Cảnh báo nợ xấu
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng tính đến cuối thời điểm tháng 3/2016 là 2,62%. Nợ xấu dù vẫn ở ngưỡng cho phép dưới 3%, nhưng thực tế cho thấy đang trong xu hướng nhích nhẹ.
Cần thận trọng khi nợ xấu đang nhích lên. Ảnh minh họa.
Số liệu mới nhất do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cập nhật, tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng tính đến cuối thời điểm tháng 3-2016 là 2,62%. Trước đó, theo công bố của Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, tính đến ngày 31/12/2015 tỷ lệ nợ xấu là 2,55%. Như vậy, dù nợ xấu vẫn đang ở trong ngưỡng 3% nhưng con số 2,62% cho thấy, xu hướng nhích lên của nợ xấu.
Nợ xấu vẫn đang làm đau đầu nhiều ngân hàng, buộc các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều dẫn đến sụt giảm lợi nhuận. Tại ngân hàng TMCP Tiên Phong (Tienphongbank), theo báo cáo tài chính quý I/2016 mới được TPBank công bố, kết thúc quý I-2016, TPBank đạt gần 167 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước trích lập dự phòng, tăng gần 6% cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm gần 30% xuống còn hơn 93 tỷ đồng. Nguyên nhân là do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gấp hơn 3 lần cùng kỳ, ở mức gần 74 tỷ đồng.
Còn ngân hàng xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) nhập lãi thuần trong quý I-2016 đạt gần 922 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2015 (896 tỷ đồng). Hoạt động khác có lãi gần 7 tỷ đồng, giảm 36%. Tuy vậy, chi phí hoạt động trong kỳ của Eximbank tăng tới gần 40%, ở mức 662.5 tỷ đồng, kéo lãi thuần ghi nhận chỉ gần 368 tỷ đồng, giảm gần 32% cùng kỳ 2015 (538 tỷ đồng).
Chi phí dự phòng rủi ro của Eximbank tiếp tục ghi nhận cao đột biến, hơn 337 tỷ đồng khiến lãi ròng hợp nhất của ngân hàng chỉ còn gần 24 tỷ đồng, tương đương 6% so với thực hiện quý I-2015 (hơn 415 tỷ đồng). Nguyên nhân được chỉ ra là từ năm 2016, theo định kỳ hàng quý, Eximbank phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro tín dụng và dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt do VAMC.
NHNN cùng với các tổ chức tín dụng rốt ráo xử lý nợ. NHNN ra văn bản gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu. Chưa hết cơ quan này còn chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tại Chỉ thị số 02/CT-NHNN về tăng cường bảo đảm an toàn và tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu; kiểm soát, bảo đảm duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, bền vững, dưới 3% tổng dư nợ.
Thế nhưng, việc giải quyết nợ xấu vẫn còn nhiều vấn đề đáng lưu tâm. Trong năm qua, số nợ xấu đã được giải quyết chủ yếu thông qua bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Số nợ bán cho VAMC đến năm 2015 là 243.000 tỷ đồng, tăng so với mức 133.000 tỷ đồng của năm 2014. Mặc dù đã bán cho VAMC nhưng thực chất các ngân hàng vẫn phải trích dự phòng đầy đủ cho số nợ xấu này, do đó cần có giải pháp xử lý sớm số nợ VAMC đang nắm giữ, nếu không sẽ là gánh nặng tài chính lớn cho các ngân hàng.
Chuyên gia kinh tế Trương Văn Phước dẫn ví dụ: năm 2015 tốc độ tăng trưởng tín dụng 19%, tốc độ tăng trưởng huy động là 16%. Như vậy, tín dụng đã tăng hơn trong cơ cấu tổng tài sản, hỗ trợ khả năng sinh lời trong ngắn hạn. Tuy nhiên, việc tốc độ tín dụng tăng rất nhanh trong năm qua cũng là một điều cần cảnh báo về nguy cơ phát sinh nợ xấu.
Theo phân tích của ông Đặng Ngọc Đức - Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, hiệu quả của việc xử lý nợ xấu là phải biến số nợ xấu thành “tiền tươi, thóc thật” và trả lại cho các ngân hàng để cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh.