Lời kể kinh hoàng của nạn nhân vụ chìm tàu trên Địa Trung Hải
“Tôi đã phải chứng kiến mẹ và đứa em gái 11 tuổi chết chìm” - tờ Repubblica dẫn lời một công dân Eritrea, Kidane, kể lại - “Thi thể ở khắp nơi”.
Rất nhiều người đã bị mắc kẹt trong khoang và chìm cùng chuyến tàu chở người di cư vượt biển (Nguồn: Euronews).
Tuần vừa qua được coi là thảm kịch chìm tàu trên vùng biển Địa Trung Hải sau khi một chuyến tàu chở khoảng 700 người di cư bị lật và có thể đã thiệt mạng, trong khi những người sống sót kể lại câu chuyện tang thương khi phải chứng kiến những đứa trẻ chìm dần xuống biển.
Những người sống sót được chuyển tới nơi an toàn tại các cảng Taranto và Pozzallo của Italy đã kể lại với cơ quan di trú của LHQ (UNHCR) về việc làm sao mà con tàu chở họ bị chìm vào thời điểm cuối tuần trước, và một người phụ nữ di cư bị dây cáp cứa đứt đầu.
“Chúng tôi không biết con số chính xác, cũng không biết tên tuổi của họ là gì” - Carlotta Sami, một người phát ngôn của UNHCR cho hay. Tuy nhiên, nhiều nhân chứng cho rằng có khoảng hơn 500 người đã bị chết chìm trong chuyến tàu định mệnh đó.
Trong khi vẫn còn khoảng 100 người hiện đang mất tích trong một vụ chìm tàu khác xảy ra hôm thứ Tư tuần trước, và 45 thi thể đã được trục vớt từ một xác tàu hôm thứ Sáu, UNHCR nói rằng họ lo ngại con số người thiệt mạng trên biển Địa Trung Hải trong tuần vừa qua có thể lên tới 700 người.
Hãng tin AFP dẫn lời bà Giovanna Di Benedetto, thuộc tổ chức bảo vệ trẻ em có tên Save the Children, cho hay những người sống sót sau vụ chìm tàu hôm thứ Năm tuần trước đã kể lại có khoảng 1.100 người đã xuất phát từ bờ biển Libya trên 2 con tàu, trước khi họ gặp nạn.
“Con tàu thứ nhất, chở khoảng 500 người, được kéo bởi con tàu thứ hai bên trên chở 500 người khác. Nhưng sau đó con tàu thứ hai bắt đầu chìm, một số người cố gắng bơi đến con tàu thứ nhất, những người khác thì cố bám lấy sợi dây cáp nối giữa hai con tàu” - bà Benedetto cho hay.
Theo những nhân chứng sống sót, thuyền trưởng người Sudan lái con tàu đầu tiên đã cắt dây cáp nối hai con tàu khiến sợi dây này văng lại và cứa đứt đầu một người phụ nữ. Con tàu thứ hai nhanh chóng chìm nghỉm, kéo theo cả những người bị mắc kẹt trên đó. Thuyền trưởng người Sudan hiện đã bị bắt giữ sau khi cập cảng Pozzallo cùng 3 kẻ bị tình nghi là những kẻ buôn người.
Mắc kẹt và chết chìm
“Chúng tôi đã cố gắng mọi cách để ngừng nước tràn vào, và tát nước ra khỏi thuyền” - một cô gái người Nigeria nói, theo tờ nhật báo La Stampa của Italy.
“Chúng tôi đã phải dùng cả tay và cốc nhựa. Trong suốt 2 giờ đồng hồ, chúng tôi đã chống cự lại biển cả nhưng cuối cùng vẫn vô ích. Nước bắt đầu tràn vào thuyền, và những người ở khoang bên dưới không có cơ hội thoát ra. Phụ nữ, đàn ông, trẻ em, rất nhiều trẻ em… đã bị mắc kẹt và chìm xuống” - nhân chứng trên kể lại.
Những người sống sót còn kể lại rằng, trong số những người thiệt mạng có khoảng 40 trẻ em, trong đó có cả trẻ sơ sinh. “Tôi đã phải chứng kiến mẹ và đứa em gái 11 tuổi chết chìm” - tờ Repubblica dẫn lời một công dân Eritrea, Kidane, kể lại - “Thi thể ở khắp nơi”.
Được biết tình hình thời tiết tốt trong mùa hè này là động lực cho một làn sóng mới các con thuyền chở người di cư từ Libya đến Italy. Hãng thông tấn Ansa của Italy cho hay, chỉ trong vòng có 5 ngày gần đây, mỗi ngày hơn 15 chuyến tàu như vậy đã khởi hành để tìm đường đến châu Âu.
Tờ La Repubblica dẫn lời một số người di cư ở Sicily còn cho biết, một trùm buôn người tên Osama hiện đang quản lý các chuyến tàu chở người từ các bờ biển Libya đến Italy. Kẻ này thường đề ra cái giá cắt cổ là 400 Euro mỗi người cho mỗi hành trình vượt biển như vậy.
Tổ chức Bác sỹ không biên giới (MSF) mới đây còn cảnh báo rằng số lượng phụ nữ đang mang thai hoặc đi kèm trẻ sơ sinh thực hiện các hành trình nguy hiểm này ngày càng tăng, trong đó nhiều người kể lại rằng họ đã bị cưỡng hiếp ở Libya. Tình trạng bạo lực đó còn có tín hiệu trỗi dậy ở quốc gia Bắc Phi này.
Nhiều người di cư cập cảng Italy mới đây, chủ yếu là đến từ Eritrea và Somalia, nói rằng họ có ý tưởng vượt Địa Trung Hải ngay sau khi họ nghe được thông tin từ các hãng truyền thông, nhưng khi bản thân họ thực hiện hành trình này thì lại bị những kẻ buôn người dùng súng đe dọa để ép đến bờ biển Libya.
Linh Chi