Những 'Sát thủ' tý hon
Với hình dáng nhỏ bé tưởng chừng vô hại, nhưng một số loài côn trùng lại được mệnh danh là “sát thủ” trong thế giới tự nhiên vì độ nguy hiểm của chúng.
1. Kiến quân đội
Kiến quân đội (hay kiến quân lính, kiến lê dương) nằm trong số những động vật đáng sợ nhất hành tinh với khả năng ăn thịt tập thể con mồi to lớn chỉ trong vòng vài phút. Với khả năng tàn sát kinh hoàng, kiến quân đội có thể tấn công mọi loài vật mà chúng cặp trên đường đi.
Kiến quân đội có nguồn gốc từ siêu lục địa Gondwana. Chúng có mặt hầu như là mọi nơi khắp thế giới ngày nay, sau khi siêu lục địa Gondwana tan vỡ và phân tán cách đây trên 100 triệu năm. Dù tiến hóa nhiều lần, song cơ bản chúng không thay đổi nhiều trong hàng chục triệu năm qua.
Kiến quân đội có tổ chức xã hội chặt chẽ, chúng sử dụng các nguyên tắc quân sự truyền thống để tấn công, dùng số lượng quân áp đảo để lấn át đối phương với số lượng ít hơn. Khả năng phối hợp của cả đàn khi săn mồi lại rất thiện chiến nhờ vào khả năng truyền tín hiệu qua một loại mùi mà chúng tiết ra.
Một khi đã rơi vào lãnh địa của loài kiến quân đội với số lượng có thể lên tới hàng triệu con, không một loài vật nào có thể chống lại chúng, cho dù đó là những loài vật nguy hiểm như rắn độc, bọ cạp. Với những chiếc răng rất lớn giống lưỡi kiếm tí hon, chúng có thể bao vây và ăn ngấu nghiến một con bò bị cột dây hoặc thậm chí cả một đứa trẻ đang bị để chơi một mình, chỉ trong vòng vài phút. Khi không thể chạy thoát, cách duy nhất để không bị kiến quân đội tấn công là đứng bất động như tượng.
2. Sâu bướm Puss
Sâu bướm Puss (danh pháp khoa học Megalopyge opercularis) là ấu trùng của bướm flannel, được phát hiện nhiều ở miền Trung và miền Nam nước Mỹ. Chúng được mệnh danh là sát thủ “kịch độc” ẩn mình trong vẻ ngoài dễ thương, bởi nếu thoạt nhìn bạn sẽ khó có thể cưỡng lại trước vẻ đẹp của chúng và mong muốn được mang về nhà làm thú cưng. Nhưng sự thực thì, đừng ai dại mà chạm vào. Chất độc của nó được chứa trong các gai rỗng nằm trong lớp lông rậm mượt mà. Khi vô tình chạm vào sẽ gây ra những cơn đau dữ dội, gây tê, đôi khi khó thở và đau ngực.
Theo nhà côn trùng học Don Hall từ Đại học Florida, vết đốt có thể còn đau hơn vết đốt của một con sứa, bất kỳ loại bạch tuộc hay ong nào khác. Cơn đau sẽ ngay lập tức và nhanh chóng trở nên tệ hơn sau khi bị đốt, thậm chí có thể khiến xương của ê ẩm. Vết đốt gây ra đau đớn đến đâu phụ thuộc vào vị trí đốt và số lượng những cái gai được ghim vào da bạn. Những người đã bị đốt vào bàn tay nói rằng cơn đau có thể lan tới tận vai và kéo dài đến 12 tiếng đồng hồ.
3. Bọ cạp
Bọ cạp hay bò cạp là giống động vật không xương sống, tám chân được đặc trưng bởi một chiếc đuôi có móc độc. Có hơn 1.700 loài bọ cạp đã được phát hiện, có màu sắc và kích cỡ khác nhau. Ngoài loài Hemiscorpius lepturus có nọc độc hoại tế bào, tất cả các loài bọ cạp khác đều có độc làm hủy thần kinh.
Bọ cạp dùng nọc độc của nó để giết hoặc làm tê liệt con mồi; hành động này khá nhanh và hiệu quả. Dù vậy, nọc độc của bọ cạp miễn nhiễm với bản thân nó cũng như bất kỳ con bọ cạp nào cùng loại, trừ khi nọc độc bị tiêm thẳng vào hạch thần kinh. Thật may mắn là nọc độc của đa số loài bọ cạp vô hại đối với con người, tuy nhiên nó có thể gây ra các phản ứng khác như đau, tê cứng hay sưng phồng.
Bọ cạp có khả năng điều chỉnh lượng nọc chích, thông thường 0,1-0,6 mg. Đó cũng là một gợi ý về giả thiết bọ cạp để dành nọc độc của mình trong những trận giao tranh khác nhau: loại nhẹ chỉ làm đối phương choáng váng và loại mạnh đủ để giết chết kẻ thù. Có lẽ bọ cạp mất khá nhiều năng lượng cho loại độc này đến nỗi nó phải mất vài ngày mới hồi phục sau khi dùng hết số độc có sẵn.
4. Ong bắp cày
Ong bắp cày (danh pháp khoa học: Vespa) phân bố chủ yếu ở châu Âu, Nga, Bắc Mỹ và Bắc Á. Ở Việt Nam, ong bắp cày còn được gọi bằng các tên thông dụng khác như ong vò vẽ hay ong vàng, ong nghệ. Đây là loài ong hung dữ và hay tấn công người, mùa giao phối và di trú của ong bắp cày diễn ra từ tháng 9 đến tháng 10, đây cũng là thời điểm mà chúng hung hãn nhất.
Những con ong bắp cày khổng lồ Nhật Bản được xem là nguy hiểm nhất. Chúng dài tới 75mm và có vết cắn đau đớn hơn bất kỳ loài côn trùng đốt chích khác. Nọc độc được tiêm từ ngòi của ong có chứa 8 loại hóa chất khác nhau không chỉ gây tổn thương mô, mà để lại một mùi thu hút nhiều ong bắp cày khác cho nạn nhân.
Trung bình mỗi năm có trên 40 người chết do loài ong này đốt. Nó trở thành loài vật nguy hiểm nhất tại Nhật Bản.