Không nhận được quyết định thu hồi đất: Người dân tiếp tục kháng cáo
Báo Đại Đoàn Kết số ra ngày 7/5 có bài “Lại bác đơn dân kiện Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa”, nêu việc TAND tỉnh Khánh Hòa mở phiên tòa hành chính sơ thẩm xét xử vụ người dân kiện Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, UBND huyện Cam Lâm (Khánh Hòa). Tuy nhiên, tới nay ông Huỳnh Trung Duy, nguyên đơn trong vụ kiện cho biết tiếp tục làm đơn kháng cáo lên Tòa án cấp cao Đà Nẵng.
Phiếu thu tiền của UBND xã EaPhê vẫn được ông Ba giữ 21 năm nay.
Nhắc lại, vợ chồng ông Huỳnh Trung Duy (trú tại phường Tân Lập, TP Nha Trang) khởi kiện Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Chủ tịch huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) và UBND huyện Cam Lâm ra tòa hành chính với yêu cầu Tòa xem xét, hủy bỏ quyết định về việc thu hồi đất, phương án bồi thường, điều chỉnh và phê duyệt phương án bồi thường cũng như hai quyết định giải quyết khiếu nại của UBND hyện Cam Lâm và UBND tỉnh Khánh Hòa đối với việc thu hồi đất của gia đình ông tại Bắc bán đảo Cam Ranh.
Theo đơn của ông Duy, vợ chồng ông có hơn 43.800m2 tại Bắc bán đảo Cam Ranh đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2007. Ngày 31/7/2008 UBND tỉnh Khánh Hòa đã cấp cho một doanh nghiệp làm dự án khu du lịch và Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Cam Lâm đứng ra thực hiện bồi thường, giải tỏa để thu hồi đất cho doanh nghiệp. Ông Duy không đồng ý với mức bồi thường và cho rằng giá bồi thường không đúng quy định luật pháp hiện hành.
Ngày 17/3/2014, Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm đã ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 337/QĐ-UBND (QĐ 337) bác toàn bộ đơn khiếu nại của ông Duy. Ông Duy tiếp tục khiếu nại QĐ 337 và Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa giải quyết bằng Quyết định giải quyết khiếu nại số 1730/QĐ-UBND ngày 30/6/2015 (QĐ 1730) bác đơn khiếu nại của ông Duy và giữ nguyên QĐ 337. Không đồng ý với cách giải quyết tại các QĐ 337, QĐ 1730 của UBND huyện Cam Lâm và UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Duy đã khởi kiện yêu cầu hủy các quyết định này.
Ông Duy cho biết, trước khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra, sau khi yêu cầu cung cấp hồ sơ thì ông mới được Tòa cung cấp các quyết định thu hồi đất của gia đình ông và các quyết định phê duyệt phương án bồi thường…Ông Duy bức xúc tại sao đất nhà mình bị thu hồi mà UBND huyện Cam Lâm lại không cho mình biết các quyết định này. UBND huyện Cam Lâm thu hồi cho một dự án không còn tồn tại (chủ đầu tư dự án là Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn đã được đổi tên thành Công ty cổ phần Sài Gòn - Cam Ranh)...
Thủ tục thu hồi đất bằng QĐ 603 và giá đất bồi thường, hỗ trợ tại các QĐ 649, QĐ 1181 cũng như kết quả giải quyết khiếu nại tại các QĐ 337 và QĐ 1730 là không đảm bảo quyền lợi chính đáng cho gia đình ông, nên ông Duy đã yêu cầu hủy bỏ các quyết định này.
Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã hỏi đại diện UBND huyện Cam Lâm vì sao các Quyết định 603, 649 và 1181 được UBND huyện Cam Lâm ban hành mà không gửi cho người bị thu hồi đất mà cụ thể là ông Duy thì đại diện UBND huyện Cam Lâm trả lời đã gửi theo đường bưu điện.
Tuy nhiên, chính ông Duy đã xác nhận hầu như các giấy mời thì ông nhận được, còn các Quyết định này ông chưa từng được thấy cũng như UBND huyện Cam Lâm chưa một lần cung cấp cho ông. Về ý kiến Viện Kiểm sát, rằng vì sao đất của họ bị thu hồi mà các ông lại không mời người ta đến nhận quyết định trong lúc luật quy định như vậy, đó là cả một tài sản của người ta sao chỉ gửi qua bưu điện mà các giấy tờ để gửi bưu điện còn giữ lại không, thì đại diện UBND huyện Cam Lâm chỉ trả lời là do quá lâu rồi nên không còn lưu lại.
Đại diện của UBND huyện Cam Lâm cũng giải thích, trường hợp của ông Duy không đủ điều kiện để cấp đất tái định cư vì diện tích thu hồi là đất nông nghiệp, không có nhà ở và không thuộc trường hợp phải di chuyển chỗ ở. Việc thay đổi chủ đầu tư dự án từ Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn sang Công ty cổ phần Sài Gòn - Cam Ranh được đại diện UBND huyện cho là đúng pháp luật, không ảnh hưởng đến việc thu hồi đất của ông Duy.
Xung quanh vụ việc, có một điều mà ông Duy cũng như dư luận quan tâm là giá đất của ông được huyện Cam Lâm áp giá lần đầu đã cao hơn giá thị trường là 1,5 lần, nhưng khi ông liên tục khiếu nại thì được cấp chính quyền nâng lên 2,5 lần và tại phiên tòa ngày sơ thẩm ngày 6/5/2016 thì thẩm phán là bà Bùi Thị Nghĩa có “nhã ý” thương lượng “giúp” tăng mức bồi thường lên 5 lần nhưng ông Duy đã khước từ.
Dư luận trông chờ vào sự làm rõ, phán quyết tại phiên tòa phúc thẩm tới đây.