Số người mắc các bệnh răng miệng tăng cao
Hiện số người mắc các bệnh răng miệng rất nhiều, trên 60% thiếu niên có lệch lạc răng và rối loạn khớp cắn, hàng chục ngàn trẻ em khuyết tật môi miệng cần được chăm sóc và điều trị đặc biệt. Đó là thông tin được GS.TS. Trịnh Đình Hải, Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam đưa ra tại một Hội nghị khoa học vừa được tổ chức tại TP Huế.
Kiểm tra răng định kỳ để sớm phát hiện bệnh răng miệng.
Số người mắc bệnh răng miệng quá cao
Tại Việt Nam, theo điều tra sức khỏe răng miệng toàn quốc của Viện Răng Hàm Mặt, tỷ lệ sâu răng của trẻ 12 tuổi là 57,3%, ở nhóm tuổi từ 35 - 44 tuổi là 72,3%.
Có 3 nguyên nhân cơ bản khiến các bệnh về răng miệng ở Việt Nam tăng cao. Thứ nhất, người dân có thói quen ăn uống các loại thực phẩm có hàm lượng đường cao. Thứ hai, tỉ lệ nồng độ Fluor trung bình trong nước quá thấp. Ngoài ra, có một tỷ lệ người dân còn không quan tâm chăm sóc răng miệng.
Theo GS. Hải, ở Việt Nam, mạng lưới nha khoa đã có nhiều bước phát triển, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu khám chữa bệnh về răng miệng. Do tỉ lệ người Việt Nam mắc bệnh răng miệng quá cao (trên 90%), nếu tập trung vào chữa trị cho cả động đồng sẽ rất tốn kém mà vẫn không thể giải quyết được, nên phải có chiến lược dự phòng các bệnh răng miệng, nhất là đối với trẻ em.
Thực tế hiện nay, nhiều người còn rất thờ ơ trong việc chăm sóc răng miệng và bỏ qua những dấu hiệu bệnh ban đầu như viêm lợi (đánh răng chảy máu) hay buốt răng khi ăn đồ ăn nóng, lạnh…đến lúc răng bị sâu nặng, gây tổn thương đến nướu, phải loại bỏ tủy răng, hoặc phải nhổ mất răng vì đã quá khả năng điều trị.
Theo các chuyên gia y tế về răng hàm mặt, sâu răng, viêm lợi, hôi miệng… không chỉ gây đau đớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn khiến nhiều người gặp trở ngại trong việc giao tiếp hàng ngày. Nếu như chúng ta thường khám định kỳ cho cơ thể tối thiểu 1 năm/ 1 lần thì răng miệng cũng cần được kiểm tra định kỳ ít nhất 6 tháng 1 lần để kiểm tra và tầm soát các bệnh về răng miệng. Cũng tùy theo độ tuổi mà có định kỳ khám răng khác nhau, trẻ em phải đi khám thường xuyên hơn người lớn, nhất là trong thời kỳ đang thay răng. Chính việc duy trì kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ sẽ giúp bảo vệ và tăng cường sức khỏe răng miệng.
Theo các bác sĩ nha khoa, khi bị sâu răng người bệnh có cảm giác ê buốt khi ăn nóng, lạnh, chua, ngọt. Thức ăn bị giắt vào lỗ sâu khi ăn hay chọc tăm vào lỗ sâu thì có cảm giác đau, buốt. Khi sâu răng tiến triển thành lỗ sâu gần sát tủy (sâu ngà sâu) thì triệu chứng ê buốt nhiều hơn, khi lỗ sâu nằm sát nướu có thể gây viêm nướu. Những cơn đau hay ê buốt bất ngờ khi nhai đồ cứng, uống nước lạnh hoặc nóng là một trong những biểu hiện của sâu răng nhưng khi hết kích thích sẽ hết đau.
Sâu răng và viêm lợi - không thể coi thường
Trong các bệnh về răng miệng thì sâu răng và viêm lợi là hai vấn đề sức khỏe phổ biến nhất. Sâu răng có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào nhưng rất thường gặp ở trẻ em do vệ sinh răng không tốt, thường xuyên ăn vặt và uống đồ uống có đường.... Đặc biệt, nhiều trẻ em được cha mẹ cho ăn quá nhiều kẹo, nhất là vào buổi tối, lại không đánh răng sau khi ăn, hậu quả là hàm răng bị sâu “đục khoét”. Nếu không được điều trị sâu răng có thể gây ra đau răng nặng, nhiễm trùng, mất răng và các biến chứng khác.
