Mua vàng trang sức: Khách hàng đang bị 'móc túi'?
Một sản phẩm vàng trang sức tại TP Cần Thơ được kiểm định có hàm lượng vàng là 65%, nhưng về tỉnh Bình Dương kiểm định còn 63% và thậm chí đến TP Hồ Chí Minh chỉ còn 61%. Ông Nguyễn Thành Long chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam nhận định chất lượng vàng trang sức hiện nay có nhiều bất cập.
Chất lượng vàng trang sức chưa đồng nhất.
Một sản phẩm, ba chất lượng
Để quản lý đo lường kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức mỹ nghệ lưu thông trên thị trường, Bộ Khoa học – Công nghệ đã ban hành thông tư 22/2013 (TT 22). Nhắc lại một nội dung trong thông tư được rất nhiều người chú ý: kể từ 1-6-2014, hàm lượng vàng trong trang sức, mỹ nghệ vàng 24k không nhỏ hơn 99,9%, 20k không nhỏ hơn 83,3%, 18k không nhỏ hơn 75%...
Giới hạn sai số của kết quả thử nghiệm xác định hàm lượng vàng trong sản phẩm vàng trang sức mỹ nghệ như sau: vàng có hàm lượng từ 99,9% trở lên là 0,1%, vàng hợp kim có hàm lượng từ 80% đến dưới 90% là 0,2%, vàng hợp kim có hàm lượng dưới 80% là 0,3%; vật liệu hàn bằng hợp kim vàng nếu có sử dụng phải có độ tinh khiết tối thiểu tương đương với hạng được công bố của sản phẩm vàng trang sức...
Và hiện nay chất lượng vàng trang sức được lưu thông trên thị trường như thế nào? Việc gian lận tuổi và độn tạp chất vào trong vàng trang sức đã được quản lý?
Người trong cuộc, ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng nhấn mạnh: tình trạng gian lận tuổi vàng, thiết bị cân đo không đạt chuẩn vẫn còn khá phổ biến.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng vẫn than thở rằng, vàng trang sức, mỹ nghệ rất khó lưu thông từ tỉnh, thành này sang tỉnh, thành khác vì việc đánh giá chất lượng vàng vẫn chưa thực sự đồng nhất.
Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam đưa dẫn chứng, một sản phẩm vàng trang sức tại TP Cần Thơ được kiểm định có hàm lượng vàng là 65%, nhưng về tỉnh Bình Dương kiểm định còn 63% và thậm chí đến TP Hồ Chí Minh chỉ còn 61%. Như vậy, cùng một sản phẩm nhưng cho ra đến 3 chất lượng khác nhau, và không biết chất lượng nào đúng chuẩn? Và sai số trong công bố hàm lượng vàng là từ 1-3%, gấp 10 lần so với quy định được ghi ở thông tư 22, sai số 0,1-0,3%
Trưa 24/5, PV có mặt tại phố vàng Trần Nhân Tông để tìm mua khuyên tai, nhân viên tại cửa hàng vàng Bảo Tín - Minh Châu giới thiệu các loại mẫu mã và khẳng định: các thông số khác rất đầy đủ.
Thế nhưng, thực tế hiện nay, các sản phẩm vàng nữ trang mà các doanh nghiệp vàng lớn bày bán trên thị trường ghi theo hàm lượng của cơ sở sản xuất, người tiêu dùng khó biết có đạt quy chuẩn hay không. Với tình trạng mua vàng một một nơi nhưng đưa đi kiểm tra cơ sở khác, lại cho một kết quả khác nhau như hiện nay chỉ có người tiêu dùng thiệt.
Theo ông Nguyễn Thành Long, chất lượng của thiết bị kiểm định tuổi vàng của phần lớn các doanh nghiệp đang có vấn đề, và cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng “mua ở đâu, bán ở đó”.
Đủ chiêu móc túi người tiêu dùng
Trong thời gian hai năm trở lại đây thị trường vàng khá trầm lắng. Nhu cầu vàng không còn cao như trước, cảnh xếp hàng mua vàng, bán vàng nhưng nhu cầu mua vàng trang sức vẫn luôn có. Thế nhưng để lựa chọn được một sản phẩm vàng đúng chất lượng hay không rất khó với khách hàng. Khách hàng chỉ có thể tin vào bảng công bố chất lượng do chính nhà vàng cung cấp.
Ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, một tỷ lệ ăn chênh lệch tuổi vàng bất thành văn là 64% - 68% - 75%, tức đơn vị sản xuất vàng 64% nhưng đến doanh nghiệp kinh doanh là 68% và tiệm vàng bán sản phẩm này ra với giá vàng 75%.
Với cách thức gian lận này, khách hàng tin vào nhà vàng nhưng thực ra không biết mình đang bị móc túi.
Cũng theo quan điểm của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, việc quy định thủ tục để xin Giấy chứng nhận chỉ định thử nghiệm vàng cũng rất phức tạp, gây khó khăn và tốn nhiều thời gian, chi phí cho các doanh nghiệp, trái ngược với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc loại bỏ giấy phép con không cần thiết.
Vì vậy, việc xem xét sửa lại quy định nói trên theo hướng cho các doanh nghiệp đăng ký dịch vụ thử nghiệm vàng với cơ quan quản lý Nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề này là rất cần thiết.
“Người tiêu dùng luôn có tâm lý chất lượng vàng trang sức là lĩnh vực mà người mua luôn bị ép và bị lừa; còn người bán là những doanh nghiệp thì giàu lên từng ngày là bởi vì thị trường này hiện chưa được quản lý chặt. Các cơ quan quản lý Nhà nước dù đã nhiều lần vào cuộc kiểm tra đành bó tay vì không xử lý được. Nguyên nhân là chính sách không minh bạch, rõ ràng. Chẳng hạn trong các tiêu chuẩn quốc gia về vàng, có tới 17 tiêu chuẩn và được chọn đến 4 phương pháp thử. Do vậy, khi kiểm tra ai cũng đúng theo công bố chất lượng vì có quá nhiều cách lách. Do đó, Bộ khoa học và Công nghệ cần phải can thiệp ngay bằng những quy định cụ thể, chi tiết về tiêu chuẩn chất lượng vàng trang sức, vàng mỹ nghệ trên thị trường Việt Nam” - ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP HCM. H.Minh |