Tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp
Lần đầu tiên, một bản báo cáo của Việt Nam có tầm nhìn dài hạn và hướng mục tiêu chính vào khu vực kinh tế tư nhân – báo cáo Việt Nam 2035. Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, với những đường hướng, mục tiêu mà Báo cáo Việt Nam 2035 xây dựng, nền kinh tế nước nhà sẽ có những đột phá trong thời gian tới.
Niềm tin là động lực để doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất. (Ảnh: Hoàng Long).
Đề cao vai trò khu vực kinh tế tư nhân
“Quyết định thành công hay không trong quá trình cải cách chính là chủ thể doanh nghiệp. Từ nay đến năm 2035, doanh nghiệp cần hiểu rằng doanh nghiệp đang thực sự ra “biển lớn”, thực sự hội nhập mà quá trình hội nhập là không thể cưỡng lại. Do đó, những người chủ doanh nghiệp phải nâng cao trình độ, bởi nhiều doanh nghiệp không phát triển được là do nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu của hội nhập. Phải bỏ đi những thói quen trước đây như “nước đến chân mới nhảy”; làm hàng nhái, hàng giả; “quan hệ” với cơ quan chính quyền để đạt được hiệu quả trong công việc…” - Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái nói. |
Tại Hội thảo “Khát vọng Việt Nam 2035: Vai trò của doanh nghiệp và yêu cầu hiện đại hóa thể chế” do Ngân hàng Thế giới, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vừa diễn ra, Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc đã khẳng định, việc xây dựng báo cáo Việt Nam 2035 đã tạo ra sự phấn khích cho cộng đồng DN, khi lần đầu tiên có định hướng tầm nhìn 20 năm cho Việt Nam, tạo ra niềm tin cho cộng đồng DN. Theo vị Chủ tịch VCCI, cộng đồng DN cần một tầm nhìn dài hạn chứ không chỉ dựa vào một tầm nhìn ngắn vài ba năm. Do đó, việc báo cáo đã đưa ra 6 định hướng để Việt Nam tránh bẫy thu nhập trung bình, gắn với sự phát triển của DN, đều có vai trò của doanh nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân là cốt lõi… thực sự nhóm lên niềm tin cho cộng đồng DN về một sự đột phá của nền kinh tế dựa trên nền tảng một môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng.
Đánh giá về bản báo cáo mang tính chiến lược dài hơi cho nền kinh tế - báo cáo Việt Nam 2035, TS. Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, việc đề cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đối với sự phát triển của nền kinh tế cũng đã được Thủ tướng Chính phủ thừa nhận và nêu quan điểm rằng, muốn nền kinh tế phát triển mạnh và bền vững, cần phải hướng vào nền kinh tế tư nhân. Thông điệp đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn vào yếu tố cốt lõi của nền kinh tế chính là DN tư nhân chứ không phải DN nhà nước.
Động thái đó cho thấy, Nhà nước, Chính phủ đã không còn đặt vấn đề như trước đây, đã lấy khu vực kinh tế tư nhân làm trọng yếu. “Đó là một định hướng hết sức đúng đắn. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là thực hiện như thế nào? – TS. Lưu Bích Hồ đặt câu hỏi và nhấn mạnh: Để phát triển khu vực kinh tế tư nhân, chúng ta phải làm tất cả những gì là cần thiết nhất để có được một môi trường kinh doanh tốt hơn, bình đẳng hơn”.
Theo TS. Lưu Bích Hồ, thời gian qua, người dân, các DN nhỏ và vừa vẫn gặp phải những rào cản do chính sách tạo ra. Chính sách về tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn vay… chưa hoàn toàn hỗ trợ cho cộng đồng DN, ngược lại một số thủ tục còn “ngáng chân” DN. “DN tư nhân phải được cởi bỏ những trói buộc về chính sách để được hoạt động trong một môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, mặt khác cộng đồng DN cũng phải chủ động hành động. DN có thể đòi hỏi những hỗ trợ từ Nhà nước nhưng tuyệt đối không thể ngồi chờ” – TS. Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.
Để nền kinh tế phát triển bền vững
Cũng ủng hộ mục tiêu mà Báo cáo Việt Nam 2035 hướng đến là khu vực kinh tế tư nhân, TS. Cấn Văn Lực - Cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV cho rằng, lực lượng DN vừa và nhỏ, DN tư nhân đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế. Khu vực kinh tế này đang tạo công ăn việc làm cho lực lượng lao động rất lớn, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước… Không ai có thể phủ nhận vai trò của khu vực kinh tế tư nhân. Song thực tế hiện nay, chính khu vực DN này lại nhận được sự đối xử chưa công bằng, các chính sách, thể chế của Nhà nước hầu như chưa tạo được động lực cho các DN nhỏ và vừa phát triển. Điều này lại đi ngược với xu thế của thế giới vì theo TS. Lực, ở các nước phát triển, họ rất coi trọng vai trò của kinh tế tư nhân còn ở Việt Nam, một thời gian dài, khu vực kinh tế này không được quan tâm đúng mức.
“Hướng đến cộng đồng DN nhỏ và vừa, khu vực kinh tế tư nhân là giải pháp căn bản để có một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ” – TS. Cấn Văn Lực nêu quan điểm, tuy nhiên, ông cũng có chung một câu hỏi như TS. Lưu Bích Hồ: “Vấn đề bây giờ là phương pháp thực hiện ra sao?”. Theo TS. Lực, từ nay đến năm 2035 là cả một thời gian khá dài, do đó chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam cần phải có một kế hoạch cụ thể, phải phân đoạn 5 năm một và phải có sự rà soát, đánh giá hiệu quả của từng giai đoạn. Thứ hai, cần kiên định các chính sách, đường hướng đúng đắn đã đề ra và quyết tâm thực hiện. Bên cạnh đó, tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới tăng trưởng, đặc biệt phải xác định ưu tiên lĩnh vực ngành nghề nào để từ đó đưa ra những chính sách phát triển đúng đắn hơn. Qua đó tạo được thế mạnh của Việt Nam trước thế giới khi nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng.