Mạnh tay với hóa chất độc hại
Tình trạng hóa chất độc hại công nhiên bày bán tràn lan tại chợ Kim Biên, TP Hồ Chí Minh, đã và đang tiếp tục đe dọa đến tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng. Hiện người tiêu dùng luôn đứng trước sự ám ảnh từ việc rất nhỏ như mua cho trẻ cục kẹo, đồ chơi đến việc lớn là thực phẩm các loại cho gia đình. Lo là bởi nguy cơ hóa chất độc hại tồn tại trong nhiều loại hàng hóa thiết yếu không thể không mua.
Một cửa hàng hóa chất tại “chợ tử thần” Kim Biên.
Còn nhớ, mùa bánh trung thu năm ngoái cơ quan chức năng phát hiện hàng tấn nhân bánh có hóa chất độc hại. “Sởn tóc gáy” hơn nữa, đây là của một thương hiệu bánh có uy tín đã bao năm! Gần đây lại nghe nói việc phát hiện loại chất cấm mới gọi là “vàng ô” được trộn trong thức ăn chăn nuôi.
Chất này vốn chỉ được sử dụng trong công nghệ nhuộm vải sợi và xây dựng, không được sử dụng trong chế biến thực phẩm hay chăn nuôi. Nó có khả năng gây bệnh ung thư cho người ăn thịt gia súc gia cầm một khi những con vật này được nuôi với chất đó.
Thời gian rất gần đây, qua kiểm tra, cơ quan quản lý thị trường TP HCM phát hiện 3 cơ sở hoạt động chui, tức là không có bất cứ giấy phép nào về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hơn 40 tấn măng ngâm hóa chất bị tạm giữ, trên nhãn phụ dán ngoài thùng hóa chất có hình ảnh cảnh báo nguy hiểm, cùng khuyến cáo… “yêu cầu hỗ trợ y tế khi nuốt phải”. Kể cả hạt bắp rang xay trộn hóa chất tạo mùi thành cà phê “bẩn” khi được phanh phui càng làm người dân lo lắng.
Thực tế thì sự hoành hành của hóa chất độc hại đang tấn công người tiêu dùng một cách thầm lặng. Và trách nhiệm về những thứ “vũ khí giết người thầm lặng” này thuộc về những ai? Theo ông Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP HCM, nguyên nhân của tình trạng trên là do các đơn vị, cá nhân vì ham lợi nhuận nên mua hóa chất về sử dụng tùy tiện, sử dụng vượt mức giới hạn trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, chế biến, tẩm ướp cho thực phẩm dẫn đến nguy cơ về an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Người kinh doanh cũng vì tham lợi nhuận, chỉ cốt đáp ứng nhu cầu của người mua, không cần biết mục đích của người mua nên bất chấp quy định pháp luật để tiếp tay và tiêu thụ hóa chất nhập lậu, không nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng, hóa chất độc hại, hóa chất thuộc danh mục cấm, cùng đó là việc bán hàng không xuất hóa đơn để trốn tránh việc truy xuất nguồn gốc nơi bán khi có sự cố xảy ra.
Nhận định này của cơ quan chức năng là đúng nhưng thực ra chẳng có ý nghĩa gì nếu việc quản lý hóa chất vẫn bị thả lỏng. Bộ Y tế đã có Thông tư về việc quy định thủ tục đăng ký, ban hành danh mục hóa chất được phép dùng làm phụ gia thực phẩm. Tuy nhiên trên thực tế Thông tư chỉ có tính hành chính và khuyến cáo.
Trong khi tại TP HCM từ lâu đã tồn tại hẳn một cái chợ gọi là “chợ hóa chất”. Đã có vụ việc liên quan đến hành vi gây tội ác, liên quan đến thực trạng mua bán hóa chất chợ Kim Biên. Tại đây đã có một nhóm nữ sinh tới mua a-xít về tạt một bạn học. Các em khai ra chợ hỏi mua và trả tiền như mua kẹo!
