Tranh gạo của chàng trai tàn tật

Xuân Thi 01/06/2016 11:10

Hằng ngày bên khung cửa sổ nhìn ra góc vườn, với nghị lực phi thường và lòng đam mê nghệ thuật, chàng trai tàn tật Lê Trường Giang (sinh năm 1980) ở thôn Lệ Kỳ 1, xã Vĩnh Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã cần mẫn góp nhặt từ hàng vạn hạt gạo của đồng đất quê hương để làm nên những bức tranh phong cảnh thiên nhiên, di tích danh thắng lịch sử.

Tranh gạo của chàng trai tàn tật

Lê Trường Giang bên bức tranh gạo của mình.

Nhìn khuôn mặt gầy gò nhưng ánh lên niềm lạc quan khi Lê Trường Giang giới thiệu với chúng tôi những bức tranh gạo - sản phẩm tích lũy sự kỳ công và sáng tạo của anh trong những ngày tháng kiên trì bên bàn làm việc. Đó cũng là những bức tranh được làm từ đôi bàn tay tài hoa của chàng trai tàn tật vượt lên chính mình.

Một ngày hè của năm 1989, trong lúc đi chăn bò ở vùng cồn Rin, phía tây của xã Vĩnh Ninh, Lê Trường Giang bị thương khi xảy ra một vụ nổ bom bi. Giang đã khóc khi tỉnh dậy thấy mình nằm trong bệnh viện với những dải băng bó vết thương quấn đầy mình. Và anh càng buồn hơn khi những cử động, mọi sinh hoạt thường ngày trở nên khó khăn khi trông chờ vào sự giúp đỡ của cha mẹ.

Cùng với thời gian, Giang đã trưởng thành và suy nghĩ nhiều hơn. Nhiều lúc nằm trên giường, nghĩ tới bữa cơm do cha mẹ mang đến mà Giang thấy chạnh lòng. “Phải tích cực tập luyện, vận động thân thể để đi lại”, Giang tự hứa với bản thân mình như vậy. Sau đó, anh nhờ mẹ buộc cho cây sào bằng tre phía chân giường để anh tập đi lại. Và rồi sự kỳ diệu đã đến, sự kiên trì tập luyện đã được bù đắp khi anh đi lại được mà không cần tay vịn. Được sự động viên của gia đình và bà con láng giềng, và đặc biệt bằng nghị lực của mình, Giang đã vượt qua mặc cảm để hòa nhập cuộc sống.

Từ những tấm gương vượt lên chính mình trong cuộc sống đã gợi lên trong đầu Giang một ý tưởng mình còn đôi tay, sao không làm một việc gì đó có ý nghĩa để giúp cha mẹ nhỉ. Ngồi bên cửa sổ nhìn ra vườn chuối thấy lá khô bay trong gió, Giang nghĩ hay là tận dụng nguồn nguyên liệu này để vẽ tranh bằng bẹ, lá chuối khô. “Từ ngày vẽ tranh bằng lá chuối khô đã giúp cho em cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Tuy nhiên, do chưa tìm kiếm được đầu ra tranh làm ra phải xếp chồng lại nơi góc nhà nên em phải chuyển hướng vẽ tranh bằng vật liệu khác”, Giang cho biết.

Và như một sự tình cờ, cuối năm 2013, trong lúc xem tivi thấy giới thiệu làm tranh bằng gạo rất đẹp mà nguồn chất liệu lại sẵn có trong mỗi gia đình, Giang đã thích thú tìm hiểu. Sau đó, anh nhờ bạn bè, người thân tìm hiểu qua mạng Internet và sách báo cách làm tranh gạo.

Với dụng cụ thô sơ như cây bút vẽ được vót nhọn từ một thanh tre, giá vẽ được tận dụng từ những thanh gỗ cốt pha... Đặc biệt, để tạo màu cho hạt gạo, Giang đã cẩn thận rang nhiều mẻ gạo ở từng độ lửa khác nhau. “Tranh gạo đặt tính chất tự nhiên lên hàng đầu nên không được sử dụng màu nhuộm, vì vậy người thợ phải xử lý nhiệt độ hết sức khéo léo để cho ra những mẻ gạo có màu sắc khác nhau kết hợp trong bức tranh”, anh Giang cho biết.

Bằng sự kiên trì, chăm chỉ của mình, anh Lê Trường Giang đã làm được hơn 50 bức tranh về phong cảnh thiên nhiên, di tích lịch sử, tranh thư pháp… Không chỉ là tác phẩm nghệ thuật, những bức tranh gạo của anh còn chứa đựng cả sự tâm huyết, sự kiên trì và đặc biệt là ý thức vượt lên chính mình của một chàng trai tàn tật có đôi tay tài hoa.

Xuân Thi