Vui buồn chuyện... không chấm điểm

Sỹ Minh 29/05/2016 09:10

Bắt đầu từ tháng 10-2014, Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT với đổi mới việc đánh giá học sinh tiểu học không phụ thuộc vào điểm số đã được các giáo viên thực hiện. Việc nhận xét bằng lời nói trực tiếp với học sinh hoặc viết nhận xét vào phiếu, vở của học sinh được kỳ vọng sẽ đem lại bước ngoặt trong đánh giá học sinh từ nặng về kiến thức sang kỹ năng, năng lực, nhận thức…Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, khá nhiều vấn đề phát sinh.

Vui buồn chuyện... không chấm điểm

Ảnh minh họa.

Học sinh thoải mái, giáo viên mệt mỏi

Một thời gian dài nền giáo dục của chúng ta quay cuồng vì điểm số. Trong bối cảnh đó, việc bỏ chấm điểm ở bậc tiểu học đã góp phần giảm bớt căng thẳng cho học trò. Các em đến lớp không còn phải ám ảnh bởi điểm số. Điểm số thực ra là một thước đo định lượng cụ thể nhưng điểm số của chúng ta lâu nay mang quá nhiều áp lực và kỳ vọng từ người lớn, vì thế điểm số đôi khi đã làm căng thẳng tinh thần, tâm hồn con trẻ. Có nhiều học sinh tiểu học liên tục nói dối là quên vở, mất vở hoặc cô không chấm điểm vì sợ bố mẹ biết mình bị điểm kém. Bé Thanh- học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) phấn khởi cho biết: Con toàn được cô đóng dấu mặt cười (dấu mặt cười là thể hiện việc khen), nhiều bạn trai bị đóng dấu mặt méo vì viết bẩn. Cô bảo, bạn nào được 10 mặt cười trong tháng thì sẽ được thưởng.

Việc bỏ chấm điểm đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Ban đầu, khi thực hiện, nhiều giáo viên còn ngỡ ngàng, thậm chí bối rồi nhưng rồi phần đông giáo viên nhanh chóng nắm bắt được tính nhân văn của việc đánh giá học sinh bằng nhận xét. Tinh thần Thông tư 30 đòi hỏi người thầy sát sao, quan tâm, theo dõi học sinh theo lộ trình chứ không chỉ đơn thuần cho điểm. Song trên thực tế nhiều giáo viên đã rơi vào tình trạng căng thẳng, quá tải.

Qua khảo sát mới đây của nhóm nghiên cứu thuộc Hội Khoa học tâm lý Giáo dục Việt Nam tại 5 tỉnh thành phố gồm: Hà Nội, Hải Dương, Phú Thọ, Hòa Bình, Đà Nẵng cho thấy, 95,2% giáo viên được hỏi đều khẳng định họ vô cùng vất vả khi thực hiện Thông tư 30, phần lớn thời gian họ dành cho ghi nhận xét học sinh. Trung bình một giáo viên phải dành gần 94 phút/ ngày chỉ để ghi nhận xét vào sổ. Họ phải làm việc mọi lúc mọi nơi, kể cả giờ nghỉ giải lao trên lớp lẫn ở nhà.

Đặc biệt, giáo viên các môn chuyên như mỹ thuật, âm nhạc, thể dục... có người dạy 31 lớp, phải gánh 62 cuốn sổ ghi theo dõi chất lượng cùng lúc cho khoảng 1.240 học sinh (tính trung bình 40 em/lớp). Khảo sát khẳng định đó là tình trạng chung ở mọi trường tiểu học. Cũng theo cuộc khảo sát, có tới 582 trong số 630 giáo viên cho rằng, phải mất quá nhiều thời gian cho việc ghi nhận xét học sinh. Thời gian trung bình trong ngày dành cho nhận xét học sinh là 93,47 phút.

Vì không có nhiều thời gian nhận xét cho một lớp học có quá đông học sinh nên đa phần giáo viên nhận xét học sinh theo cách viết một cách ngắn gọn, chung chung như: Con làm bài tốt, cô khen, con có tiến bộ, con viết ẩu, chưa cẩn thận, con cần cố gắng hơn, con cần làm lại bài, con cần chú ý cách diễn đạt hoặc là đóng dấu mặt cười, mặt méo như em học sinh kia kể... mà không chỉ rõ ra được tốt ở chỗ nào và dở ở chỗ nào và cách khắc phục ra sao để các em điều chỉnh kịp thời và nỗ lực hơn. Mặc dù những học sinh chưa được nhận xét của ngày hôm nay sẽ được giáo viên nhận xét tiếp ở những ngày tiếp theo trong tuần nhưng sự quay vòng nhận xét phải từ 2-3 ngày sau mới đến lượt. Như vậy, việc nhận xét, đánh giá kiến thức, kỹ năng cho 1 học sinh sẽ không liên tục.

