Người nông dân Khmer có đôi bàn tay tài hoa

Cao Xuân Lương 30/05/2016 13:10

Về xã Tài Văn, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, chúng tôi được nghe giới thiệu về một người nông dân Khmer có đôi bàn tay tài hoa, đã tạo ra được nhiều sản phẩm độc đáo mang đậm bản sắc của dân tộc mình mà nguồn nguyên liệu chính là những sản phẩm của xứ miệt vườn. Đó là nghệ nhân Sơn Kinh. 

Nghệ nhân Sơn Kinh.

Nghệ nhân Sơn Kinh năm nay 90 tuổi, chân không còn đi vững, nhưng khi nghe chúng tôi nhắc đến công việc của mình, ông trở nên vui hẳn. Ông bảo, dù già, không còn được mạnh khỏe như xưa nhưng nỗi đam mê nghề vẫn còn sôi sục. Cách đây mấy chục năm, nhìn mớ rễ cây, bỏ ngoài sân với đủ mọi hình thù khác nhau, ông chợt nghĩ sao mình không biến những thứ phế phẩm ấy thành sản phẩm có ích cho cuộc sống? Nghĩ là làm, nghệ nhân Sơn Kinh bắt tay vào với các thứ phế phẩm ấy và ông đã thành công thật mỹ mãn. Những sản phẩm ông làm ra thật phong phú, thật có hồn như rắn, rồng, kỳ đà, chim, cò, voi, ngựa, khỉ, khủng long, v.v… và cả các loại đàn, nhị, các loại mặt nạ phục vụ cho múa Rô-băm, Dù-kê của đồng bào dân tộc Khmer cũng được ông chế tác từ rễ cây phế thải.

Nhìn các sản phẩm của ông, không ai có thể tin rằng đó là sản phẩm từ cây cối trong vườn nhà, không ai tin rằng đó là công trình nghệ thuật của người nông dân Khmer miệt vườn Sóc Trăng.

Anh Sơn Đươl, con trai ông Sơn Kinh cho biết: “Hồi trước còn khoẻ, lúc nào cha tôi cũng lui cui với bề bộn bao nhiêu là cây, ván, gốc , rễ…của đủ thứ cây trong vườn nhà. Tất cả các sản phẩm trưng bày đều được sáng tạo từ đôi bàn tay của cha tôi”.

Ông Sơn Kinh cho biết, để có được những sản phẩm ấy, ông phải tốn rất nhiều thời gian, công sức. Có món, ông phải làm đến 2-3 tháng trời mới xong, phải miệt mài từng chút một, rất cầu kỳ, cẩn thận, một sơ suất nhỏ là hỏng hết.

Nhìn một góc nhà trưng bày đủ các sản phẩm mà ông làm ra, chúng tôi càng hiểu hơn công sức, tâm huyết của người nghệ nhân này. Chỉ chừng đó cũng thấy hết được cái tâm đối với nghề này của ông.

Ông Sơn Kinh có 6 người con nhưng chỉ có một người con trai là anh Sơn Đươl theo nghiệp của cha. Đi đâu, gặp các thứ có thể dùng được, Sơn Đươl đều mang về cho ông. Vì thế, nguyên liệu trong nhà ông lúc nào cũng sẵn. Công việc của ông cứ thế diễn ra đều đặn quanh năm. Tuy nhiên, những sản phẩm mà nghệ nhân Sơn Kinh làm ra chủ yếu là trưng bày trong nhà phục vụ cho gia đình chứ chưa có điều kiện “cất cánh” bay đi nơi khác vì nhiều lý do khác nhau.

Mong muốn của ông là được giới thiệu sản phẩm của mình cho nhiều người biết, coi như đó là một cách để giới thiệu gián tiếp về mảnh đất, con người Sóc Trăng thân thương.

Chúng tôi có hỏi ông về khoản thu nhập từ việc bán các sản phẩm đó, ông cười buồn: “Đâu có bán chác gì chú ơi, mà bán cho ai? Ở đây xa quá, có ai biết đâu mà mua. Còn mang đi nơi khác giới thiệu thì khó lắm. Ở đây thỉnh thoảng bà con thích làm cái gì, theo mô hình gì, đặt hàng tui mới dám làm”.

Quả thật, từ Trung tâm thành phố Sóc Trăng về tận ấp Bưng Chông này dễ đến vài chục cây, lại phải len lỏi qua những con đường nhỏ mới vào được nhà ông thì làm sao mà đưa sản phẩm ra ngoài với mọi người được? Nhìn những chú khỉ, kỳ đà, voi, ngựa, khủng long…bám đầy bụi, chúng tôi tự nhủ không biết đến bao giờ chúng mới được ra ngoài đây?

“Tôi chỉ mong muốn làm sao có được điều kiện để giữ lấy cái nghề này. Hiện nay, các sản phẩm công nghiệp cũng xuất hiện nhiều, đa dạng nhưng nhìn vào thiếu nét tinh xảo, thiếu cái hồn của nó, không thể nào bằng các sản phẩm thủ công được”, nghệ nhân Sơn Kinh mong mỏi.

Được biết, nghệ nhân Sơn Kinh cũng đã có nhiều đóng góp cho bảo tàng tỉnh nhà trong việc trao lại nhiều hiện vật mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ. Với những đóng góp đó, năm 2015, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý: Nghệ nhân ưu tú.

Cao Xuân Lương