Người 'vẽ' bản đồ Việt Nam bằng lúa
Một người dân ở Nghệ An đã thiết kế nên một bản đồ Tổ quốc trên 0,5 ha ruộng lúa bằng 4 giống lúa mới với màu sắc khác nhau. Đó là ông Phan Văn Hòa, trú tại xóm Đông Thành, xã Vĩnh Hòa, huyện Yên Thành (Nghệ An). Ông Hòa cũng chính là người đã tạo ra nhiều loại gạo mang thương hiệu như AC5, gạo thảo dược...
Tấm bản đồ bằng lúa.
Bản đồ Tổ quốc giữa cánh đồng lúa
Lẫn trong không khí oi bức, nóng nực của tiết trời tháng 5, là lúc những cánh đồng lúa ở Nghệ An bắt đầu đến thời kỳ trổ bông, làm hạt. Phảng phất trong gió Lào khắc nghiệt là mùi thơm thoang thoảng của hương lúa xứ Nghệ làm mát dịu lòng người. Thi thoảng trên cánh đồng có những người nông dân chất phác chân lấm tay bùn vẫn miệt mài lao động trên cánh đồng lúa. Xen lẫn trên cánh đồng lúa ấy, một hình ảnh bản đồ Tổ quốc bằng lúa rất độc đáo được một người dân sống cạnh quốc lộ 7 tạo nên làm thích thú người đi đường bởi sự mộc mạc, bình dị đến lạ thường.
Chúng tôi đã tìm về cánh đồng lúa ở xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) để được mục sở thị bản đồ Tổ quốc hình chữ S được tạo thành từ hàng nghìn cây lúa gây xôn xao qua những lời kể của người dân địa phương. Có mặt tại cánh đồng này, chúng tôi bắt gặp một số người đi đường đang dùng điện thoại của mình để ghi lại hình ảnh bản đồ Tổ quốc bằng lúa đang thời kỳ trổ bông có một không hai này. Nhiều người xúc động và trầm trồ khen ngợi về một ý tưởng độc đáo mà không phải ai cũng dám làm, cũng nghĩ ra. Vị chủ nhân thiết kế nên bản đồ Tổ quốc bằng lúa này là ông Phan Văn Hòa (59 tuổi, trú tại xóm Đông Thành, xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An).
Trên đường ra cánh đồng được vẽ bằng bản đồ Tổ quốc, ông Hòa tâm sự, sau thời kỳ tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1974, ông trở về quê hương và bắt tay vào sản xuất nông nghiệp. Những năm đầu, xuất phát từ giá trị thu nhập trên đơn vị điện tích cây trồng của bà con nông dân thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu sức lao động. Từ đó, bản thân ông Hòa có những suy nghĩ và đặt ra mục tiêu phải tạo ra những bộ giống lúa có giá trị thu nhập cao, nâng cao đời sống của người dân và khao khát được đưa cây lúa của quê hương mình vươn xa. Để đạt được mục tiêu đó, ông Hòa chọn cho mình đi theo phương thức sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, xét thấy rằng, sản phẩm nông nghiệp gạo trên thị trường tiêu thụ như ở các thành phố đa phần là gạo Thái Lan. Ông Hòa trăn trở làm sao gạo từ bàn tay của người nông dân Việt Nam cũng được nằm trong “top” gạo xuất khẩu trên thị trường nội địa và thế giới.
Năm 2006, ông Hòa bắt đầu bắt tay vào nghiên cứu một giống lúa mới và phải đến 10 năm sau đó, sản phẩm đầu tiên của ông Hòa tạo ra là lai tạo thành công giống lúa mới mà ông đặt tên là thảo dược Vĩnh Hòa 1. Giống lúa mới lạ này có màu tím và là giống lúa duy nhất trên thế giới cho hàm lượng omega3, omega6, omega9 tốt cho các bệnh nhân mắc bệnh về tiểu đường, tim mạch... Giống lúa do ông Hòa tạo ra đã được cấp bằng bảo hộ bản quyền ngay sau đó. Sau lần thành công này ông Hòa nhận thấy bản thân mình “may mắn” vì đã lai tạo thành công giống lúa mới chưa từng có trên thế giới và coi đó là động lực để ông tiếp tục nghiên cứu cho ra đời những bộ giống mới tiếp theo. “Trong một lần xem trên ti vi, khi xem các chiến sỹ sắp xếp các viên đá, hạt sỏi ở ngoài đảo làm thành một bản đồ Việt Nam. Tôi nảy ra một ý tưởng là từ những giống lúa mới của mình chắc chắn cũng sẽ thiết kế thành bản đồ như các chiến sỹ đã tạo thành. Từ đó, bản thân tôi bắt đầu bắt tay vào nghiên cứu các loại giống lúa khác với những màu sắc khác nhau để tạo ra một bản đồ Tổ quốc bằng lúa này”, ông Hòa cho biết.
Để phục vụ du khách chiêm ngưỡng tấm bản đồ Tổ quốc, ông Hòa cho xây dựng tòa tháp cao 10m, rộng 5m2 cho người dân đứng ngắm.
