Doanh nghiệp nội - ngoại: Lỏng lẻo kết nối

Thanh Giang 24/05/2016 09:20

Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương nhận định: Khi nào mối liên kết giữa doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) và DN tư nhân bền chặt mới có thể tận dụng được hội nhập và phát triển trong tương lai. Thế nhưng, xem ra mối quan hệ giữa hai loại hình doanh nghiệp này còn khá lỏng lẻo…

Doanh nghiệp nội bị yếu thế trong phát triển với các quy định khắt khe. Ảnh: S.Xanh.

Gần “đèn” mà chưa sáng

So sánh thành công của DN FDI và DN trong nước nhiều quan điểm cho rằng, DN nội gần “đèn” – DN FDI mà chưa thấy sáng sủa hơn. 30 năm đổi mới và phát triển, có rất ít DN Việt lớn mạnh, đa phần là “thuyền thúng”. Ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin rằng, con số DN đăng ký đạt trên 600.000 DN, nhưng số đang hoạt động là 534.000 DN, trong đó có đến 97% là DN vừa và nhỏ có số lượng lao động và vốn, giá trị lợi nhuận thu được rất nhỏ. Trong 5 năm qua, số lượng DN giải thể và cả thành lập mới đều rất lớn. Mỗi năm, số lượng DN bổ sung thêm khoảng 17.000 DN và có 10.000 DN giải thể. Chính vì nhỏ bé và yếu sức không có chiến lược đầu tư bài bản, thiếu công nghệ hiện đại,… vì vậy, mỗi lần “thấy sóng cả là ngã tay chèo”.

Tức là, khi gặp khó khăn từ điều kiện khách quan DN thi nhau rớt rụng. Hội nhập kinh tế ngày càng đến gần song không ít ý kiến cho rằng, DN FDI lớn mạnh về mọi mặt nên hội nhập chủ động hơn, cơ hội đến gần với DN FDI hơn DN trong nước. Các chuyên gia kinh tế từng bức xúc việc mở cửa thị trường trong nước cho FDI, đồng nghĩa với việc hy sinh thị trường để đổi lấy công nghệ và khi đã có công nghệ thì sẽ lấy lại thị trường. Song, thực tế hoàn toàn khác xa với mong muốn. DN trong nước chưa tiếp cận được dây chuyền sản xuất công nghệ, chưa tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu cùng các DN FDI, mặc dù nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam rất nhiều.

Tăng cường mối liên kết

Vấn đề đặt ra hiện nay, cần tăng cường mối liên kết giữa FDI và DN tư nhân. Làm sao đó để kết nối hai thành phần kinh tế này với nhau và tạo ra sự lan tỏa về công nghệ, trình độ quản lý, chất lượng lao động… Khi nào mối liên kết này bền chặt mới có thể tận dụng được hội nhập và phát triển trong tương lai. Bà Victoria Kwakwa - Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương nhận định, DN FDI đang hội nhập rất nhanh nhưng DN khác có phần hạn chế, chậm chạp hơn. Điều này không bền vững cho nền kinh tế của Việt Nam. Muốn hưởng lợi từ hội nhập DN tư nhân phải tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ngay cả các ngành dệt may, da giày. “Tôi chia sẻ một ví dụ ở quy mô nhỏ là hỗ trợ cho ngành nông nghiệp để nông dân hoặc DN nội địa có thể kết nối với DN FDI. Đó là, DN FDI hỗ trợ nông dân học cách sản xuất ra các sản phẩm mà DN phân phối muốn, rồi xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Tuy nhiên, làm được điều này cũng cần cơ chế hỗ trợ” - bà Victoria Kwakwa khẳng định. Theo bà Victoria Kwakwa, hỗ trợ kết nối kéo dài nhiều năm. Nhà nước, DN FDI và DN tư nhân cũng phải xây dựng cơ chế hợp tác, đối tác để hội nhập tốt hơn.

Ông Jeffrey Pirie - Phó tổng Giám đốc phụ trách Dịch vụ Tư vấn Tài chính của Deloitte khu vực Đông Nam Á cho rằng: “DN Việt cần liên doanh, liên kết DN nước ngoài để chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, cần có cơ chế đối tác giữa Chính phủ - DN ngoại - DN nội để chia sẻ lợi ích chung”. Song song với sự liên kết trên nên điều kiện thuận lợi, công bằng trong môi trường đầu tư, tránh tình trạng quá thiên vị bằng các hình thức như: ưu đãi thuế thu nhập DN, thuế nhập khẩu, thuế đất… cho DN FDI mà bỏ quên đi trụ cột của nền kinh tế - DN nội.

Thanh Giang