Ổn định giá cả để kiểm soát lạm phát
Đó là vấn đề được PGS.TS Đinh Trọng Thịnh- Học viện Tài chính đưa ra khi trao đổi với ĐĐK về mục tiêu để kiểm soát lạm phát của Chính phủ từ nay cho đến cuối năm như giới hạn mà Quốc hội cho phép là dưới 5%.
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2016. Theo đó CPI tháng 5 đã tăng 0,54% so với tháng trước và tăng 2,28% so với cùng tháng năm trước. Nếu tính dồn sau 5 tháng đầu năm, so với tháng 12 năm trước CPI của cả nước đã tăng 1,88%. CPI tháng 5 được coi là tháng có mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua. Ngoài ra, tháng 5-2016 cũng được ghi nhận là tháng có 11 nhóm hàng đồng loạt tăng giá so với tháng trước trong vòng 3 năm qua, trong đó có giá thuốc và dịch vụ y tế. Theo số liệu của thống kê, giá thuốc và dịch vụ y tế tăng 16,03% so với cùng kỳ 2015, trong đó giá thuốc tăng 20,84% so với năm 2015 và tăng 28,26% so với năm 2014.
Báo cáo từ các địa phương cũng cho thấy, có nơi CPI tăng cao hơn mức tăng bình quân của cả nước nhưng có tỉnh, thành phố kiểm soát tốt, CPI tăng ở mức thấp. Tuy nhiên những địa phương có CPI tăng thấp phần lớn là chưa điều chỉnh giá dịch vụ công và xu hướng là CPI sẽ tăng trong thời gian tới khi giá các loại dịch vụ này sẽ được điều chỉnh tăng theo lộ trình.
Nhận định về vấn đề lạm phát trong thời gian tới, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trong năm 2016 lạm phát có thể ở mức 5-6%, nếu kiểm soát tốt có thể từ 3-4%, và không thể thấp được như năm ngoái. Ông Thịnh phân tích: “Chúng ta phải thấy một vấn đề trong thực tế giá dầu và giá mặt hàng đầu ra, đầu vào của sản xuất cũng tăng lên từ đó làm cho các giá của mặt hàng khác trên thị trường tăng”; đồng thời nhận định lạm phát 4-5% là chấp nhận được.
Tuy nhiên ông Thịnh cũng cho rằng, từ nay đến cuối năm nếu không cẩn trọng thì lạm phát có thể vượt khỏi tầm 4-5% và có thể cao hơn. Ví dụ mỗi tháng tăng khoảng 0,6-0,7% thì rõ ràng trong tương lai còn hơn nửa năm, nhất là nửa năm cuối thường có biến động về mặt giá cả so với nửa năm đầu, và làm lạm phát vượt mức 4-5%.
Để có thể đáp ứng được nhu cầu vừa quản lý lạm phát ở mức hợp lý vừa đáp ứng được những yêu cầu của nền sản xuất, theo ông Thịnh, từ nay đến cuối năm phải làm nhiều công việc, trong đó ổn định giá cả thị trường là điều đáng quan tâm. “Ở đây thực chất quản lý thị trường đòi hỏi chúng ta phải có nhiều biện pháp từ quản lý giá cả cũng như quản lý về xuất nhập khẩu nói riêng cũng như đáp ứng được những nhu cầu khác của nền kinh tế ở đầu vào và đầu ra. Có như vậy mới giữ ổn định được chứ bây giờ chúng ta lại có đột biến gia tăng về mặt tỷ giá hoặc hàng hóa đặc biệt thì rõ ràng chúng ta khó lòng giữ được tỷ lệ lạm phát đến cuối năm như mong muốn là 4-5%”- ông Thịnh nói.