hành chính như cần được cấp phép, cần phải có sự chấp thuận của các cấp chính quyền như trước đây.
Trong dự thảo lần này, các tôn giáo đã được công nhận thì chủ động hơn trong tổ chức và hoạt động, sinh hoạt tôn giáo. Thứ ba là tạo điều kiện và phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia vào đời sống xã hội trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề và tôn vinh các giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo trong đời sống xã hội.
Có rất nhiều ý kiến của những nhà khoa học cũng như các chuyên gia trong nghiên cứu về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đó là quan niệm của họ về tự do tín ngưỡng. Họ cho rằng phải có đầy đủ hai vế là mình có quyền được tự do tín ngưỡng và có quyền được tự do phê phán tín ngưỡng. Đây là điều khá phổ biến ở nước ngoài, đặc biệt là nước Mỹ. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Việt Nam là một trong những nước đa tôn giáo và đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam mang tính chất đặc thù. Có những tôn giáo du nhập từ nước ngoài vào, có những tôn giáo phát sinh từ bản địa, có những tín ngưỡng mang nét truyền thống về văn hóa của người Việt Nam. Các tôn giáo Việt Nam luôn luôn sống hòa đồng, tôn trọng lẫn nhau.
Cho nên Việt Nam không có chuyện xung đột tôn giáo.Vì vậy quan điểm phê phán tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam lâu nay không xuất hiện. Một người nào đó có quyền tin, theo hoặc không tin, không theo tín ngưỡng, tôn giáo mà người khác đang tin theo nhưng không được phê phán hoặc có thái độ thiếu tôn trọng, bài xích.
Điều này tôi cho rằng nó phù hợp với văn hoá và đời sống tinh thần của người Việt Nam, đó là sự khác biệt so với một số nước khác trên thế giới và tôi tán thành sự khác biệt này. Bởi vì nói đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo thì anh có quyền tin theo hoặc không tin là quyền của anh. Còn nếu anh không tin thì anh phải tôn trọng không được phê phán tôn giáo người ta đang theo. Làm như vậy nó sẽ sinh ra những chuyện không bảo đảm được tính văn hóa, văn minh trong sinh hoạt tinh thần của cá nhân và cộng đồng xã hội, cũng là mầm mống gây chia rẽ, xung đột lẫn nhau.
Phó Chủ tịch Lê Bá Trình trao đổi với ông Tom Malinowski.
Có thể nói thời gian gần đây, trong mắt Mỹ thì vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam vẫn chưa có những dấu hiệu tích cực. Nhưng ngay trong cuộc làm việc vừa rồi đã có những ghi nhận khả quan từ ngài Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ. Vậy ông có thể chia sẻ, cho đến giờ phút này Mỹ đã có những đánh giá tích cực gì trong tự do tôn giáo ở Việt Nam?
- Qua cuộc trao đổi với ngài Trợ lý Ngoại trưởng của Bộ Ngoại giao Mỹ tôi thấy có một điểm thú vị là các bạn đã nhận ra tính hợp lý trong trong quá trình chúng ta thực hiện đổi mới công tác tôn giáo. Đó là chúng ta mở rộng dần việc đổi mới công tác tôn giáo sao cho phù hợp với yêu cầu đổi mới chung của đời sống xã hội.
Việc đổi mới phải phù hợp với mức độ và điều kiện phát triển của đất nước, chứ không phải như lâu nay một số nước yêu cầu Việt Nam phải đổi mới ngay, phải chuyển ngay từ trạng thái này sang trạng thái khác. Làm như vậy, sẽ không đảm bảo được tính ổn định xã hội cũng như bảo đảm tính bền vững của sự phát triển.
Chúng ta đang lựa chọn con đường đổi mới từng bước phù hợp với điều kiện phát triển và bảo vệ đất nước. Và chúng tôi rất vui là qua cuộc làm việc này phía bạn đã nhìn nhận được tính hợp lý trong quá trình đổi mới như vậy của nước ta. Vì vậy phía bạn cũng đánh giá rất cao những bước phát triển của chúng ta. Tuy nhiên, để bảo đảm được tính toàn diện của công cuộc đổi mới, chúng ta còn nhiều việc nữa phải làm. Đó là điều tất nhiên thôi.
Ngày mai, đồng bào Phật tử nước ta chào đón Đại lễ Phật Đản, Phật lịch 2560, chắc chắn đây là Đại lễ với nhiều kì vọng và có tầm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển chung của xã hội. Cá nhân ông sẽ kì vọng gì vào Đại lễ Phật đản năm nay?
- Đại lễ Phật Đản năm nay cũng nằm trong bối cảnh chung là thời điểm đất nước chúng ta thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng. Đồng bào các tôn giáo, đặc biệt là đồng bào theo Đạo Phật chuẩn bị kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, tổ chức duy nhất thống nhất 9 hệ phái Phật giáo trong cả nước.
Toàn dân ta chuẩn bị tiến hành cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, truyền thống Phật giáo Việt Nam và tổ chức Giáo hội luôn luôn đồng hành với những bước đi của dân tộc, của đất nước.
Trong Thông điệp của ngài Trưởng lão Hoà thượng Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nêu rõ trong phần yêu cầu chức sắc, bà con, phật tử thực hiện những nhiệm vụ của người con Phật trong giai đoạn hiện nay phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng đất nước như bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu để góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.
Đó là những điều tôi cho rằng rất phù hợp với điều kiện hiện nay cũng như đường hướng Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch!