G7 ra tuyên bố chung về kinh tế toàn cầu và Biển Đông
Giới lãnh đạo G7 hôm 27/5 đã ra tuyên bố chung trong đó nhấn mạnh vấn đề cứu rỗi nền kinh tế thế giới như ưu tiên hàng đầu của họ, dù không thể nhất trí về một hướng tiếp cận chung, điều cho thấy những dấu hiệu chia rẽ liên quan tới việc vạch ra các biện pháp thúc đẩy đà tăng trưởng.
Tuyên bố chung của nhóm G7 nhấn mạnh về vấn đề kinh tế toàn cầu và Biển Đông (Nguồn: Reuters).
Đưa ra tuyên bố chung trong ngày cuối hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra ở Ise Shima, Nhật Bản, giới lãnh đạo các nền công nghiệp tiên tiến nhất thế giới đã nhất trí thông qua một hướng tiếp cận mở trong việc đối phó với tình trạng bất ổn kinh tế đã treo lơ lửng kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đến nay.
“Đà tăng trưởng toàn cầu là ưu tiên khẩn cấp của chúng tôi” - G7 nói trong một tuyên bố.
“Dựa trên bối cảnh đặc trưng từng nước chúng tôi cam kết tăng cường chính sách kinh tế trong một nỗ lực phối hợp chung và đưa ra một biện pháp chính trị có tính thực thi cao hơn, để nhanh chóng đạt được đà tăng trưởng cân bằng, bền vững và mạnh mẽ” - Tuyên bố của G7 nói thêm.
Tuyên bố chung mà G7 đưa ra thực chất đã phản ánh lại những bất đồng đằng sau hội nghị thượng đỉnh vừa qua. Trong phiên họp toàn thể, thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã nêu rõ quan ngại rằng nền kinh tế toàn cầu đang đối diện với rủi ro rơi vào một cuộc khủng hoảng mới, và so sánh nước sự quan ngại của nước Nhật như thời điểm lần trước đó mà họ chủ trì hội nghị G7, năm 2008, chỉ vài tháng trước khi ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ.
Các nhà lãnh đạo tham gia G7 tuy nhiên đều hướng tới một sự kiện lớn sắp tới có khả năng ảnh hưởng sâu sắc tới nền kinh tế toàn cầu - Brexit, ám chỉ khả năng Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) – và nhất trí rằng họ phản đối điều này.
“Việc Anh rời khỏi EU sẽ làm đảo ngược tiến trình hướng tới hội nhập thương mại và đầu tư toàn cầu, và sẽ đe dọa tới đà tăng trưởng” – Tuyên bố chung của G7 nêu rõ.
Ngoài ra, nhóm G7 – gồm Mỹ, Đức, Nhật Bản, Anh, Italy, Pháp và Canada – cũng dễ dàng tìm thấy quan điểm chung trong vấn đề khủng hoảng di cư, và cho rằng đó là một vấn đề mang tầm cỡ toàn cầu.
“G7 nhìn nhận dòng người di cư di chuyển trên diện rộng và vấn đề người tị nạn như một thách thức toàn cầu và đòi hỏi phải có phản ứng từ các nước” – G7 nhấn mạnh.
Năm ngoái, khoảng 1,3 triệu người di cư, chủ yếu từ các khu vực có chiến sự như Syria và Iraq, đã yêu cầu diện tị nạn ở EU, 1/3 trong số này yêu cầu được tị nạn ở nước Đức.
“Chúng tôi cam kết sẽ tăng cường sự hỗ trợ từ toàn thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu dài hạn và cấp thiết đối với vấn đề người di cư cũng như các nước tiếp nhận họ” – G7 nhấn mạnh – “G7 kêu gọi các thể chế tài chính và các nhà tài trợ tiếp tục tăng cường sự hỗ trợ về mặt tài chính và kỹ thuật”.
Tại hội nghị lần này, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã quyết định sẽ hỗ trợ đặc biệt cho Iraq trong năm nay – quốc gia được xem là nguồn gốc chính của làn sóng người di cư bỏ trốn khỏi xung đột và tìm kiếm diện tị nạn ở châu Âu. Bà Merkel cho hay, G7 sẽ chi khoản tiền hỗ trợ lên tới 3,6 tỷ Euro.
“Chúng tôi đều nhất trí rằng Iraq cần phải được ổn định lại. chúng tôi muốn hỗ trợ các nỗ lực của Thủ tướng Haider al-Abadi” – Bà Merkel nói trong một cuộc họp báo.
Trung Quốc – một quốc gia không phải thành viên của nhóm G7 và không góp mặt trong sự kiện kéo dài 2 ngày ở Ise – cũng xuất hiện trong tuyên bố chung của G7. Dù không chỉ đích danh, nhưng không còn nghi ngờ gì khi Bắc Kinh đã nằm trong tầm ngắm của giới lãnh đạo G7 khi họ lần lượt thể hiện sự quan ngại về căn thẳng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
“Chúng tôi quan ngại về tình hình trên biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh sự quan trọng cơ bản của việc kiểm soát và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình” – Tuyên bố của G7 cho hay.
Giới lãnh đạo G7 nhấn mạnh rằng các tranh chấp trên các vùng biển nói trên cần phải được giải quyết một cách hòa bình và “tự do hàng hải và hàng không” cần được tôn trọng. Giới lãnh đạo G7 cũng nói rằng các tuyên bố chủ quyền cần phải dựa vào luật pháp quốc tế, các nước liên quan nên tránh đưa ra “các hành động đơn phương khiến gia tăng căng thẳng” và tránh “sử dụng vũ lực hay đe dọa” các nước khác.