LHQ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ
“Để hợp tác, để phát huy tiềm năng lớn nhất của MTTQ và LHQ, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ Việt Nam trên các lĩnh vực mà hai bên quan tâm” bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam đã khẳng định như vậy trong cuộc làm việc với Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân về thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ tại Việt Nam vào chiều 25/5, tại Hà Nội.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân tiếp bà Pratibha Mehta, Điều phối
viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tich Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ vui mừng được tiếp bà Pratibha Mehta, đồng thời khẳng định, Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của LHQ. Việt Nam tích cực tham gia xây dựng Chương trình nghị sự đến năm 2030 vì phát triển bền vững, trong đó có các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trên 3 trụ cột của phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và môi trường.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, trong thời gian qua, MTTQ Việt Nam đã tích cực tham gia trong việc đảm bảo nâng cao cuộc sống người dân tham gia phát huy dân chủ, hỗ trợ phát triển kinh tế.
Cụ thể, Mặt trận đã phát động thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh” trên cơ sở kế thừa hai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người người nghèo” bên cạnh việc giảm nghèo cũng sẽ chú trọng đến đời sống văn hóa, trật tự trị an, an toàn xã hội.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân tại buổi tiếp
bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Cùng với đó để hội nhập và cạnh tranh thắng lợi rất cần huy động sáng kiến của đội ngũ trí thức, kỹ sư của hệ thống các trường đại học để hình thành sản phẩm quốc gia, MTTQ Việt Nam đang triển khai một phong trào thi đua đoàn kết sáng tạo nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế.
Đề cập đến việc phát huy dân chủ, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết, để góp phần làm cho chính quyền lắng nghe và đáp ứng yêu cầu của nhân dân, MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Bộ Nội vụ và các đoàn thể chính trị xã hội triển khai đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của hệ thống chính quyền. Qua kết quả thực hiện sẽ tiếp tục triển khai rộng rãi hơn và hướng tới có phương án đánh giá sự hài lòng qua điện thoại di động.
Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam cũng sẽ tiếp tục có báo cáo định kỳ kiến nghị của nhân dân nhằm phản ánh những kiến nghị của người dân đối với tình hình đất nước và các chính sách của Nhà nước đối với hoạt động của bộ máy công quyền.
Quảng cảnh buổi tiếp.
Trao đổi về những cơ hội của Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ trong đó đặc biệt cần nắm bắt những cơ hội từ quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng.
Để đem lại thu nhập bền vững cho người lao động, người đứng đầu Mặt trận cho hay, phải phát triển doanh nghiệp mới. Hiện nay Việt Nam mới có nửa triệu doanh nghiệp và vẫn còn thiếu nửa triệu doanh nghiệp nữa. Về phía Chính phủ Việt Nam cùng với VCCI, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã có đề án khởi sự doanh nghiệp để Việt Nam có thể đạt tới 1 triệu doanh nghiệp.
“Rất mong LHQ có thể chia sẻ kinh nghiệm giúp đỡ Việt Nam trong vấn đề này”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.
Người đứng đầu Mặt trận cũng bày tỏ mong muốn LHQ chia sẻ những sáng kiến, hỗ trợ Việt Nam trong việc kết nối giữa nhà trường, doanh nghiệp để hình thành thị trường lao động năng động và thích ứng với nhu cầu của doanh nghiệp tốt hơn.
Đối với những khó khăn mới xuất hiện do biến đổi khí hậu như hạn hán và xâm nhập mặn, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể đã có chương trình cụ thể để hỗ trợ nhân dân đảm bảo có nguồn nước, cũng như có phương thức canh tác cho phù hợp.
Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc
tại Việt Nam và Đoàn công tác trong buổi làm việc với Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân.
Từ những nội dung trao đổi giữa hai bên, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị LHQ tiếp tục quan tâm hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển các HTX vì nếu không có HTX thì từng hộ nông dân đơn lẻ sẽ không có sức lực cạnh tranh trong kinh tế thị trường.
“Trong thời gian tới hai bên có thể phối hợp tổ chức các cuộc tọa đàm về thích ứng với biến đổi khí hậu qua đó LHQ có thể giới thiệu những kinh nghiệm quốc tế để trên cơ sở đó Việt Nam sẽ có hội nghị toàn quốc về những mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất và đời sống. Việt Nam cũng sẽ hợp tác với các cơ quan liên quan của LHQ như UNDP, UNICEF trong việc xây dựng báo cáo về sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp với sự phục vụ của bộ máy công quyền”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.
Theo bà Pratibha Mehta các vấn đề mà Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nêu đều phù hợp với chiến lược LHQ đang xây dựng.
Bà Pratibha Mehta cho biết, kế hoạch sắp tới của LHQ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững sẽ giúp Việt Nam bao gồm cả Chính phủ và người dân nhằm đảm bảo tất cả các thành phần đều được hưởng lợi từ việc thực hiện các mục tiêu trong 15 năm tới.
Bà Pratibha Mehta cho rằng, MTTQ đóng vai trò quan trọng trong việc huy động sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân, giúp người dân nâng cao nhận thức và hiểu sâu sắc các mục tiêu phát triển bền vững, góp phần thực thi để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó khuyến khích sự giám sát của người dân về việc này để các mục tiêu phát triển bền vững mang lại lợi ích cho toàn xã hội.
Nhấn mạnh sáng kiến đo sự hài lòng của người dân với sự phục vụ của các cơ quan nhà nước hay phản ánh của người dân về các dịch vụ hành chính công qua điện thoại di động mà MTTQ đã thực hiện có ý nghĩa rất quan trọng, cùng với thực hiện đánh giá về hiệu quả của quản trị và hành chính công PAPI mà LHQ phối hợp thực hiện thời gian qua, bà Pratibha Mehta cho rằng cần tiếp tục thực hiện mở rộng, phát triển các hoạt động này, đồng thời thực hiện nhiều sáng kiến khác để thu thập được những ý kiến phản hồi của công dân và sử dụng chúng cho việc lập các kế hoạch, hoạch định chính sách cho mục tiêu phát triển bền vững...
Liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu mà Việt Nam đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán và xâm nhập mặn, bà Pratibha Mehta cho biết LHQ ưu tiên phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường để cứu trợ khẩn cấp với các vùng bị hạn hán và xâm nhập mặn.
Bà Pratibha Mehta khẳng định, cần có những thay đổi với cách đối phó vì tình hình xâm nhập mặn sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Đây là lĩnh vực mà hai bên cần quan tâm hợp tác để huy động sự tham gia của các nhà khoa học với sự phối hợp có sự can thiệp của cộng đồng để qua đó có phát huy sáng kiến mọi người, doanh nghiệp tư nhân quan tâm để cùng đẩy lùi hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
“Để hợp tác với nhau, để phát huy tiềm năng lớn nhất của MTTQ và LHQ, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ Việt Nam trên các lĩnh vực mà hai bên quan tâm” bà Pratibha Mehta khẳng định.
Anh Vũ
Ảnh: Hoàng Long