Theo bác sĩ Lê Bích Vân - Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Quân y 175, TP.HCM thường thì lúc đầu bệnh nhân sâu răng chưa có cảm giác đau. Khi sâu răng đã tới lớp ngà răng, có lỗ sâu từ nhỏ tới lớn thì ăn nóng, lạnh, chua, ngọt bị đau nhưng hết đau khi hết kích thích. Bệnh sâu răng nếu không được chữa trị kịp thời sẽ gây những biến chứng tại chỗ và toàn thân như viêm tủy răng, viêm quanh chóp chân răng làm ăn uống khó khăn, ngủ không yên giấc vì những cơn đau dữ dội.
Các biến chứng của sâu răng có thể bao gồm: áp xe răng, mất răng, bị hỏng răng. Vì vậy, nếu thấy các triệu chứng như sưng nướu, chảy máu, mủ quanh răng, hơi thở có mùi hôi… cần tới bác sĩ nha khoa để được khám và điều trị thích hợp.
Có một bài thuốc dân gian được nhiều người áp dụng rất hiệu quả khi bị đau răng. Đó là dùng 2 hoặc 3 lá trầu không, giã nhỏ cùng dăm hạt muối rồi hòa với 1 chén rượu, sau 10 phút thì gạn lấy nước trong. Chia 2 lần súc miệng kỹ rồi nhổ hết ra (không được uống). Chỉ cần súc miệng 2 lần (mỗi lần cách nhau khoảng 5 phút) là răng hết đau.
Một số biện pháp sau có thể giúp phòng, chống sâu răng như:
Đánh răng sau khi ăn hoặc uống: Đánh răng ít nhất hai lần một ngày và sau mỗi bữa ăn, sử dụng kem đánh răng có chứa fluoride. Để làm sạch kẽ răng, xỉa hoặc sử dụng chỉ làm sạch kẽ răng. Nếu không thể chải sau khi ăn, ít nhất là cố gắng rửa miệng với nước.
Tránh ăn uống vặt thường xuyên: Bất cứ khi nào ăn hoặc uống cái gì khác ngoài nước, sẽ giúp miệng tạo ra các axít và phá hủy men răng. Nếu ăn hoặc uống trong suốt cả ngày, răng đang bị tấn công liên tục dễ bị sâu răng.
Cùng với sâu răng thì viêm lợi là một hình thức rất phổ biến và nhẹ của bệnh nha chu, trong đó mảng bám là nguyên nhân gây kích ứng, mẩn đỏ và (viêm) sưng lợi răng. Viêm lợi có thể dẫn đến các bệnh về lợi nghiêm trọng và cuối cùng mất răng. Nguyên nhân thường gặp nhất của viêm nướu là vệ sinh răng miệng kém dẫn đến hình thành mảng bám. Khi lợi răng khỏe mạnh là chắc và màu hồng nhạt. Nếu lợi răng sưng húp, nâu sẫm đỏ và dễ chảy máu, có thể có viêm.
Có nhiều nguyên nhân gây viêm lợi như sử dụng thuốc lá, bệnh tiểu đường, người lớn tuổi, suy giảm miễn dịch, dùng thuốc, một số virus và nhiễm nấm, khô miệng, nội tiết thay đổi, chẳng hạn như những người liên quan đến mang thai, chu kỳ kinh nguyệt hoặc sử dụng thuốc tránh thai, dinh dưỡng kém.
Theo các bác sĩ nha khoa, nếu không điều trị viêm lợi bệnh có thể lây lan đến các mô cơ và xương (nha chu), một tình trạng nghiêm trọng hơn nhiều có thể dẫn đến mất răng.
Để tránh được các bệnh về răng, miệng các bác sĩ nha khoa khuyên mọi người hãy chăm sóc và bảo vệ hàm răng của mình đúng cách và đến phòng khám chuyên khoa khi thấy có vấn đề về răng miệng. Ngoài ra, khi bắt đầu có những triệu chứng như: nướu răng bị tổn thương hoặc chảy máu trong khi đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa, hoặc có hơi thở hôi liên tục, cổ răng bị tê buối khi ăn đồ lạnh thì hãy đến gặp nha sĩ bởi bất kỳ những triệu chứng trên đều có thể dẫn đến những bệnh về răng miệng, kiểm tra càng sớm, bạn sẽ điều trị được triệt để và cũng tiết kiệm chi phí.