Biến vụn vải thành tác phẩm 'nghìn đô'
Đó là họa sĩ Trần Thanh Thục- người suốt 30 năm nay cứ âm thầm, bền bỉ tìm cho mình một lối đi trong nghệ thuật. Và bà đã dần định hình một lối riêng, dù nhỏ, nhưng đã để lại nhiều dấu ấn. Lối đi ấy mang tên “tranh cắt vải Trần Thanh Thục”. Từ những vụn vải nhỏ li ti, đủ các màu sắc, chất liệu, họa sĩ đã hoàn thành những tác phẩm cỡ lớn, có giá lên tới 1.000 đô la.
Họa sĩ Trần Thanh Thục bên tác phẩm “Phố Hội”.
1. Họa sĩ Trần Thanh Thục kể rằng, lúc đó bà còn ở quê Nam Định, một lần đến nhà người bạn làm thợ may chơi, thấy có những miếng vải vụn họa tiết sặc sỡ thừa ra liền lấy kéo cắt rồi ghép lên tấm bìa thành một bức tranh phong cảnh quê hương. Không ngờ, lúc đem về nhà được bố động viên, thế là tự nhiên trong lòng thấy thích thú với cách làm ấy. Từ đó, Trần Thanh Thục bắt đầu sưu tầm những mẩu vải vụn. Xưa, vải vóc còn hiếm, hoa văn cũng nghèo nàn, nhưng bạn bè, người thân ai đi đâu thấy có vải vụn cũng xin về cho Thanh Thục làm họa phẩm.
Bắt đầu như thế, với những bức tranh nho nhỏ (30x40cm), rồi niềm đam mê lớn dần. Đến nay, họa sĩ Trần Thanh Thục thường làm những bức tranh khổ lớn, có bức dài tới 1,2m. Và vụn vải thu gom đã không còn đáp ứng được những yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của họa sĩ, vì thế, bà thường phải đi nhiều nơi để tìm mua những mảnh vải có hoa văn, họa tiết, vân vải đẹp, phù hợp với ý tưởng của tác phẩm.
Họa sĩ Trần Thanh Thục cho biết, chất liệu và những họa tiết trong vải may áo dài thường rất hợp với tranh cắt vải của bà. Vì thế, nguồn “vật liệu” này cũng khiến bà khá tốn kém. Đó là chưa kể những chuyến đi xa, đi tới những vùng núi cao như Sa Pa, Bắc Hà, Đồng Văn, Mèo Vạc, Hội An, Huế…
Đi đến đâu, Trần Thanh Thục cũng mê đắm với các phiên chợ. Ở đó có những xấp vải rực rỡ sắc màu đang đợi bà, gợi ra những ý tưởng cho bà thể hiện, bên cạnh vẻ đẹp của thiên nhiên, của núi đồi sông suối và sự quyến rũ của những sắc màu văn hóa. Các chuyến đi của bà, vì thế, ngày một kéo dài, có khi là 10 ngày, có khi rong ruổi gần cả tháng trời. “Càng theo tranh vải, tôi càng phát triển ý tưởng, ý đồ sáng tạo, đòi hỏi phải tìm tòi, nghiền ngẫm và sử dụng nhiều chất liệu, sắc màu vải khác nhau, nên phải mua nhiều lắm, có khi mua cả tấm to nhưng chỉ dùng một miếng”, họa sĩ tiết lộ.
2. Vẫn chọn cho mình một công việc nhà nước để đảm bảo sự ổn định, song, gần 30 năm nay, họa sĩ Trần Thanh Thục vẫn bền bỉ với tình yêu của mình. “Hồi theo học Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, các kỹ thuật điêu khắc, vẽ tranh các chất liệu khác nhau tôi cũng đã đi qua cả. Ngay cả bây giờ, lâu lâu thấy “nhớ” thì tôi vẫn vẽ sơn dầu. Nhưng suốt 30 năm qua, trước sau tranh vải lại kéo tôi về”, họa sĩ Thanh Thục chia sẻ.
Một tác phẩm của họa sĩ Trần Thanh Thục.
Để tranh cắt vải giữ được độ bền, đẹp, họa sĩ Thanh Thục phải nhờ bạn mua từ nước ngoài một loại keo dán đặc biệt giúp tranh không bao giờ bị mốc hay đổi màu vải và vẫn đảm bảo sự tơ, mịn, bông, xốp của loại chất liệu đặc biệt này. PGS.NGND Lê Anh Vân từng nhận xét khi đứng trước những bức tranh cắt vải của Trần Thanh Thục: “Không một chi tiết nào thừa và không một chi tiết nào làm cẩu thả”.
Chiều 23/5, bà khai mạc phòng tranh “Đồng dao mùa hạ” cùng với một người bạn là họa sĩ Lê Tuấn Anh tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ở đó, bà bày gần 30 bức tranh cắt vải được sáng tác trong 2 năm qua. Những bức tranh trường cảnh, cho thấy năng lượng sáng tạo của họa sĩ khá dồi dào, đồng thời cho thấy một chất liệu ít người đam mê đã tạo thành những tác phẩm đặc sắc, ngợi ca thiên nhiên, tôn vinh những sắc màu văn hóa dân tộc. Đó là những cảnh sắc bình dị của làng Việt, hay sức quyến rũ của mùa tuyết rơi ở Lào Cai, ở Hà Giang…
3. Vừa làm vừa mày mò học hỏi, nhưng cũng chính vì thế, mà sự đam mê cũng mãnh liệt hơn. Thấy bức tranh còn “đói”, còn “đòi thức ăn” thì họa sĩ phải lao vào tìm kiếm “thức ăn” mà bức tranh đang cần. Thấy bức tranh đã “no”, họa sĩ lập tức dừng lại và kí tên vào tác phẩm.
Họa sĩ Thanh Thục vẫn còn nhớ, khoảng năm 2000, khi một cặp vợ chồng người Thụy Điển tìm đến mua tranh vải. Ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kì lạ của những bức tranh vải, vị khách nước ngoài chỉ tay hết bức nọ đến bức kia, cuối cùng đã mua hết những bức tranh mà bà đang treo trên tường nhà. Lúc bấy giờ, mấy ngàn đô có được từ việc bán tranh là một số tiền lớn với bà, song điều quan trọng nó đánh dấu một bước ngoặt, trở thành một nguồn động lực lớn.
Bây giờ, với những bức tranh trường cảnh, nhiều người yêu thích sẵn sàng trả họa sĩ cả nghìn đô la. Mà nói “nghìn đô” cho có vẻ, chứ thực ra, vài chục triệu đồng cho một tác phẩm tranh vải gửi gắm hồn vía đất nước, con người Việt Nam, chất chứa tâm huyết, trăn trở của họa sĩ trong cả tháng trời lao động cần mẫn, đó không phải là số tiền quá lớn. Mà họa sĩ Trần Thanh Thục vẫn tự trào, bà là người “đẻ thưa”. Bà không thể “đẻ mau”.
Mỗi năm chỉ làm hơn chục tác phẩm, cứ cặm cụi một mình chìm đắm trong vụn vải, không ai có thể giúp bà. Nhưng không vì thế mà bà cô đơn. Vì trên hành trình sáng tạo, bà đang đi trên một con đường, ở đó tràn ngập tình yêu với thiên nhiên, tràn ngập sự yên bình của cảnh sắc Việt Nam…