'Đánh vào dạ dày' để kéo giảm TNGT
Thông tin trong tháng 5, các vụ tai nạn giao thông (TNGT) tăng đột biến kéo theo nhiều người chết và bị thương, do Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia đưa ra không làm nhiều người ngạc nhiên. Cũng đúng thôi khi mà ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân còn chưa cao, công tác cấp giấy phép lái xe cũng chưa ổn, cùng với đó là việc xử lý vi phạm không nghiêm của lực lượng thực thi công vụ...
Tai nạn giao thông vẫn làm nhức nhối xã hội.
Cụ thể, tính từ ngày 16/4 đến 15/5, toàn quốc xảy ra 1.748 vụ TNGT, làm chết 726 người, bị thương 1.491 người, tăng 14 vụ (0,81%), tăng 18 người chết (2,54%), tăng 7 người bị thương (0,47%) so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đại diện Ủy ban ATGT quốc gia đã kịp thời trấn an dư luận bằng thông tin: Chỉ có tháng 5 số vụ TNGT tăng đột biến vì có kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, còn tính trung bình cả 5 tháng đầu năm thì số vụ TNGT “chỉ có” 8.374 vụ TNGT, làm chết 3.588 người, làm bị thương 7.339 người. So với cùng kỳ năm 2015 giảm 944 vụ (-10,1%), giảm 147 người chết (-3,94%), giảm 1.218 người bị thương (-14,23%). Tuy nhiên, kể cả là “chỉ” xảy ra 8.374 vụ TNGT, làm chết 3.588 người trong vòng 5 tháng, thì trung bình mỗi ngày trên toàn quốc vẫn xảy ra khoảng gần 56 vụ TNGT, làm khoảng 24 người chết, chưa kể số người bị thương. Vấn đề ở đây không chỉ là con số, vấn đề cốt lõi luôn luôn là việc các cơ quan chức năng cần phải chỉ ra được những nguyên nhân gây TNGT, đồng thời rốt ráo đưa ra biện pháp phòng ngừa và xử lý, để giảm thiểu vấn nạn đó.
Bao nhiêu năm qua, ai cũng biết, cũng thấy TNGT là vấn nạn nhức nhối của xã hội cần phải quyết tâm giải quyết cho bằng được, chí ít là giảm thiểu. Song, có vẻ như các cơ quan chức năng nhiều khi vẫn lúng túng trong việc “chỉ mặt đặt tên” các nguyên nhân, đồng thời cũng chưa đưa ra được biện pháp hữu hiệu nào khả dĩ có thể kéo lùi đáng kể số vụ TNGT cũng như con số thương vong.
Thực chất, nguyên nhân TNGT thì khá nhiều, do cả chủ quan và khách quan, song theo một số nhà phân tích thì tựu trung lại thì cũng chỉ có vài nguyên nhân chính, đó là: Hạ tầng giao thông yếu kém, người điều khiển phương tiện không đủ trình độ và sức khỏe vẫn được cấp giấy phép lái xe (có thể do may mắn, cũng có thể do “nhấm nháy” với các cán bộ sát hạch, nhân viên y tế...), ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông chưa tốt, coi thường kỷ cương phép nước (hoặc thiếu hiểu biết về luật) và cuối cùng là sự thiếu minh bạch hoặc dung túng trong xử lý vi phạm giao thông của một số cán bộ thực thi công vụ ở một vài nơi.
Nguyên nhân thì rõ rồi, chỉ còn là vấn đề giải quyết ra sao mà thôi. Về việc hạ tầng giao thông yếu kém thì có lẽ không thể “sửa” “ngay và luôn” được, vì điều kiện KT-XH đất nước chưa cho phép làm đồng bộ toàn thể hạ tầng giao thông. Song, ngay cả khi hạ tầng giao thông yếu kém thì vẫn có thể giảm thiểu hoặc không xảy ra TNGT nếu người điều khiển phương tiện có ý thức, cùng với đó là việc các cơ quan quản lý nhà nước làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình. Còn vấn đề cấp giấy phép lái xe thì đây là điều có thể làm được ngay trong tầm tay của Bộ GT-VT và Bộ Y tế, nếu thực sự làm nghiêm và siết chặt quản lý.
Ý thức chấp hành luật của người dân chưa cao có thể một mặt là do công tác tuyên truyền, mặt khác do chưa xử lý nghiêm. Không thể để tình trạng cán bộ alô là lực lượng chức năng sẵn sàng bỏ qua cho vi phạm. Vấn đề còn lại thuộc trách nhiệm của Bộ Công an và Bộ GT-VT. Nếu hai Bộ này thực sự quyết liệt, có liệu pháp “điều trị” kiên quyết hữu hiệu với “căn bệnh” mãi lộ cầm tiền rồi bỏ qua vi phạm giao thông của lực lượng CSGT và lực lượng TTGT thì tin rằng sẽ không có chuyện xe quá tải dù bị cấm vẫn chạy rầm rầm, xe khách chở quá số người quy định theo kiểu nhồi nhét vẫn ung dung đi trên quốc lộ. Và khi các cán bộ thực thi công vụ nói không với tiêu cực, mãi lộ thì liệu có chủ phương tiện nào dám đề cập, chứ đừng nói đến việc dúi tiền vào túi cán bộ?!
Thời gian qua, người ta vẫn hay đổ lỗi cho các vụ TNGT chủ yếu do ý thức của người tham gia giao thông kém, song lại không chỉ ra được vì sao ý thức của người tham gia giao thông lại kém. Và để “nâng cao” ý thức tham gia giao thông của người dân, các cơ quan chức năng vẫn quen với “bài” đề nghị nâng cao mức xử phạt hành chính cho các lỗi vi phạm giao thông. Chẳng phải trong một thời gian dài nhiều năm liền Hà Nội xin Chính phủ cơ chế đặc thù trong việc xử phạt vi phạm giao thông mà vẫn không thể kéo giảm số vụ TNGT và số người thương vong đó sao? Pháp trị đương nhiên là tốt nhưng đôi khi đó cũng chưa phải là giải pháp căn cơ đề giải quyết vấn đề. Các cơ quan chức năng cần có cái nhìn toàn diện hơn, thẳng thắn hơn về vấn đề này thì mới mong giải quyết triệt để rốt ráo.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thay thế Nghị định số 171/2013/NĐ-CP và Nghị định số 107/2014/NĐ-CP với mức phạt nặng hơn nhằm tăng tính răn đe, giáo dục. Theo đó, người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền với mức phạt tăng từ 10-15 triệu đồng (theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP) lên 16-18 triệu đồng. Người điều khiển xe ô tô không chấp hành yêu cầu kiểm tra của người thi hành công vụ về nồng độ cồn và chất ma túy cũng bị áp dụng mức phạt trên... |