Người gắn bó với chất liệu nhôm
“Lão gò nhôm” - nghệ danh mà nhiều bạn bè vẫn thường gọi họa sĩ Nguyễn Văn Phúc (72 tuổi), người đã tạo nên những đường nét, hình ảnh cuốn hút trên những tấm nhôm. Hiện ông là họa sĩ duy nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long sáng tác thể loại tranh gò trên chất liệu nhôm.
Họa sĩ Văn Phúc bên tác phẩm của mình.
Bén duyên với… nhôm
Đến khu vực 2, phường An Bình, TP.Cần Thơ, hỏi về “lão gò nhôm” thì hầu như ai cũng biết, bởi biệt tài gò tranh bằng chất liệu nhôm. Chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ, xung quanh được bao bọc nhiều rặng dừa nước và vườn cây trái sum suê, mang đặc trưng của những căn nhà Nam Bộ. Hiện ra trước mắt chúng tôi là ông lão đang cặm cụi, đục đẽo rất chăm chú. Ngày ngày, ông vẽ tranh, nhưng điều đặc biệt là ông không dùng cọ, mà chỉ dùng độc nhất một chiếc búa cùng một chiếc đục trên nền một tấm kim loại, khiến chúng tôi hết sức than phục.
Họa sĩ Văn Phúc cho biết, trước khi tìm đến chất liệu nhôm, ông đã thử qua nhiều chất liệu khác như: gỗ, màu nước, màu bột, sơn dầu, đồng… Tuy nhiên, ông nhận ra một điều là các chất liệu truyền thống trên sẽ khó tạo nên điểm nhấn cá nhân trong sáng tác. Cái ông cần là một điều mới lạ, một chất liệu mà trước nay chưa ai làm. Vô tình nhìn những cái thau, cái mâm, cái nồi,… những đồ dùng quen thuộc hằng ngày làm bằng nhôm có đặc tính dẻo, sáng, bền bỉ với thời gian trong khi giá thành của chất liệu nhôm cũng không cao. Từ đó, ông mày mò tạo tác những hình khối, đường nét từ cơ bản đến phức tạp và cho kết quả bất ngờ, cuối cùng ông đã quyết định gắn bó với chất liệu nhôm.
Dụng cụ để ông sáng tác chỉ là miếng nhôm, cái búa, cái đục, cộng với sự kiên nhẫn và đôi tay điêu luyện, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm tranh gò nhôm với nhiều đề tài và kích cỡ khác nhau. Các họa tiết được cách điệu tỉ mỉ từ những dấu đục trên nền tranh nhôm tưởng chừng như thô kệch nhưng lại uyển chuyển, biến hóa khôn lường. Màu sắc của tranh gò nhôm chủ yếu trắng nguyên bản kết hợp hài hòa với màu sơn truyền thống tạo nên chiều sâu và chiều rộng trong tranh.
Được biết họa sĩ Nguyễn Văn Phúc sinh ở xã Dị Sử (Mỹ Hào, Hưng Yên), tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, ông từng công tác ở nhiều nơi, hơn chục năm ở Viện Khảo cổ học, từng phụ trách thiết kế mỹ thuật ở Đài Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ, dạy học ở một trường Cao đẳng. Hiện ông đã về hưu và đang sống ở một căn nhà nhỏ, tại khu vực 2, phường An Bình (Ninh Kiều, Cần Thơ).
Vùng đất mới, khơi nguồn sáng tạo
Tính đến nay, họa sĩ Nguyễn Văn Phúc đã sống gắn bó với vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long được hơn 36 năm. Cũng ngần ấy thời gian, vùng đất mới này đã để lại nhiều ấn tượng khó phai trong tâm thức của người họa sĩ ấy, nó như một nỗi ám ảnh qua từng đường nét, hình khối mỗi khi ông tạo tác.
Chính từ sự khắc khoải trước vẻ đẹp của vùng đất này mà trong tranh ông thường xuất hiện một số mô-típ quen thuộc như: lá dừa nước, đồng ruộng, bờ sông, cây cầu khỉ,… được cách điệu và xử lý khéo léo làm hồn cốt trong mỗi bức tranh.
Các nếp sinh hoạt dân dã của vùng sông nước cũng được ông ghi nhận một cách sinh động, chân thực. Nhìn bức tranh miêu tả cảnh buôn bán tấp nập của chợ nổi Cái Răng, người xem như thấy được cả một vùng sông nước mênh mông, dập dìu xuồng ghe, sản vật vùng sông nước, tất cả như thoắt ẩn thoát hiện. “Tôi không phải là người con sinh ra trên mảnh đất đồng bằng này, nhưng từ sự khác biệt về không gian sống, đã đem đến cho tôi cảm nhận một cách tỉ mỉ, tinh tế về những gì đang hiện hữu xung quanh”, ông Phúc nói.