Châu Á nóng

Mỹ Hiền (Nguồn tham khảo: Reuteur AFP) 21/05/2016 14:05

Từ giữa tháng Tư trở lại đây, nắng nóng hoành hành dữ dội ở nhiều nước châu Á. Nguyên nhân được coi là từ hiện tượng El Nino và trái đất ấm lên do biến đổi khí hậu. Nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Đông Nam Á đang phải gồng mình trước nắng nóng, khô hạn và thiếu nước.

Châu Á nóng

1.Tại Đông Nam Á, đợt nắng nóng này nghiêm trọng tương tự những kỷ lục vào các năm 1960, 1983 và 1998. Riêng tại Thái Lan, Lào và Campuchia, đây là đợt nắng nóng nghiêm trọng nhất từ trước đến giờ. Đó là nhận định của Tiến sĩ Maximiliano Herrera- nhà khí tượng chuyên nghiên cứu về những kỷ lục về nhiệt độ thế giới.

Giới chuyên gia khí tượng học thống nhất nhận định, đây là đợt nóng kỉ lục, đồng thời gây ra nhiều tai họa hơn những đợt nắng nóng trước đó, do hầu như những vùng đất cháy này lại không có mưa ròng rã suốt mấy tháng. Điều đó khiến cho nước các dòng sông giảm sút trầm trọng, nước ngầm cũng bị suy kiệt. Cả con người, hệ động thực vật đều bị ảnh hưởng nặng nề.

Tại Thái Lan, đợt nắng nóng này được cho là dài nhất trong vòng 65 năm qua. Nhà chức trách đã buộc phải khuyến cáo người dân ở trong nhà và uống nhiều nước hơn. Cũng chính do nắng nóng quá mức nên người dân tranh thủ tắm ở ao hồ, sông suối, dẫn đến nhiều vụ chết đuối thương tâm. Chỉ trong vòng 1 tháng, ở Thái Lan, 135 đứa trẻ đã bị chết đuối.

Một mối đe dọa khác là ngộ độc thực phẩm và các bệnh liên quan đến thực phẩm do thời tiết nóng làm vi khuẩn sinh sôi. Mỗi khi ra đường, người ta lại phải tìm mọi cách để che nắng. Kể từ ngày 19/4, hơn 50 khu vực thành thị ở Thái Lan đều báo cáo nhiệt độ khá cao, như tỉnh Sukhothai là 44,3 độ C; tỉnh Mae Hong Son ở miền bắc đo được nhiệt độ 44,6 độ C.

Châu Á nóng - 1

Người bộ tộc Lambadi lấy nước từ đường ống
bị rò rỉ trên một con đường ở phía Đông thành phố Hyderabad.

Tương tự, tại Campuchia, nhiệt độ nhiều ngày lên tới 42,6 độ C, nóng nhất là tại tỉnh Preah Vihear. Nhưng cũng chưa khủng khiếp bằng Myanmar, ngày 13/5, nhiệt độ ở một số thị trấn của nước này còn lên đến 46 độ C.

Nhưng nặng nề nhất là nắng nóng tại Ấn Độ. Nhiệt độ 48,5 độ C xuất hiện tại thị trấn Titlagarh, bang Odisha hôm cuối tháng 4. Còn tại Titlagarth, một đợt nắng nóng kéo dài 2 tuần đã cướp đi sinh mạng của 160 người. Nắng nóng làm mùa màng thất bát, gia súc không sống nổi, các nhà máy thủy điện cũng bị ảnh hưởng do hồ chứa cạn nước khiến cuộc sống người dân đảo lộn.

Tại Campuchia, ngày 15/4, mức nhiệt độ cao toàn quốc ghi nhận là 42,6 độ C ở Preah Vihea. Còn tại Lào đo được nhiệt độ tại tỉnh Seno là 42,3 độ C.

Đối với tỉnh Karachi của Pakistan, chính quyền đã phải thành lập 52 trung tâm chống sốc nhiệt để giảm thiểu những ca tử vong do trời nóng. Ngay tại Thủ đô Dhaka, Bangladesh, nhiệt độ trung bình cũng vượt quá 40,2 độ C.

