Chùa Dơi

Miên Thảo (Tổng hợp) 31/05/2016 14:00

Thống kê cho thấy, hiện vùng Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 600 ngôi chùa Khmer. Trong số đó nhiều ngôi chùa cổ đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia. Trong số những ngôi chùa đó, Chùa Dơi được coi là nổi tiếng bậc nhất.

Chùa Dơi.

1. Chùa Dơi được xây dựng kể từ năm 1569, tên khai sinh theo ngôn ngữ Khmer là Sêrây Têchô Mahatúp, còn gọi theo tiếng Việt là chùa Mã Tộc. Tuy nhiên, người dân quen gọi chùa với cái tên thật gần gũi: Chùa Dơi, bởi lẽ không ngôi chùa nào lại có những đàn dơi đông đảo và thân hình rất lớn như ngôi chùa này.

Chùa Dơi nằm trên địa phận phường 3 thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, diện tích khoảng 0,4hecta. Bao quanh chùa là cả một cánh rừng với đủ loại cây, nhiều nhất là cây Sao và cây Dầu. Không gian của chùa thật đẹp và bình yên. Cũng không biết tự bao giờ, từng bầy dơi hàng vạn con đã tìm về đây nghỉ ngơi. Đây là loài dơi rất lớn, có con sải cánh đến cả mét. Chúng treo mình đen đặc trên các nhánh cây. Khi trời chiều chạng vạng, đàn dơi lại bay đi nhưng khi bình minh sắp xuất hiện, từ khắp nơi chúng lại bay về chùa. Tiếng vỗ cánh của chúng làm xôn xao cả một vùng. Không chỉ các vị sư mà cả người dân trong vùng đều coi dơi bay về chùa là một phúc lành, nên việc bảo vệ đàn dơi được tiến hành rất nghiêm túc.

Ngày nào cũng vậy, khoảng 6h30 chiều, đàn dơi bay lên ríu rít gọi nhau, bay đi kiếm ăn. Chúng bay đi rất xa, khắp các miệt vườn dọc sông Tiền, sông Hậu. Từ khoảng 4 giờ sáng trở đi, chúng lại trở về chùa.

Đàn dơi độc đáo ở Chùa Dơi.

Dơi có 2 chân, mỗi bàn chân có 5 ngón và có móc nhọn cong như móc câu, trên bả vai mỗi cánh có một lưỡi móc. Chúng không đứng đậu như những loài chim khác, mà dùng hai chân móc lấy cành cây quay lộn đầu xuống treo mình lủng lẳng. Dơi sinh sản vào đầu tháng 5 dương lịch, khi sắp đẻ thì một cánh móc lấy nhánh cây, một cánh đỡ lấy con ôm vào lồng ngực. Đẻ xong vài giờ dơi con bắt đầu mở mắt, bú mẹ. Khi đi kiếm ăn, dơi mẹ mang con theo, ôm ghì sát vào lồng ngực. Dơi con lớn rất nhanh, hơn một tháng tuổi chúng đã biết nắm níu nhánh cây, đồng thời cánh của chúng cũng bắt đầu mọc và mở rộng. Dơi non thường tập bay ban đêm chứ không tập bay ban ngày. Sự chăm sóc của dơi mẹ dành cho dơi con (trong vòng 3 tháng) được coi là biểu tượng của tình mẫu tử. Dơi cũng có cách tổ chức bầy đàn khá chặt chẽ. Khi một con bị nạn kêu cứu thì cả đàn đều đến giúp đỡ. Lúc đi kiếm ăn, chúng bay theo con đầu đàn theo một trật tự nào đó khó giải thích.
Cũng như nhiều ngôi chùa khác, Chùa Dơi có nhiều huyền tích được lưu truyền. Trước hết là câu chuyện về loài dơi. Đàn dơi về chùa chủ yếu là loài dơi quạ quý hiếm, có trọng lượng từ 1 đến 1,5 kg. Khi trưởng thành, nhiều con có sải cánh “không tưởng”: lên tới gần 2 mét. Là giống dơi ăn quả, nhưng khi về nghỉ ngơi trong khuôn viên chùa, trong những lùm cây, theo người dân trong vùng thì chúng không bao giờ ăn hoa quả ở nhà chùa, mà thường bay đi rất xa để kiếm ăn. Người ta cũng nói rằng, khi chiều buông, đàn dơi cất cánh bay đi tìm mồi và khi bình minh quay về, chúng bay thành hàng và lượn nhiều vòng trên vùng trời khu vực chùa, nhưng không bao giờ bay thẳng qua nóc ngôi chính điện.

