Băn khoăn xét tuyển theo nhóm trường

Đoàn Xá 24/05/2016 11:10

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, mặc dù có lợi thế là hạn chế lượng thí sinh ảo nhưng việc xét tuyển theo nhóm trường khiến thí sinh bị động hơn. 

Đặc biệt, nhóm trường còn làm hạn chế khả năng chọn lựa của các thí sinh bởi nếu đã nộp hồ sơ vào một nhóm nào đó, rất khó để thí sinh có thể rút hồ sơ, nộp các nguyện vọng khác nếu có thay đổi gì. Ngoài ra, việc quyết định trường nào thuộc nhóm nào, có bao nhiêu trường nằm trong 1 nhóm để cùng tuyển sinh cũng là một vấn đề nan giải khi việc xét tuyển của các trường đã cận kề.

Là hình thức tuyển sinh hoàn toàn mới, có thể áp dụng đồng loạt ngay trong đợt tuyển sinh năm 2016 này, việc xét tuyển theo nhóm gồm nhiều trường có chung một số ngành học, chưa từng được áp dụng từ trước đến nay. Mặc dù đã được lãnh đạo ngành giáo dục, lãnh đạo các trường trấn an nhưng nhiều thí sinh, phụ huynh vẫn cảm thấy lo lắng, phân vân khi xét tuyển theo cách này. Câu hỏi được nhiều người đặt ra là tại sao phải xét tuyển theo nhóm, nhà trường hay thí sinh sẽ thuận lợi hơn khi xét tuyển theo phương thức này?

Một chuyên gia giáo dục cho rằng, xuất phát từ tình trạng cạnh tranh ngày càng gay gắt trong tuyển sinh gần đây khiến nhiều trường muốn xét tuyển theo nhóm. Cụ thể hơn, việc xét tuyển theo nhóm mang lại nhiều thuận lợi cho các trường, giúp các trường liên kết với nhau để tuyển sinh.

Theo đó, nếu một thí sinh nộp hồ sơ vào nhóm trường nào đó, khi không trúng tuyển, hồ sơ sẽ được tự động chuyển sang các trường khác, ngành khác thuộc nhóm trường đó. Ngoài ra, với lợi thế là gộp nhiều trường lại với nhau, cơ hội để thí sinh nộp vào nhóm sẽ tăng lên đáng kể so với việc tuyển sinh riêng biệt. Điều này khiến các trường nhỏ muốn liên kết, cạnh tranh bằng cách gộp lại để chiêu sinh.

Tuy nhiên, tiêu chí để xếp các nhóm trường, qua đó mang đến sự chọn lựa đúng đắn cho thí sinh hiện nay lại là một vấn đề nan giải. Theo đó, các trường nào sẽ đứng cùng nhóm với nhau cũng là một vấn đề rất lớn. Là các trường có địa lý gần nhau như cùng ở khu vực phía Nam, phía Bắc thì xếp cùng nhóm hay các trường khối ngành luật, ngành nhân văn, ngành xây dựng sẽ được xếp cùng nhóm với nhau.

Nếu xếp nhóm trường gần nhau về mặt địa lý thì sẽ khiến một thí sinh chọn lựa ngành luật băn khoăn khi nộp vào nhóm trường nào đó bởi nếu trượt nguyện vọng luật, thí sinh này sẽ không có cơ hội học ngành đó mà hồ sơ bị đẩy vào ngành khác cùng nhóm. Ngược lại, nếu xếp nhóm là khối các trường có ngành nghề giống nhau thì rất có thể thí sinh nộp hồ sơ ở trường ngoài Hà Nội nhưng sẽ bị đẩy vào học một ngành tương tự ở cùng nhóm thuộc TP HCM.

Đoàn Xá