2. Người ta cho rằng, El Nino cùng với biến đổi khí hậu do yếu tố con người là nguyên nhân gây nên hiện tượng nắng nóng bất thường năm nay. Theo giới chuyên gia, El Nino khiến nhiệt độ mặt nước biển ở Thái Bình Dương ấm lên, gây ra thời tiết nóng nực khắp châu Á. El Nino đã làm thay đổi đáng kể nhiệt độ trên mặt biển ở vành đai nhiệt đới của Thái Bình Dương.

“Con người sẽ phải chịu đựng các đợt nắng nóng nhiều hơn, ngay cả khi không xảy ra El Nino. El Nino làm tăng nhiệt độ không khí và do đó, gây thêm rắc rối cho sự nóng lên toàn cầu”- J. Srinivasan, Chủ tịch Trung tâm biến đổi khí hậu thuộc Viện Khoa học Ấn Độ nói.

El Nino là một hiện tượng tự nhiên, tuy nhiên khi nó có sự “trợ giúp” của biến đổi khí hậu do con người gây ra thì hậu quả sẽ rất lớn. Nếu El Nino xảy ra từ 2 đến 7 năm 1 lần theo chu kỳ thì trái đất ấm lên một cách lặng lẽ, liên tục là một ẩn họa vô cùng lớn.

Trái dất đã chứng kiến nhiều sinh vật bị hủy diệt, tuyệt chủng cũng là do sự thay đổi nhiệt độ. Sự thay đổi nhiệt độ đó (nóng lên hay lạnh hơn) sẽ khiến thân nhiệt nhiều loài không chịu đựng nổi, sẽ chết đi. Từ đó, lượng thức ăn cho các loại động vật trong thiên nhiên cũng khan hiếm, dẫn đến những cuộc chiến sinh tồn ngày một khốc liệt.

Châu Á nóng - 2

Em gái Campuchia lấy nước giúp cha mẹ.

Nắng nóng kéo dài và dữ dội, có xu hướng tăng lên khiến chính phủ nhiều quốc gia lúng túng trong ứng phó. Chỉ riêng việc giải quyết trước mắt mang tính tình thế cũng đã ngốn rất nhiều ngân sách. Do thiếu mưa, nước các dòng sông suy kiệt, người ta đành phải khai thác tận lực nguồn nước ngầm.

Muốn khai thác nguồn nước này đòi hỏi kinh phí không hề nhỏ. Trong khi ở hầu hết những vùng nông thôn, mức thu nhập của người dân thấp, việc đầu tư để làm một giếng khoan là điều rất khó khăn. Vì thế, chính quyền phải vào cuộc, nhưng cũng chỉ là việc làm mang tính cứu trợ chứ không thể giải quyết triệt để.

Việc nắng nóng liên tục và kéo dài đã được dự báo trước, nhưng biện pháp khắc phục lại không mang tính tổng thể. Đó chính là mâu thuẫn khó giải quyết trong tương lai.

Với các nước châu Á, khi mà người dân sống ở vùng nông thôn nhiều, thì nạn nắng nóng, hạn hán càng đem tới nhiều tai họa. Thu nhập của nông dân vốn đã thấp lại bị thất bát mùa màng, gia súc chết do nắng nóng, thiếu nước, khiến cho cuộc sống của họ thêm khó khăn.

Ở nhiều nơi, do nắng nóng quá dữ dội và kéo dài, người ta đã phải bán đi đàn gia súc với giá rẻ, bỏ hoang đồng ruộng không canh tác, rời làng đi nơi khác kiếm cách sinh nhai.

Nói như các chuyên gia khí tượng thì do sự thay đổi xấu đi của thời tiết, nên tai họa sẽ vẫn lâu dài. Chỉ có điều, cách gì để khắc phục, giảm thiểu thiệt hại thì vẫn chưa tìm được câu trả lời.

Mỹ Hiền (Nguồn tham khảo: Reuteur AFP)