Đối phó hạn, mặn chưa xong lại lo ngập lụt
Ngày 27/5, Trường Cao đẳng Cần Thơ tổ chức tọa đàm “Ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và xâm nhập mặn ở ĐBSCL”. Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn- Viện phó Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ): Mỗi năm mực nước ngầm của ĐBSCL sụt giảm khoảng 40cm, kéo theo lún sụt mặt đất, tạo điều kiện cho nước biển dâng cao, mặn nhập sâu.
Về vấn đề này, ông Triệu Đức Huy- Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra nước quốc gia cho rằng: Để quản lý tài nguyên nước ngầm hiệu quả, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần triển khai lập quy hoạch tài nguyên nước cho vùng ĐBSCL, làm cơ sở để phân bổ nước ngầm sử dụng hợp lý. Nước ngầm là tài nguyên chiến lược nên cần có định hướng quy hoạch khai thác tổng thể, không thể mạnh ai người nấy làm như hiện nay.
Tại Hội thảo, PGS.TS Lê Anh Tuấn cho rằng, vào khoảng tháng 8 tới, theo chu kỳ mới của El Nino khi ĐBSCL vào mùa lũ, sẽ gây ra hiện tượng ngập lụt ở các địa phương trong vùng. Cũng theo ông Tuấn, vùng Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười được xem là 2 túi chứa nước cho ĐBSCL, có khả năng lũ sẽ chảy xuống vùng bên dưới, gây ngập lụt đô thị.