'Mở' tín dụng ngoại tệ đảm bảo tăng trưởng

T. Chung 31/05/2016 20:14

Việc lùi thời hạn “siết” vốn tín dụng vào bất động sản và quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn (tại Thông tư 06 của NHNN), nhất là mở lại cho doanh nghiệp xuất khẩu vay ngoại tệ là tín hiệu kịp thời góp phần đảm bảo tăng trưởng kinh tế của năm nay khoảng 6,7%.

Nhằm đảm bảo sự phát triển kinh tế đi đúng quỹ đạo, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành không được “chung chung”. Trong yêu cầu cấp thiết đó, Thông tư 06 và 07 quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn của tổ chức tín dụng và quy định hoạt động cho vay bằng ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mà nhất là Thông tư 07 đã tạo ra những tâm lý lạc quan cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

'Mở' tín dụng ngoại tệ đảm bảo tăng trưởng

Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp đồng thuận

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực từ Ngân hàng BIDV cho rằng “Thông tư 06 và 07 ra đời đã đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp, của thị trường và của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là Thông tư 07 quy định cho vay ngoại tệ từ 1/6, góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, là tín hiệu kịp thời góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm nay khoảng 6,7% như Quốc hội và Chính phủ đề ra”.

Với Thông tư 07, NHNN đã mở lại một kênh vốn có lãi vay (khoảng 3%) thấp hơn nhiều so với vay VND, để hỗ trợ doanh nghiệp và gián tiếp là hỗ trợ cho các hộ dân trong chuỗi liên kết. Ngoài ra, với việc cho vay ngoại tệ với doanh nghiệp xuất khẩu tạo ra chi phí vốn thấp cũng giảm bớt áp lực vay VND, để có thể giảm lãi suất cho vay nói chung.

Ông Phạm Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Cát Quế vui mừng cho biết: “Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa thông báo cho tôi về chương trình cho vay ngoại tệ để thu mua nông sản. Công ty của tôi hiện đang vay hơn 400 tỷ đồng để đầu tư vào nông nghiệp với lãi suất 4,5%/năm. Nay được vay bằng ngoại tệ, quy đổi ra VNĐ sẽ giúp chúng tôi và cả bà con nông dân giảm được chi phí vốn”.

Còn Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần cơ kim khí Thăng Long Phạm Hữu Hùng cho biết ngân hàng có động thái giảm lãi suất, mở lại tín dụng ngoại tệ cho doanh nghiệp xuất khẩu đó là một phần động lực để chúng tôi thực hiện các dự án đầu tư. “Với mức lãi suất hiện nay đã giảm, đặc biệt là trong cuộc gặp giữa Thủ tướng với doanh nghiệp cách đây 1 thán là động lực lớn để chúng tôi xem xét, đầu tư, tiếp tục các dự án trong tương lai”, ông Hùng nhấn mạnh.

Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Giám đốc Viện nghiên cứu phát triển DN (BDI) cho rằng việc cho vay ngoại tệ cần tuân thủ quy định NHNN hiện nay. Ví dụ, DN có quyền vay ngoại tệ NHTM nếu có nhu cầu. Còn các NHTM có quyền cho vay và tự chịu trách nhiệm về các khoản nợ đấy.

“Tôi cho rằng, mức độ can thiệp của NHNN đối với cho vay ngoại tệ không nhất thiết phải làm quá khắt khe như kiểm soát từng món vay, từng lần vay. NHNN cần dùng các biện pháp gián tiếp hơn như tăng dự trữ bắt buộc tiền gửi ngoại tệ, giảm trạng thái ngoại hối của các NHTM hoặc là kiểm soát việc đầu cơ găm giữ ngoại tệ khiến cho ngoại tệ trở thành luồng vốn được huy động và cho vay một cách bình thường và tuân thủ theo nguyên tắc thị trường. Đây là hỗ trợ lớn nhất nhất là DN xuất khẩu trong giai đoạn hiện tại”, ông Lê Xuân Nghĩa nói.

Vẫn theo ông Lê Xuân Nghĩa, Việt Nam nên bình thường hóa quan hệ tín dụng ngoại tệ như lâu nay vẫn làm, không nên đưa ra bất cứ hạn chế nào theo hướng làm cho nguồn lực này trở lên bị méo mó. Khi đó sẽ xảy ra hiện tượng lách vào các kênh tín dụng khác không cần thiết. Và nhất là sắp tới đây khi tham gia vào TPP, người dân Việt Nam có thể gửi hoặc vay tiền bất cứ ngân hàng nào trong 12 nước tham gia TPP. Đấy là điều mà tạo ra một thông thoáng nguồn vốn đồng thời tạo ra sức ép nếu chúng ta không cẩn trọng vốn lại bị thu hút vào ngân hàng nước ngoài.

Kiểm soát lạm phát

Cùng với Thông tư 07, NHNN đã quyết định không thu hẹp giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn trong năm nay, mà giãn theo từng bước dài ra trong hai năm tới quy định tại Thông tư 06. Áp lực các ngân hàng đẩy lãi suất cải thiện cơ cấu vốn huy động để đáp ứng tình huống thu hẹp giới hạn này, như đã thể hiện đầu năm nay, trước mắt được gỡ bỏ. Theo đó, mục tiêu giảm lãi suất cho vay cũng bớt đi một trở ngại.

Trong mối quan hệ với nhiệm vụ kiểm soát lạm phát khi 2 Thông tư này có hiệu lực từ đầu tháng 6/2016, ông Cấn Văn Lực cho rằng: “Không có gì đáng lo ngại” vì tín dụng tuy có được nới lỏng nhưng vẫn tiếp tục được nắn mạch đến dòng ưu tiên (xuất khẩu). Song song với đó, NHNN kiểm soát chặt chẽ việc cho vay đối với các lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản, các dự án BOT…

Thứ hai, tổng lượng vay ngoại tệ của hệ thống tài chính ngân hàng đã tung ra cho nền kinh tế khoảng 10% tổng dư nợ. Nếu như hỗ trợ xuất khẩu thì rõ ràng chỉ chiếm khoảng 3 – 5% tổng dư nợ, không phải là quá nhiều nhưng sức lan tỏa lại rất lớn để hỗ trợ xuất khẩu.

Thứ ba, ông Lực cho rằng Chính phủ cũng đã nhận thức được về áp lực lạm phát. Chính vì thế, Chính phủ đã điều hành quyết liệt trong việc tăng cường phối hợp chính sách, đặc biệt giữa tiền tệ với tài khóa và kiểm soát giá cả để đảm bảo đồng bộ các công cụ và như vậy chúng ta mới đảm bảo kiểm soát được lạm phát dưới 5% như mục tiêu đã đề ra.

“Chúng ta không chủ quan với lạm phát và lạm phát hiện vẫn đang trong tầm kiểm soát. Với hai thông tư 06, 07 đã tháo gỡ về mặt tâm lý cũng như hỗ trợ giải pháp rất cụ thể trong bối cảnh chúng ta vừa ban hành Nghị quyết 35 để hỗ trợ doanh nghiệp, đây là một giải pháp rất cần thiết. Với cách làm như vậy, tôi cho rằng, kỳ vọng lạm phát của Việt Nam năm nay có thể đạt được mức dưới 5% hoặc 5%”, ông Lực nói.

T. Chung