Với loại mặt hàng có khả năng gây nguy cơ trên nhiều lĩnh vực là hóa chất và tình hình sử dụng tràn lan diện rộng như hiện nay cần xem lại cách quản lý. Trước hết, cái rối hiện nay là có quá nhiều ngành cùng làm chung công việc quản lý hóa chất, tình trạng chồng chéo, đùn đẩy với những cuộc họp liên ngành rất mất thời gian và kém hiệu quả là không thể tránh khỏi.
Về vấn đề này, thiết nghĩ ngành khoa học - công nghệ mới đủ năng lực để phân loại, lập danh bản về tính năng, bảo quản và sử dụng. Nên chăng, giao quyền “tư lệnh” cho các sở khoa học - công nghệ, các ngành khác như quản lý thị trường, thanh tra, nông nghiệp và phát triển nông thôn giữ vai trò phối hợp trong thi hành? Quản lý theo một đầu mối là một đề nghị cần được xem xét.
Việc củng cố lại các quy định về kinh doanh hóa chất, qua những “lời than thở” của các cơ quan liên quan, rõ ràng đang có tình trạng mình trói chân mình trong quản lý kinh doanh hóa chất. Tôn trọng tự do kinh doanh nhưng rất cần có cơ chế siết chặt đối với những mặt hàng có nguy cơ bị lạm dụng, gây tác hại cho xã hội, nhất là ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe người dân.
Sự bất cập quản lý hiện nay, đó là biện pháp chế tài xử phạt vẫn chưa phù hợp với tính chất vi phạm của những kẻ bất chấp sinh mạng người dân chỉ chạy theo lợi nhuận bất chính. Xin đưa ra một con số của ngành chức năng tại TP HCM. Từ năm 2013 đến nay, Chi cục Quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra chuyên ngành 9 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 9 vụ với số tiền 35,3 triệu đồng.
Trong từng ấy thời gian, chỉ phát hiện 9 vụ sử dụng hóa chất độc hại trong thực phẩm mà chỉ phạt bình quân 4 triệu/vụ, thử hỏi làm sao đủ sức răn đe những kẻ vi phạm bị cám dỗ bởi lợi nhuận? Sự tổn hại sức khỏe biết bao người tiêu dùng đã phơi bày bất cập chính là biện pháp chế tài dường như thân thiện với những kẻ vi phạm kinh doanh, sử dụng hóa chất độc hại. Rõ ràng, để đương đầu quyết liệt với vấn nạn hóa chất độc hại tràn lan, cần cơ chế trách nhiệm quản lý phù hợp và biện pháp chế tài mạnh tay.
Tiếp sau chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng, ngày 23/5, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến đã chủ trì cuộc họp về giải pháp xử lý tình trạng buôn bán hóa chất độc hại tại khu vực chợ Kim Biên (quận 5). Được biết, trên toàn thành phố có 600 đơn vị, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh hóa chất. Tại chợ Kim Biên (quận 5) có 16 hộ cá thể kinh doanh hương liệu, bột màu, bơ sữa, phụ gia thực phẩm. Còn xung quanh chợ có 93 cơ sở kinh doanh hóa chất công nghiệp, hương liệu, phụ gia thực phẩm đang hoạt động. Đẻ giải quyết, UBND thành phố đã giao Sở Công thương xây dựng tiêu chí, báo cáo thành phố sớm để kêu gọi đầu tư. Chậm nhất là 20-6 phải hoàn thành đề án di dời “chợ tử thần”. Lãnh đạo TP HCM cũng đưa ra giải pháp quản lý đối với các loại hóa chất đặc biệt (như axit), khi người dân mua phải xuất trình chứng minh nhân dân, nêu mục đích sử dụng. Còn người bán không chấp hành, nếu xảy ra vấn đề phạm pháp hình sự, người gây án khai báo thì người bán phải chịu tránh nhiệm. Cùng đó, sẽ xử lý nặng các hành vi xây dựng kho hóa chất trong khu dân cư. |