3 năm nghiên cứu sau đó, ông Hòa tiếp tục lai tạo thành công 3 giống lúa mới với tên gọi thảo dược Vĩnh Hòa 2, Vĩnh Hòa 3, Vĩnh Hòa 4 với thứ tự màu đỏ, màu vàng, màu trắng. Toàn bộ giống lúa của ông đã được đăng ký bản quyền và đang tiến hành các bước tiếp theo để được cấp bằng bảo hộ. Tạo ra được 4 loại giống lúa mới, ông Hòa bắt đầu thuê ruộng đất của người dân để thực hiện ý tưởng của mình. Để có được 0,5 ha đất ruộng thiết kế thành bản đồ, ông Hòa phải thuê lại ruộng đất của 14 hộ trong xóm. Lúc đầu người ta lắc đầu vì cho rằng ông Hòa “ấm đầu”, nhưng sau nhiều lần thuyết phục thì họ cũng đã đồng ý. “Tôi mua một bản đồ Việt Nam về để nghiên cứu chia tỷ lệ trên đất ruộng. Hiện bản đồ mà tôi tạo ra có tỷ lệ là 1/1.000, cứ 1cm trên giấy tương ứng với 10 mét trên đất ruộng. Tôi chọn màu đỏ là giống lúa thảo dược Vĩnh Hòa 2 cho phần đất liền và 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa vì tôi nghĩ, Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt của Việt Nam không thể tách rời. Phần Biển Đông bao bọc hình chữ S tôi chọn giống lúa thảo dược 3 có màu vàng, phần nền ngoài cùng là giống lúa thảo dược 4 có màu trắng”, ông Hòa nói. Giữa tháng 2-2016, sau 2 ngày ròng rã với 16 thợ cấy lúa lành nghề, qua sự chỉ đạo trực tiếp của ông Hòa, bản đồ bằng lúa đã hoàn thành. Từ đó đến nay, những cây lúa phát triển ngày một tốt tươi, làm bật lên những chi tiết hình khối in đậm một bản đồ Việt Nam trên thửa rộng của ông Hòa.
Người tạo ra những giống lúa quý
Bên cánh đồng có vẽ bản đồ Tổ quốc, chúng tôi được ông kể về thời kỳ đầu gây dựng những giống lúa quý. Để phục vụ nghiên cứu giống lúa, ông Hòa đã ra Đại học Nông nghiệp Hà Nội học và đến các viện nghiên cứu học hỏi những giáo sư, tiến sĩ danh tiếng. Kết thúc khoá học, ông về quê bắt tay vào nghiên cứu và lai tạo giống lúa mới VH1. Với cách lai tạo mới của ông, giống VH1 hình thức đẹp, hạt gạo hồng, năng suất cao, trồng được trên mọi địa hình, chịu được sự khắc nghiệt của khí hậu. Đặc tính vượt trội của giống lúa VH1 là gạo thơm ngon hơn hẳn những giống lúa khác; hàm lượng các vi chất dinh dưỡng, vi lượng và các vitamin A, B (B1, B2, B6), lipit, chất xơ, omega chống ung thư, chống loãng xương cao; khi ăn làm quên cảm giác đói, rất có lợi cho người thừa cân. Lúa kháng các bệnh bạc lá, đạo ôn, sâu cuốn lá, đốm nâu, khô vằn; cây cứng, bộ lá khỏe; đẻ nhánh khỏe; trồng được 2 vụ trong năm (vụ đông xuân và hè thu); năng suất từ 5,5 -10 tấn/ha.
Ruộng lúa của ông Hòa.
Với những ưu điểm nổi trội này, giống lúa VH1 đã được Tổ chức UPOV đồng ý bảo hộ. Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, cây trồng, phân bón quốc gia đã công nhận VH1 là giống lúa siêu nguyên chủng, quý hiếm, chất lượng cao. Và rồi, ông đã tạo thêm VH2, VH3 và VH4, những giống lúa này chỉ khác nhau mỗi màu sắc chất lượng thì như nhau. “Thời điểm đó, chỉ mỗi mình tôi và vợ cứ loay hoay, mò mẫm tìm tòi, tự thực nghiệm, để có được kết quả như hôm nay quá là một quá trình. Có lúc thuê cả mẫu ruộng chỉ để trồng thử, đến mùa không thu hoạch được cũng đã có, tiếc của nhưng vì lòng đam mê nên gia đình cũng ủng hộ”, ông Hòa chia sẻ.
Ngoài việc tạo ta được 4 loại giống lúa mới, ông Hòa còn muốn đưa nông nghiệp đến với du lịch, ông nói: “Tôi muốn người nông dân không chỉ ăn được gạo ngon, bổ dưỡng, có nguồn thu nhập cao từ cây lúa mà còn có thêm thu nhập từ những dịch vụ nông nghiệp. Về tương lai, tôi muốn tạo nên cánh đồng lúa kiểu mẫu, tạo nên những hình khối khác nhau để thu hút người dân về tham quan và được trực tiếp xem chúng tôi sản xuất, xem chúng tôi chế biến từ những sản phẩm từ cây lúa tạo ra”.