Từ 1/7, Luật Tố tụng hình sự mới có hiệu lực: Ngăn chặn tội phạm hiệu quả hơn
Bắt đầu từ 1/7, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 chính thức có hiệu lực thi hành. Theo quy định mới, việc bắt khẩn cấp kẻ tình nghi của cơ quan CSĐT không cần phải có sự phê chuẩn của Viện KSND cùng cấp. Theo đó, CQĐT được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn tội phạm.
Mở rộng thẩm quyền
Theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 81 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, một người bị tình nghi chỉ có thể bị bắt khẩn cấp khi xét thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở mà cần phải ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ. Song, ở Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, tại Điểm c, Khoản 1, Điều 110 đã được nới lỏng điều kiện: Được phép bắt khẩn cấp nếu có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.
Đối tượng có thẩm quyền ra lệnh bắt khẩn cấp người bị tình nghi thực hiện việc phạm tội cũng đã được Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 mở rộng hơn Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành rất nhiều. Cụ thể, tại Điểm b, Khoản 2, Điều 81 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành chỉ giới hạn người được phép ra lệnh bắt khẩn cấp gồm: Chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn và tương đương; chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới.
Còn tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, ngoài những người đã được luật hiện hành quy định, đối tượng có thẩm quyền ra lệnh bắt khẩn cấp đã được mở rộng thêm: Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực truộc trung ương, Cục trưởng Cục Trinh sát biên phòng Bộ đội biên phòng, Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng; Tư lệnh vùng lực lượng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật lực lượng Cảnh sát biển, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy lực lượng Cảnh sát biển; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng.
Kịp thời ngăn chặn tội phạm
Tại Khoản 4, Điều 81 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành yêu cầu lệnh bắt khẩn cấp do bất cứ người có thẩm quyền nào quyết định cũng phải được sự phê chuẩn của Viện KSND: “Trong mọi trường hợp, việc bắt khẩn cấp phải được báo ngay cho VKS cùng cấp bằng văn bản kèm theo tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp để xét phê chuẩn. VKS phải kiểm sát chặt chẽ căn cứ bắt khẩn cấp, trong trường hợp cần thiết phải trực tiếp gặp, hỏi người bị bắt trước khi xem xét, quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn...”
Sự lệ thuộc hành chính này đôi khi dẫn đến việc bỏ lỡ thời cơ điều tra phá án, không tránh khỏi việc có thể bỏ lọt tội phạm nếu như quyết định bắt khẩn cấp không được VKS phê chuẩn, hoặc quá 12h theo quy định của pháp luật. Song, ở Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, nhược điểm nói trên đã được khắc phục. Khi hội tụ đủ yếu tố theo quy định của luật, người có thẩm quyền ra lệnh bắt khẩn cấp mà không cần sự phê chuẩn của Viện KSND cùng cấp. Quy định này đã tạo cho cơ quan có thẩm quyền thêm thời gian tập trung làm rõ hành vi của người bị tình nghi có dấu hiệu tội phạm hay không.
Vẫn kiểm soát được quyền lực
Cũng có ý kiến lo ngại rằng, việc Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành quy định tất cả các lệnh bắt, giữ, giam... đều phải có sự phê chuẩn của Viện KSND cùng cấp là tránh sự lạm quyền, dẫn đến gây oan, sai cho người vô tội. Nếu bây giờ cho phép người có thẩm quyền ra lệnh bắt khẩn cấp mà thiếu đi sự giám sát của VKS liệu có dung dưỡng cho sự lạm quyền, nhũng nhiễu dân lành?...
Sự lo ngại trên không phải là không có cơ sở. Song, tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã tính đến việc kiểm soát quyền lực của những người có thẩm quyền ra lệnh bắt khẩn cấp, tránh sự lạm quyền gây oan sai cho công dân. Chỉ có điều thay vì ngay sau khi bắt khẩn cấp nghi can mà không được VKS phê chuẩn thì lập tức phải thả người như luật hiện hành, thì quy định mới cho phép cơ quan có thẩm quyền có “độ trễ” trong vòng 12h.
Cụ thể, tại Khoản 4, Điều 110, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi bắt khẩn cấp người bị tình nghi hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay, đồng thời ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó. Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải gửi ngay cho VKS cùng cấp hoặc VKS có thẩm quyền kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn.
Như vậy là thay vì vừa bắt xong nghi can đã phải loay hoay với thủ tục hành chính để xin VKS phê chuẩn, thì CQĐT rảnh rang hơn dành thời gian lấy lời khai, làm rõ hành vi của người tình nghi có dấu hiệu tội phạm hay không, từ đó ra quyết định tạm giữ hay lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp một cách chính xác, tránh gây oan, sai cho người vô tội, nhưng cũng tránh bỏ lọt tội phạm.