Biểu tượng thất bại của EU trong xử lý khủng hoảng di cư
Chính quyền Hy Lạp đã bắt đầu một chiến dịch lớn nhất từ trước đến nay trong hôm 24/5 nhằm dẹp quang trại tị nạn bất hợp pháp của người di cư, nơi mà hàng nghìn di cư đã bị mắc kẹt trong suốt nhiều tháng qua ở khu vực phía Nam biên giới giữa nước này và Macedonia.
Cảnh sát chống bạo động Hy Lạp dẹp quang Idomeni,
khu vực tập trung người di cư bị mắc kẹt ở Hy Lạp (Nguồn: AP).
Báo giới và các nhà hoạt động đã bị cấm vào các khu vực này, tuy nhiên các nhân chứng kể lại rằng có khoảng 400 cảnh sát chống bạo động đã tiến vào khu vực trại để yêu cầu khoảng 8.000 người di cư rời khỏi đây. Nhiều người đã tự nguyện rời đi trên xe buýt mà chính phủ đưa tới nên không có tình trạng bạo lực xảy ra.
Được biết Idomeni là điểm trung chuyển không chính thức mà hàng trăm nghìn người di cư đã sử dụng để đi vào Macedonia hồi năm 2015. Những người di cư đã bắt đầu cắm trại tại đây kể từ khi chính phủ Macedonia đóng cửa biên giới đối với công dân của một số nước bắt đầu từ tháng 11 năm ngoái. Và khi vùng biên giới này bị đóng cửa hoàn toàn từ tháng Ba vừa qua, Idomeni đã trở thành một trại di cư khổng lồ, một biểu tượng của sự thất bại của châu Âu trong việc xử lý khủng hoảng di cư.
Chính quyền Hy Lạp trong nhiều tuần qua đã cố gắng chuyển người di cư từ Idomeni đến các trại hợp pháp mà họ xây dựng từ các căn cứ quân sự cũ. Nhưng nhiều người di cư không muốn rời khỏi bởi họ hy vọng rằng biên giới sẽ mở cửa trở lại, một số khác hy vọng sẽ vượt biên nhờ những kẻ buôn lậu, trong khi số còn lại rất lo sợ sẽ bị khóa chân bên trong các trung tâm tị nạn của chính phủ.
Theo một thỏa thuận của Liên minh châu Âu (EU) hồi giữa năm ngoái, người di cư sẽ được chuyển tới các nước khác ở châu Âu, nhưng đến nay các thành viên EU đã không thể làm đúng theo cam kết của họ.
Chính phủ Hy Lạp đã cam kết sẽ không sử dụng vũ lực khi dẹp quang trại Idomeni, nhưng nhiều người vẫn quan ngại bạo lực sẽ xảy ra.
“Nhìn giống như họ đang phải đi sơ tán vậy, nhưng tôi không biết họ sẽ làm như thế nào” - Vasilis Tsartsanis, một nhà hoạt động Hy Lạp có mặt ở Idomeni, nói với hãng tin AP - “Nhà chức trách có thể sẽ phải đe dọa để khiến toàn bộ người di cư rời khỏi đây”.
Tổ chức Bác sỹ không biên giới (MSF), vốn đã có sự hiện diện tại Idomeni suốt hơn 1 năm qua, thì khẳng định rằng không hề có tình trạng bạo lực xảy ra. “Quá trình này đến nay diễn ra một cách hòa bình, và dòng người cứ thế di chuyển khỏi đây”, ông Loic Jaeger, người đứng đầu MSF tại Hy Lạp, cho hay.
Tuy nhiên, ông Jaeger nói rằng quá trình sơ tán này đã cho thấy sự thất bại và không đoàn kết của châu Âu trong việc xử lý khủng hoảng di cư.
“Mọi người đều chỉ quan tâm đến việc có xảy ra bạo lực trong quá trình sơ tán hay không, nhưng đó không phải điểm mấu chốt” - ông Jaeger nói - “Vấn đề là ở chỗ đáng lẽ ra họ đã được ở trong một căn hộ chung cư đâu đó ở châu Âu: Có đến 8.000 người như vậy. Vậy tại sao người ta lại cho họ lên xe buýt để tới các trại tị nạn ở Hy Lạp khi châu Âu đã có cam kết khác hẳn?”.
Tình trạng ở Idomeni là vậy, nhưng đó không phải là nơi duy nhất mà người di cư phải chật vật. Đâu đó trên lãnh thổ Hy Lạp, vẫn còn khoảng 50.000 người di cư bị mắc kẹt kể từ hồi tháng Ba vừa qua, khi các quốc gia vùng Balkan tuyên bố đóng cửa một hành lang nhân đạo - một tuyến đường di chuyển giúp người di cư tìm đến các quốc gia như Đức hay Thụy Điển tỏng năm 2015.
Hiện nay, hàng nghìn người di cư vẫn phải sống hết sức khó khăn trong các trung tâm tạm giữ trên các hòn đảo của Hy Lạp, nơi đã xảy ra hàng chục cuộc tuyệt thực để phản đối về cách mà người di cư bị đối xử.
“Đây đã là ngày thứ bảy tôi tuyệt thực” - Wassim Omar, một giáo viên người Syria bị mắc kẹt trên đảo Chios, nói với The Guardian - “Chúng tôi không muốn sống ở đây chút nào”.
Rất nhiều người trong số cộng đồng di cư ở Hy Lạp mong muốn tới Đức bằng cách viện tới sự giúp đỡ của những kẻ buôn lậu. “Chúng tôi nghe nói ngày mai chúng tôi sẽ phải tới các trại tập trung”, Abdo Raja, một công dân Syria 22 tuổi ở Idomeni, nói với AP trước khi trại này bị dẹp: “Nhưng mục tiêu của tôi không phải là tới đó, mà là nước Đức”.
Tình trạng nhân đạo hết sức ngặt nghèo ở Hy Lạp, cộng thêm việc đóng cửa biên giới và nỗi lo bị trục xuất trở lại Thổ Nhĩ Kỳ, đã khiến cho số lượng người di cư đến Hy Lạp giảm trong các tuần gần đây, đó là một tin đáng mừng. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã bị coi là một quốc gia nguy hiểm, không phù hợp với người di cư. Điều này có nghĩa rằng, người di cư trở lại đó hoàn toàn có thể lại liều mạng vượt biển để quay lại Hy Lạp một lần nữa.