Gia Lai cần giải pháp khả thi thu hút vốn đầu tư
Ngày 28/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai.
Qua thị sát tại các vùng sản xuất, lãnh đạo Chính phủ nhận định khô hạn không chỉ tác động nặng nề tới sản xuất nông nghiệp mà còn tác động tới sản xuất công nghiệp khi nhiều nhà máy thủy điện không thể phát điện, sản lượng đường tinh chế giảm mạnh trong thời gian qua gây ảnh hưởng tới nguồn thu thuế của địa phương.
Thực tế, toàn tỉnh có 30.196 ha đất bị khô hạn, hơn 9.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, đi kèm với lốc xoáy liên tiếp đã gây thiệt hại rất lớn cho tỉnh khoảng hơn 800 tỷ đồng. Là tỉnh có nhiều nhà máy thủy điện nhưng sản lượng điện chỉ đạt 19,3% kế hoạch năm giảm 25,8%, đường tinh chế giảm 21,7% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, tỉnh Gia Lai đã nỗ lực khắc phục khó khăn, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong 5 tháng đầu năm 2016 như sản xuất nông nghiệp vẫn tăng trưởng với việc xuất khẩu cà phê tăng 12,67%, thu ngân sách gần đạt 50% kế hoạch. Việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới có những kết quả bước đầu đáng khích lệ như không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản; giảm nghèo trong 5 tháng đầu năm là 2,9% trong bối cảnh tỉnh có tới 44% là đồng bào dân tộc thiểu số.
Gia Lai cũng là tỉnh đi đầu trong cả nước về thực hiện thành công ngày bầu cử 22/5/2016 vừa qua với 99,78% cử tri đi bầu tại 1.200 tổ bầu cử.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đánh giá cao Gia Lai quyết tâm đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2016 là 7,5% với các giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu, và tăng cường thị trường nội địa, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, Gia Lai không được chủ quan trong kiểm soát lạm phát, bảo đảm trong giới hạn Quốc hội giao.
Lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý Gia Lai cần bám sát và thực hiện quyết liệt các Nghị quyết mới ban hành của Chính phủ như Nghị quyết 01, 19, 35 về phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển doanh nghiệp. Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo địa phương tăng cường tiếp xúc, kêu gọi đầu tư của các doanh nghiệp vào địa phương với thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, quan tâm phát triển hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp và coi trọng khởi nghiệp, sáng tạo.
“Gia Lai phải tìm kiếm các giải pháp khả thi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông lâm sản. Đây không phải là việc của riêng Gia Lai mà còn của các tỉnh Tây Nguyên”, Phó Thủ tướng nói.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh đẩy nhanh việc giải ngân nguồn vốn trái phiếu để tạo ra vốn mồi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa phương.
Về tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Gia Lai sớm xây dựng đề án cho giai đoạn 2016- 2020 gắn liền với nội dung thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi với thế mạnh gia súc và cây công nghiệp. Đi liền với đó, tỉnh khẩn trương làm quy hoạch sử dụng đất và quản lý chặt chẽ quy hoạch này, đảm bảo phát triển ổn định các cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu,…
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành các văn bản hướng dẫn Luật quản lý tài nguyên nước để làm căn cứ cho các địa phương như Gia Lai thực hiện, bảo đảm giữ được nguồn nước, thực hiện tiết kiệm khi sử dụng nước của người dân và tổ chức; đặt vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu trong thực hiện quy hoạch thủy lợi cho cả vùng Tây Nguyên.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng giải quyết một số kiến nghị của địa phương, đáng chú ý có việc đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm thu xếp nguồn vốn để hoàn thành Quốc lộ 19 trong khoảng 2 năm tới, nối Tây Nguyên tới cảng Quy Nhơn và kết nối hệ thống đường ngang, phục vụ cho giao thương hàng hóa của Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên; hỗ trợ ngân sách thực hiện các công trình nước sạch cấp bách của địa phương mà không cần vốn đầu tư lớn;…
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm công nghệ
tưới nước tiết kiệm vào gốc cây hồ tiêu.
Trước đó vào sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đi thị sát về mô hình tưới nước tiết kiệm (tưới nhỏ giọt vào gốc cây) của các hộ nông dân trồng hồ tiêu tại thị trấn Nhân Hòa, huyện Chư Pưh. Đây là hình thức sản xuất mới tại Gia Lai với 600 ha áp dụng trên toàn tỉnh và riêng huyện Chư Pưh có 100 ha đất trồng tiêu được tưới tiết kiệm khi hạn hán ngày càng trầm trọng ở địa phương này.
Công nghệ này được một doanh nghiệp địa phương nhận chuyển giao từ Israel để cung cấp cho các hộ dân trồng tiêu ở Nhân Hòa. Theo đó, cần 60 triệu đồng để đầu tư công nghệ này (gồm hệ thống ống cao su và máy bơm) cho 1 ha tiêu. Trước đây khi người dân tưới chài, năng suất hồ tiêu chỉ cho 2,5- 3 tấn/ha nhưng sau khi áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm đã cho năng suất lên 5- 6 tấn/ha với doanh thu khoảng 800 triệu đồng/năm.
Đặc biệt hơn, một người dân bản địa là anh Nguyễn Tấn Hai tự sáng chế ra cách tưới hồ tiêu bằng giàn tưới cho vườn tiêu của gia đình. Anh nông dân này cho biết nhờ tưới bằng cách mới nên năng suất tiêu của nhà anh lên tới 7 tấn/ha.
Phó Thủ tướng thăm khu vườn tiêu của anh Nguyễn Tấn Hai với sáng chế tưới giàn.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ đánh giá cao sự chủ động và cách làm sáng tạo của người dân địa phương và đề nghị các Bộ, ngành nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nhân rộng việc tưới tiết kiệm.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết hướng canh tác hồ tiêu tại Chư Pưh mở ra một triển vọng mới cho người dân địa phương. Sau chuyến công tác này, sẽ đề xuất với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ một chương trình tín dụng cho tưới tiết kiệm. “Chúng tôi sẽ coi Gia Lai như một hình mẫu để xây dựng chính sách tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân tưới tiết kiệm trong bối cảnh khô hạn ngày càng nghiêm trọng”, ông Tiến nói.