Đưa Lào Cai trở thành đầu tàu kinh tế vùng Tây Bắc
Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai vừa phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Bắc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Lào Cai năm 2016.
Phiên chợ Bắc Hà.
Tạo môi trường đầu tư hấp dẫn
Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, đại điện lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Trung ương và địa phương; đại diện sứ quán một số quốc gia và vùng lãnh thổ cùng hơn 500 đại biểu là các chuyên gia, học giả và đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, Lào Cai cần phải tận dụng những lợi thế sẵn có để phát triển thành đầu tàu kinh tế của vùng Tây Bắc. Cần tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, xây dựng quy hoạch đầu tư tập trung khung hạ tầng, sản phẩm chủ lực và nên có quy hoạch mềm để các nhà đầu tư lựa chọn. Phó Thủ tướng cũng lưu ý địa phương này phải tái cấu trúc các loại sản phẩm chủ lực trong điều kiện hội nhập, hoàn thiện cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện của địa phương.
Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ những khó khăn về thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Tỉnh Lào Cai cần tiếp tục huy động mạnh mẽ nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển kết cấu hạ tầng để tạo điều kiện thu hút đầu tư, nhất là giao thông ở những khu vực vùng sâu, vùng miền núi, biên giới khó khăn.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Lào Cai phải đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực và tăng cường hợp tác xúc tiến đầu tư. Tập trung phát triển các lĩnh vực thế mạnh của Lào Cai như du lịch và phải thường xuyên quan tâm tới vấn đề dân tộc, ổn định xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn những nét văn hóa bản địa.
Phát triển du lịch mang tính bền vững
Nhiều ý kiến của các doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế, các học giả đóng góp vào việc thu hút đầu tư, phát triển du lịch ở các địa bàn có thế mạnh như Sa Pa, Bắc Hà và thành phố Lào Cai. Đặc biệt, Lào Cai có Sa Pa, có đỉnh Fansipan cao 3.134m (được mệnh danh nóc nhà Đông Dương) và nhiều điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng hấp dẫn với nhiều sản phẩm du lịch độc đáo để có thể phát triển mạnh ngành công nghiệp không khói.
Tuy nhiên, hiện nay Lào Cai cũng đang đứng trước nhiều thách thức như du lịch phát triển quá “nóng” dẫn tới hạ tầng du lịch chưa đáp ứng được, vấn đề quy hoạch xây dựng các khu du lịch còn nhiều bất cập, nhiều nơi phát triển du lịch còn tự phát, nhiều bản sắc văn hóa độc đáo đang mất dần, nguồn nhân lực phát triển du lịch chưa cao…
Sự chia cắt mạnh về địa hình đã tạo nên những dãy núi cao và thung lũng sâu đã mang lại cho Lào Cai cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ với các hang động, thác nước đặc sắc cùng sự đa dạng của hệ động thực vật và khí hậu mát mẻ.
Lào Cai cũng là nơi sinh sống của 25 nhóm ngành dân tộc- chủ nhân của những phong tục tập quán, kiến trúc, lễ hội truyền thống độc đáo đậm đà sắc thái vùng cao. Với những tiềm năng to lớn về tự nhiên và nhân văn, Lào Cai đã trở thành một trong những điểm du lịch nghỉ dưỡng, khám phá hấp dẫn và quan trọng của Việt Nam, thu hút không chỉ du khách quốc tế mà còn là điểm du lịch “cần đến” đối với khách du lịch nội địa.