Bảo tàng dưới lòng đất kể chuyện

Vi Cầm 21/05/2016 07:11

Một bảo tàng độc đáo dưới lòng đất- đó là cảm nhận của PGS Nguyễn Văn Huy, người được tham quan trưng bày “Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội”. Theo PGS Nguyễn Văn Huy, không những vậy, bảo tàng này cũng rất hiện đại bởi được sử dụng công nghệ mới, cùng phương pháp trưng bày kết hợp tĩnh và động, tạo ra tương tác giữa hiện vật với người xem, sự hài hòa giữa không gian xưa và nay. Trong thời gian tới, khu trưng bày sẽ mở cửa để đón du khách tham quan.

Hiện vật trưng bày dưới tầng hầm Nhà Quốc hội. Ảnh: Vương Anh.

Giới thiệu những giá trị cốt lõi

Dự án trưng bày nói trên do Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) thực hiện. PGS.TS Bùi Minh Trí- Giám đốc Trung tâm - Chủ nhiệm Dự án trưng bày cho biết: Công việc được khởi động từ cuối năm 2012 bằng một đề án mang tính tiền khả thi.

Nội dung khoa học và ý tưởng trưng bày được hình thành từ đó và phát triển cao hơn vào năm 2013, được hoàn thiện vào năm 2014. Năm 2015-2016, là giai đoạn chuyển động nhanh chóng của Dự án, được thực hiện đồng bộ và rất khẩn trương từ khâu thiết kế đến thi công trưng bày.

Sau gần 4 năm miệt mài làm việc, từ nghiên cứu xây dựng nội dung khoa học trưng bày đến việc hình thành những ý tưởng trưng bày ban đầu, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành đã nỗ lực hết sức để giới thiệu tới công chúng những giá trị cốt lõi của các phát hiện khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội.

Theo đó, dưới lòng đất khu vực xây dựng Nhà Quốc hội, cuộc khai quật khảo cổ học năm 2008-2009 do Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức thực hiện đã phát hiện được nhiều loại hình di tích, di vật của nhiều thời kỳ nằm chồng xếp lên nhau, bắt đầu từ thời Đại La (thế kỷ 7-9), thời Đinh - Tiền Lê (thế kỷ 10) đến thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn (thế kỷ 11-19).

140 di tích cùng hàng chục ngàn di vật khảo cổ được tìm thấy tại đây đã góp phần phản ánh sinh động lịch sử phát triển liên tục, lâu dài của khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long qua suốt 1.300 năm. Đồng thời minh chứng rõ, khu vực xây dựng toà Nhà Quốc hội là một bộ phận quan trọng nằm ở phía Tây Nam của khu Trung tâm Cấm thành của Kinh đô Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Cuộc cách mạng về bảo tàng

Tham quan phòng trưng bày, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nhận xét: Khác với rất nhiều sự đầu tư vào các bảo tàng khác cũng như các công trình văn hóa khác, sự đầu tư vào bảo tàng dưới tầng hầm Nhà Quốc hội như một cuộc cách mạng về bảo tàng cho hệ thống bảo tàng Việt Nam.

Những nhận định của ông Huy hoàn toàn có cơ sở, bởi sự đầu tư cho trưng bày “Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội” được chuẩn bị có bài bản.

Tham gia tư vấn khoa học và bảo tàng học là đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm như: PGS.TS. Tống Trung Tín- nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học, PGS.TS. Nguyễn Văn Huy- nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam; TS. Nguyễn Đình Chiến- nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Cùng với đó là đội ngũ chuyên gia tư vấn quốc tế thiết kế trưng bày đến từ những quốc gia có kinh nghiệm làm bảo tàng trên thế giới.

Khai mạc giới thiệu phòng trưng bày hôm 19-5 vừa rồi trước mắt chỉ giới thiệu tới một số đại biểu và nhà nghiên cứu. Nhưng đa phần khách tham quan đều đánh giá đây thực sự là một bảo tàng đầy ấn tượng. Trưng bày “Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội” được chia thành hai phòng, ở hai tầng hầm tòa nhà Quốc hội.

Tầng hầm 1 có diện tích trưng bày 1.700 m2, trưng bày những khám phá khảo cổ học thời kỳ tiền Thăng Long. Tại tầng này có khu vực tương tác cho trẻ em trải nghiệm về khảo cổ học ở đây.

Tầng hầm 2 có diện tích trưng bày 2.000 m2, mô tả khám phá về thời kỳ Thăng Long. Tại đây có hình ảnh về kiến trúc cung điện Lý với 42 cột gỗ lớn cùng bộ mái công trình thông qua trưng bày các loại ngói lợp. Dọc lối đi có tủ trưng bày vật liệu kiến trúc và đồ dùng trong đời sống. Phòng chiếu phim được đặt ở tầng này.

Ở không gian bảo tàng khảo cổ học đặc biệt ấy, lịch sử được tái hiện qua cách kể chuyện của các hiện vật dưới lòng đất tòa nhà Quốc hội. Ấy là những câu chuyện về phong tục của người Việt thông qua chiếc cóng đất nung có đường kính miệng 4 cm; một video clip được chiếu trên tường mô tả rõ người xưa đã chơi chim như thế nào, bẫy chim ra sao.

Những hình ảnh này được lấy từ cuốn “Phong tục của người An Nam” do nhà dân tộc học Pháp Henri Oger thực hiện. Không chỉ thấy những hiện vật trưng bày trong tủ kính, người xem còn thấy được khối hiện vật âm dưới nền sàn, khi đi trên mặt sàn kính có cảm giác như đi trên hố khai quật thực sự. Hay đó còn là hình ảnh của một cung điện xưa, các cột ánh sáng được thiết kế công phu để người xem hình dung các cung điện thời Lý tại đây được dựng ra sao…

PGS.TS Nguyễn Văn Huy chia sẻ: Đến đây người xem sẽ cảm thấy sự gắn kết chặt chẽ giữa cuộc sống và hiện vật. Điều đó làm cho bảo tàng thành công, và bản thân tôi khi tham quan bảo tàng này vô cùng xúc động. Xúc động một cách thật sự khi chúng ta đã biết kể những câu chuyện về lịch sử và câu chuyện về khảo cổ học tưởng như rất khó kể nhưng đã kể được và kể rất hay.

Vi Cầm