Xây dựng lòng tin
Trưa nay (25/5), Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Barack Obama sẽ rời Việt Nam kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức nước ta từ ngày 23 đến 25 tháng 5. Một Tuyên bố chung, nhất trí tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện theo hướng thực chất, sâu sắc, hiệu quả hơn vì lợi ích hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và thế giới đã được nguyên thủ hai nước thống nhất thông qua.
Ảnh minh họa.
Chuyến công du của ông Obama với một lịch trình bận rộn chính là vị Tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ tới thăm Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới của quan hệ song phương. Mỗi một chuyến thăm song phương giữa lãnh đạo hai nước kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ đều có điểm chung là tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác song phương vì sự thịnh vượng của hai bên.
Nhưng, với chuyến thăm lần này của Tổng thống Obama thông điệp thấy rõ của lãnh đạo cấp cao hai nước đó là, đưa quan hệ Đối tác toàn diện lên một tầm vóc mới, thực chất hơn, sâu sắc hơn và hiệu quả hơn.
Một sự kiện được nói đến nhiều nhưng cũng không thể không nhắc lại đó là việc, Tổng thống Obama trong hội đàm cũng như trong tiếp xúc song phương hay trong các cuộc gặp gỡ khác nhau đều nhắc đến việc phía Hoa kỳ quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, ông Obama nói với giới truyền thông và cho biết thêm: “Trong thời gian qua quan hệ giữa hai nước đã ngày càng sâu sắc hơn. Điều cá nhân tôi và thành viên trong đoàn cảm thấy ấn tượng là tất cả các công việc chúng ta đã làm với nhau trong nhiều lĩnh vực thì rõ ràng đã đến lúc chúng ta không nên duy trì một lệnh cấm nào nữa”.
Đương nhiên, việc dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam có thể coi là hai nước đã vượt qua rào cản lớn cuối cùng để đi đến bình thường hóa một cách thực chất quan hệ song phương. Nhưng, cũng cần nói thêm, dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí với Việt Nam, nước Mỹ chẳng thiệt hại gì mà còn có lợi một khi rào cản này được phá bỏ thì chính sách “tái cân bằng” và sự nhập cuộc của họ ở khu vực châu Á vì những mục đích kinh tế, chiến lược về chính trị sẽ dễ dàng hơn.
Dẫn chứng về việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí như là sự dỡ bỏ một nhân tố gây chia rẽ trong quan hệ giữa hai nước chúng ta thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực an ninh và quốc phòng trên cơ sở sự hiểu biết chung cũng như tôn trọng lẫn nhau; điều đó cũng có nghĩa, qua nỗ lực đối thoại, hợp tác hai bên đã ngày càng xích lại gần nhau hơn, hiểu nhau hơn và cởi mở hơn với nhau.
Vì thế, trong bài phát biểu với các giới tại Việt Nam hôm 24-5 về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, Tổng thống Mỹ đã nói đến biện pháp xây dựng lòng tin. Thông điệp này được nhắc đi nhắc lại trong nhiều phát biểu của ông Obama đủ cho thấy, nước Mỹ coi trọng quan hệ với Việt Nam đến thế nào!
Nói tới nỗi đau quá khứ khi nhắc lời Tổng thống Mỹ Jefferson: “Chiến tranh, ý tưởng dù cao đẹp đến đâu cũng mang lại đau đớn”. Và, ông thừa nhận, chiến tranh đã “ngăn cách” hai nước. Thực sự, chiến tranh là một phần không thể quên trong lịch sử quan hệ song phương. “Nỗi đau hiện diện ở nghĩa trang của Việt Nam, trên những bàn thờ của hàng triệu gia đình. Hơn 3 triệu người Việt đã thiệt mạng trong chiến tranh.
Tại Đài tưởng niệm tại Washington, chúng tôi cũng có 58.000 con người không bao giờ có thể trở lại quê hương” - Tổng thống Obama nói. Nhưng, đằng sau bài học về nỗi đau ấy chính là thông điệp về sự cởi mở hơn và cam kết sát cánh bên nhau để khắc phục những mất mát do chiến tranh đem lại. Nỗi đau mà ông Obama nói đến chính là sai lầm của thế hệ người Mỹ đi trước; mà một công dân lớn lên trong hòa bình có nhiệm vụ gỡ bỏ gánh nặng sai lầm này để vượt qua quá khứ hướng tới tương lai.
“Thế hệ trước đến đây để chiến đấu nhưng thế hệ sau đến đây để giúp đỡ cho sự phát triển”- ông Obama nói và nhấn mạnh, cách duy nhất để gỡ bỏ gánh nặng quá khứ chính là tạo dựng lòng tin trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Với vị Tổng thống Mỹ này đó là “niềm tin vào tình hữu nghị” và việc xây dựng nền tảng vững chắc hơn cho quan hệ hai nước.
Thực ra, quá khứ quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ có những khoảng lặng; có những khoảng sáng và khoảng lặng của quá khứ chính là cái để ta soi vào mà định hướng cho tương lai tốt đẹp hơn. Tương lai ấy không phải chỉ dành cho các thế hệ người Việt Nam mà nó cũng rất cần cho các thế hệ người Mỹ, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đương nhiên, những người trẻ lớn lên trong hòa bình sẽ có thể khỏa lấp nỗi đau quá khứ hướng đến tương lai một cách dễ dàng hơn; là đối tượng được nhắc đến nhiều trong phát biểu của ông Obama vào hôm qua- một thông điệp được truyền đến một đối tượng công chúng khá đặc biệt, cho thấy nước Mỹ thực sự đang muốn đầu tư nhiều hơn cho tương lai.
Và, hướng tới tương lai từ quá khứ đau buồn mà cả hai dân tộc cùng trải qua, giờ đây, người Mỹ hiểu rõ, sẽ khó có hợp tác toàn diện, đem lại lợi ích cao nhất cho bản thân khi chỉ một mình một đường thẳng tiến. Có lẽ cũng vì vậy mà những từ như niềm tin, sự bình đẳng được ông Obama nhắc đến từ kinh nghiệm thực tế của một quá trình dài lâu trong bình thường hóa quan hệ; trong khi không quên khẳng định “Việt Nam là một nước có chủ quyền độc lập và không có quốc gia nào khác có thể áp đặt lên ý chí của người dân Việt Nam.
Độc lập, chủ quyền ấy do người dân Việt Nam quyết định. Và Mỹ rất quan tâm đến sự thành công của đất nước Việt Nam”- Tổng thống Obama nói. Dù có thể có những cách hiểu khác nhau nhưng rõ ràng, việc khẳng định như thế trong một bài phát biểu truyền đi khắp thế giới một lần nữa cho thấy sự coi trọng vai trò của Việt Nam trong một cấu trúc khu vực đang định hình.
Nhà lãnh đạo Mỹ đã lẩy Kiều của đại thi hào Nguyễn Du: “Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi” làm lời kết cho bài phát biểu của mình.