Cùng với bầy dơi, thì chuyện về những con heo 5 móng cũng thật độc đáo. Theo người dân trong vùng, gia đình nào gặp phải con heo này thì dễ mắc vào chuyện lục đục, vì bị con heo “thành tinh” quấy phá. Do vậy, khi có con heo con 5 móng nào, người ta lại đem đến nhà chùa gửi, để trông nom, chăm sóc. Không biết thực hư ra sao, nhưng thực tế cho thấy ở khu vực khuất sau chùa hiện vẫn còn khu mộ của những con heo 5 móng. Cũng không hiểu sao, một số người tin rằng nếu “xin” ở những ngôi mộ lạ lùng này sẽ được các “dị nhân” hiển linh ban cho tiền bạc.

Nghĩa địa heo 5 móng.

2. Chùa Dơi cũng rất nổi tiếng là một quần thể kiến trúc đẹp, với mái 2 lớp ngói mầu. Đầu hồi, 4 đầu mái hình rắn thần Naga được chạm trổ rất tinh xảo. Trên đỉnh chùa có một ngọn tháp nhọn. Chùa có một hàng cột đỡ bao quanh, mỗi cột có một tượng tiên nữ Kemnar chắp tay trước ngực, nghiêm cẩn và rực rỡ.

Tổng thể kiến trúc Chùa Dơi gồm: Ngôi chính điện, Sala, nhà hội của sư sãi và tín đồ, phòng ở của sư sãi và trụ trì, các tháp để tro người chết, phòng khách…

Công trình kiến trúc tiêu biểu trong quần thể kiến trúc Chùa Dơi là ngôi chính điện, được xây dựng từ năm 1569 bằng gỗ, trên mái được lợp lá dừa nước. Theo thời gian, ngôi chính điện cũng như các công trình khác của chùa được trùng tu nhiều lần. Năm 1960, ngôi chính điện được thay đổi từ gỗ sang bê-tông, mái ngói thay cho mái lá dừa nước. Ngôi chính điện dài 20,8m, rộng 11,3m. Có 4 ngõ để đi vào chính điện. Cửa chính quay ra hướng Đông. Phần mái chính điện được kết cấu đặc biệt, gồm 4 hệ thống mái chồng lên nhau. Trên mái đều được trang trí hình tượng con rồng ở các góc. Bên trong chính điện có tượng Phật sơn son thiếp vàng, cao khoảng 2m, trên bệ thờ cao khoảng 1,5m được đắp nổi nhiều hoa văn hình cánh sen.

Những hoa văn kiến trúc rất đẹp ở Chùa Dơi.

Đối diện với ngôi chính điện về hướng Tây là dãy nhà Sala (nhà hội của sư sãi), phòng của sư trụ trì, phòng khách. Quần thể kiến trúc của chùa dựa trên sự cân đối, hài hoà, gắn những công trình xây dựng với thiên nhiên xung quanh. Chính vì thế Chùa Dơi được coi là một quần thể kiến trúc mang giá trị thẩm mỹ cao; là nơi đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của đời sống tâm linh, hướng con người đến chân - thiện - mỹ, làm điều hay lẽ phải, làm việc thiện, tích phúc cho đời.

Miên Thảo (Tổng hợp)