Hài hòa việc đạo, việc đời

N. Phượng 21/05/2016 11:55

Kinh qua 2 nhiệm kỳ của HĐND thành phố, một nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, việc đạo, việc đời với Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm việc nào cũng hài hòa. Trước thềm bầu cử, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hà Nội đã chia sẻ với Đại Đoàn Kết.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm.

Vừa là một nhà tu hành, đồng thời lại được Trung ương GHPG Việt Nam giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIV, việc đạo – việc đời trách nhiệm đều hết sức nặng nề. Nhưng ở cương vị nào thì cả hai vai đạo – đời đều được thầy Nghiêm dung hòa trọn vẹn.

Trong giáo lý nhà Phật, Đức Phật từng nói “Phục vụ chúng sinh tức là cúng dường chư Phật”, bên cạnh nhiệm vụ của một tu sĩ, một người lãnh đạo Phật giáo nhưng trách nhiệm của một ĐBQH do dân bầu ra cũng khiến thầy Nghiêm phải suy nghĩ đến trách nhiệm của mình đó là phải biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để gửi tới Quốc hội.

Đối với thế hệ trẻ, thanh – thiếu niên nhi đồng, những “mầm non” tương lai của đất nước cũng được thầy chăm lo giáo dục đức tính làm người. Đối với xã hội, làm sao để giữ gìn nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc không bị mai một luôn là câu hỏi khiến Thầy đau đáu.

Việc lồng ghép các buổi thuyết giảng Phật giáo với việc giữ gìn cội nguồn dân tộc của thầy được nhiều Phật tử xa gần giác ngộ, được Trung ương GHPG Việt Nam đánh giá cao. Bên cạnh đó, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm còn tích cực tổ chức, khuyến khích các chùa trên địa bàn Hà Nội tổ chức các khóa tu ngắn hạn dành cho thanh, thiếu niên giúp thanh thiếu niên có cái nhìn hướng thiện.

“Thời gian tổ chức mỗi khóa tu không dài, chỉ vỏn vẹn 6 ngày nhưng đã góp phần thay đổi hành vi, cử chỉ, lời nói hướng con người tới cái chân – thiện – mỹ, để các em hiểu được cội nguồn, nhớ về tổ tiên, nhớ tới tinh thần hiếu đạo của người Việt là cây có gốc, nước có nguồn” - Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nhấn mạnh.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, nhiều nội dung liên quan đến hoạt động tôn giáo đã được Quốc hội đưa ra thảo luận sôi nổi nhưng chưa đi đến hồi kết, trong đó có Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Trong nhiều lần đăng đàn tại Quốc hội hay mỗi lần họp tổ, thầy Nghiêm đều đưa ra chính kiến riêng. Hệ thống pháp luật của Nhà nước Việt Nam sau Hiến pháp 2013 ngày càng thể hiện quyền con người, vì con người. Từ Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo mà trước đây là Nghị định đã được thể chế hóa thông qua Hiến pháp 2013.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo nếu ra đời sẽ có ưu điểm lớn đó là đạo Luật gốc, cái căn bản cho các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo cũng như tất cả các chức sắc, đồng bào có đạo tại Việt Nam làm theo. Luật phù hợp với thời hiện tại, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp, thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước đối với chính sách về tôn giáo.

Dù trúng cử hay không, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho biết vẫn tiếp tục mang tiếng nói của GHPG Việt Nam, của Phật tử cả nước tới Quốc hội để Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được thông qua, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào có đạo. Để có những ý kiến xác đáng, đáp ứng được nguyện vọng của bà con, thầy Nghiêm cho rằng Luật nào cũng phải nắm được. Để đáp ứng được yêu cầu, thầy Nghiêm cũng phải tìm đến các cơ quan chuyên môn, những nhà làm Luật tham khảo kết hợp tư duy của bản thân để những nội dung nói trên hội trường Quốc hội đảm bảo chất lượng.

Theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, lần bầu cử ĐBQH khóa XIV, nhiều nội dung liên quan đến những hiện tượng thiếu tích cực của nhà Phật cũng được nhiều cử tri quan tâm như việc nhiều chùa trên địa bàn Thủ đô đặt quá nhiều hòm công đức hay vẫn còn hiện tượng một số chùa tổ chức xin xăm, rút thẻ hay sửa chữa chùa là di tích mà chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng.. .

“Để hạn chế tình trạng này, Thành hội Phật giáo Hà Nội đã có quy chế hoạt động và đã ban hành cho tất cả các chùa phải thống nhất, phải nương tựa vào giới Luật Phật để đảm bảo người tu hành sống theo giới Luật Phật, sống theo Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, Thành hội Phật giáo cũng luôn nhắc nhở tăng ni xây dựng, sinh hoạt đều phải giữ được truyền thống Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Miền Bắc nói riêng” - Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nói.

N. Phượng