Ông Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Giáo dục - Đào tạo - Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho biết, để Thông tư 30 thật sự hiệu quả, cần giảm số lượng học sinh trong lớp. Đồng tình với ý kiến này, ông Trần Việt Hùng (Liên hiệp các hội Khoa học kĩ thuật Việt Nam) cũng cho rằng, mỗi lớp trung bình 50, 60 học sinh như hiện nay, giáo viên áp dụng Thông tư 30 rất khổ.

Về vấn đề này, PGS.TS Vũ Trọng Rỹ- Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng sự bất cập trong việc nhận xét, đánh giá học sinh là ở chỗ, không phải ngày nào giáo viên cũng có đủ thời gian để ghi nhận xét tất cả học sinh trong lớp. Đặc biệt là tại các trường học ở tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM, mỗi lớp học thường rất đông (từ 50 đến 60 học sinh). Áp lực về thời gian, công việc khiến trung bình mỗi ngày, giáo viên chỉ nhận xét khoảng 1/2 học sinh trong một lớp cho cả hai môn học Toán và Tiếng Việt. Những học sinh còn lại không có nhận xét.

Phụ huynh băn khoăn

Khảo sát trên cũng cho thấy, khi không chấm điểm, học sinh lười học hơn còn phụ huynh ít quan tâm đến con. Thông tư 30 áp dụng trong trường học nhưng tác động khá nhiều đến phụ huynh. Bố mẹ không còn cơ hội để tra khảo, hỏi han về điểm số có thể làm tổn thương con trẻ. Song nhiều phụ huynh sâu sát với việc học của con lại cho rằng những lời nhận xét của giáo viên như kể trên khiến họ khó hiểu khi nhìn lại sách vở của con, thậm chí không thể biết thực chất năng lực học tập của con đạt ở độ nào?

Về môn Toán, với cách thức nhận xét, tích đúng hoặc sai không thể đánh giá đúng hết được từng trình độ, năng lực của học sinh theo nhiều dạng bài tập như: tính theo công thức, tính nhanh, tìm x, bài giải, làm toán theo nhiều phép tính, nhưng cũng tạm chấp nhận được vì nó có kết quả rõ ràng. Còn đối với môn Tiếng Việt, cách thức nhận xét như trên của giáo viên không thể đánh giá, nhận xét trung thực và khách quan hết được năng lực đọc hiểu, viết chính tả, luyện từ và câu, kiến thức ngữ pháp, cách hành văn, thậm chí là những sáng tạo đáng khuyến khích trong tư duy của … của học sinh. Đôi khi một bài văn vượt qua những khuôn mẫu thông thường có thể được xem là rất hay nhưng cũng có thể bị quy chụp là không đạt…

Phần đánh giá, nhận xét toàn bộ quá trình học tập của tất cả học sinh trong lớp chỉ được giáo viên ghi cụ thể hơn trong phiếu hoặc sổ học bạ cuối học kỳ nhưng cũng chỉ mang tính chung nhất như: Hoàn thành hoặc Không hoàn thành. Với cách nhận xét, đánh giá một cách chung chung thì học sinh chưa đủ hiểu và chưa biết sai ở đâu, cụ thể ở công đoạn nào để chỉnh sửa nên có thể sẽ lặp lại những lỗi đã sai ở những bài đã làm trước đó.

Qua khảo sát thực tế, sau gần 2 năm thực hiện Thông tư 30 cho thấy, nhiều cha mẹ học sinh ít quan tâm đến việc học của con cái hơn vì hàng ngày không nhận được các bằng chứng điểm số về kết quả học tập. Về phía học sinh, các em không bị áp lực về điểm số nên thoải mái hơn, tự tin hơn, chủ động hơn nhưng không chăm học như trước và thiếu động lực học tập. Tuy nhiên, phần lớn giáo viên - những người đang trực tiếp thực hiện Thông tư 30 thì cho rằng, muốn quay về đánh giá bằng điểm số.

Để tìm hiểu thực chất vấn đề này, mới đây, Sở GD-ĐT Hà Nội đã đề nghị phòng GD-ĐT các quận, huyện và thị xã; các trường chuyên biệt trực thuộc Sở phải báo cáo về Sở GD-ĐT Hà Nội những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc (với từng đối tượng giáo viên, cán bộ quản lý, học sinh, cha mẹ học sinh) cũng như chỉ ra những nguyên nhân, bài học rút kinh nghiệm sau hơn 1 năm thực hiện Thông tư 30. Ngoài ra, các phòng GD-ĐT và các trường cũng phải đưa ra các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với từng đối tượng và báo cáo về phòng Giáo dục Tiểu học bằng văn bản trước ngày 28/5/2016.

Sỹ Minh