Dỡ trần giá sữa: nên hay không?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, sẽ xem xét dỡ bỏ chính sách giá trần đối với mặt hàng sữa trẻ em dưới 6 tuổi từ tháng 7 tới trong cuộc làm việc với đại sứ đại diện thương mại Hoa Kỳ. Thị trường sữa vừa mới được ổn định, liệu việc dỡ trần có làm xáo trộn giá các mặt hàng sữa lần nữa.
Thị trường sữa trong nhiều năm qua luôn trong tình trạng loạn giá, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng cao hơn giá nhập rất nhiều. Người tiêu dùng luôn chịu thiệt. Ngoài giải pháp áp trần thực hiện từ năm 2014, Cục quản lý giá Bộ Tài chính cũng có đề nghị các công ty, cá nhân sản xuất kinh doanh sữa rà soát tiết giảm các chi phí, đặc biệt là chi phí quảng cáo. Nhưng kết quả được gì?
Ngoài biện pháp áp trần như hiện tại cũng như cách can thiệp sâu thị trường bằng biện pháp hành chính để buộc DN giảm giá sữa thì phương pháp điều hành quản lý mặt hàng sữa chưa có đột phá nào hơn khi trên thị trường có 841 mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được công bố giá tối đa, giá đăng ký, giá kê khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Sở Tài chính các địa phương.
Trở lại với thông điệp dỡ trần với mặt hàng sữa của Bộ Tài chính, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng: Việc dỡ trần giá sữa chỉ là thời gian.
Chuyên gia này phân tích, sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi hiện nay là các sản phẩm công thức. Mà đã là công thức thì mỗi nhà sản xuất pha chế với hàm lượng vi chất rất khác nhau cho từng sản phẩm, thị trường khác nhau. Trong khi lợi ích nhóm DN trong mặt hàng sữa quá lớn. Mục đích của DN là kinh doanh có lãi, và các DN tìm mọi cách để tối đa hóa lợi nhuận của mình. Biện pháp áp giá trần chưa đủ mạnh buộc các DN giảm giá sát với chi phí thực tế.
Trong khi đó chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, quản lý giá trần là biện pháp hành chính. Nếu như biện pháp hành chính bị dỡ bỏ,chắc chắn doanh nghiệp sẽ vui. Áp trần các sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ phải thực hiện kê khai và đăng ký giá với cơ quan quản lý về giá. Khi được cơ quan này đồng ý thì mới được bán ra thị trường. Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành sữa đã phản ứng quyết liệt về việc áp sữa làm giảm doanh số và lợi nhuận. Còn trước khi áp trần doanh nghiệp sữa chỉ phải kê khai giá và được quyền tự quyết định về giá bán.
Đại diện một doanh nghiệp sữa cũng trao đổi với Đại Đoàn Kết: sản lượng sữa bán ra của công ty giảm nhiều kể từ khi áp trần. Thị trường có hàng trăm sản phẩm sữa với nhiều loại giá khác nhau, do vậy áp trần chung là điều không phù hợp. Doanh nghiệp đề nghị giấu tên này cho rằng: cần sớm dỡ bỏ trần để tăng tính cạnh tranh trên thị trường
Ghi nhận tại phố Hàng Buồm, Hà Nội ngày 26/5, nhiều đại lý kinh doanh mặt hàng sữa cũng trao đổi: 2 năm trở lại đây mặt hàng sữa bán chậm.
Giá sữa ở Việt Nam vừa được tổng kết là khá cao. Tính bình quân, 1kg sữa cho trẻ dưới 6 tuổi ở Việt Nam bán với giá 16 USD, trong khi Trung Quốc 34,3 USD, Singapore 30,8 USD, Thái Lan 14 USD, Philippines 12,9 USD... Như vậy, nếu dỡ bỏ trần giá sữa, giá sữa trên thị trường nội địa sẽ về đâu là một câu hỏi lớn?
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, ngay chính Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng ra yêu cầu cho doanh nghiệp nếu muốn dỡ trần giá sữa. Đó là các doanh nghiệp phải minh bạch. Nhưng để kiểm soát được thị trường sữa, thì cơ quan quản lý cần nâng cao năng lực giám sát. Đó là việc tìm hiểu chi phí thực tế sản xuất ra sao, quảng cáo như thế nào…